Tiếng Việt | English

10/04/2019 - 14:55

Công ty Cổ phần Nghiên cứu bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười chủ động phòng, chống cháy rừng

Thời gian qua, Công ty (Cty) Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An) chủ động đưa ra nhiều giải pháp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) nhằm bảo vệ hơn 1.000ha rừng của đơn vị, nhất là kho dược liệu chứa hơn 90 loại gen quý hiếm.

Đập trữ bảo đảm mực nước thấp nhất tại các khu vực là 1m

Đập trữ bảo đảm mực nước thấp nhất tại các khu vực là 1m

Trước đây, Cty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười là điểm nóng về cháy rừng, bình quân hàng năm xảy ra trên 10 vụ cháy rừng lớn, nhỏ. Đỉnh điểm là năm 2015, 100ha rừng tràm của Cty bị “bà hỏa” thiêu rụi, phải huy động hàng trăm người đến chữa cháy liên tục để không lan ra diện rộng.

Nhớ lại cảnh tượng năm đó, Phó Giám đốc Cty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười - Dương Văn Toản cho biết: “Vụ cháy rừng năm đó lớn lắm! Tuy được dập tắt nhưng bùng phát trở lại lớn hơn vào ban đêm nên rất khó huy động lực lượng chữa cháy và lượng nước cũng đang cạn kiệt”. Vì thế, mùa khô đến cũng là lúc lực lượng PCCC ở đây chịu nhiều áp lực. Cụ thể, công tác bơm nước vào cánh đồng tràm phải thường xuyên, liên tục và rất tốn kém. Để chủ động PCCC, Cty xây dựng và đưa vào sử dụng đập trữ nước để bảo đảm cánh đồng tràm luôn có mức nước thấp nhất là 1m; đầu tư gần 20 máy bơm nước, 2.000m dây PCCC; dự trữ hơn 2.000 lít xăng, dầu; xây dựng 4 trạm gác và phân công người trực 24/24 giờ;...

Ông Dương Văn Toản cho biết thêm: “Rừng tràm ở đây có đặc thù là tuổi đời rất lớn và có lớp thực bì rất dày nên mùa nắng rất dễ cháy và khó dập tắt được ngay. Do đó, Cty có nhiều kế hoạch, trong đó, việc xây đập trữ nước vào mùa khô là quan trọng nhất. Nhờ vậy, công tác PCCC được bảo đảm nhưng Cty vẫn không lơ là, chủ quan mà luôn trên tinh thần “phòng cháy hơn chữa cháy” theo phương châm “4 tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ”.

Thiết bị chữa cháy được kiểm tra thường xuyên

Thiết bị chữa cháy được kiểm tra thường xuyên

Ngoài đầu tư các trang thiết bị PCCC, Cty còn phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra và tạo điều kiện cho nhân viên tham gia các buổi tập huấn về PCCC. Ông Dương Văn Lực - nhân viên Cty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười, chia sẻ: “Tôi được phân công trực trạm gác PCCC 24/24 giờ. Nhờ được tập huấn về PCCC, tôi biết cách sử dụng bình chữa cháy, cách dập đám lửa nhỏ, sơ cấp cứu ban đầu,... Qua đó, góp phần hạn chế cháy rừng xảy ra trong mùa khô hanh năm nay”.

Hiện nay, nhiệt độ nắng nóng rất cao trong khi mùa mưa đến trễ hơn mọi năm. Vì vậy, việc triển khai các hoạt động PCCC hợp lý, đều khắp, cụ thể và cấp bách, góp phần giúp Cty Cổ phần Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười giảm đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra. Có như vậy, “lá phổi xanh” của vùng Đồng Tháp Mười nói riêng và của tỉnh nói chung mới được bảo vệ an toàn./.

Thiên Minh

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích