Tiếng Việt | English

21/09/2021 - 15:12

Covid-19 chính thức trở thành đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ

Covid-19 đã chính thức trở thành đại dịch chết chóc nhất trong lịch sử nước Mỹ khi số ca tử vong vượt qua số người chết do đại dịch “cúm Tây Ban Nha” năm 1918.

Thảm kịch to lớn

Dữ liệu của Trường đại học Johns Hopkins, Mỹ, cho biết, số ca tử vong tại Mỹ do dịch Covid-19 đã vượt 675.000 người vào hôm qua (20/9), tính trung bình ở mức trên 1.900 người mỗi ngày – mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2021. Quốc gia này hiện đang trải qua một làn sóng lây nhiễm mới, phần lớn do biến thể Delta độc lực cao.


Các nhân viên y tế Mỹ đưa bệnh nhân mắc Covid-19 đến bệnh viện điều trị tại Houston. Ảnh: AP.

Dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra vào 3 đợt, mùa Xuân năm 1918, mùa Thu năm 1918, mùa Đông và mùa Xuân năm 1919, đã khiến khoảng 675.000 người Mỹ tử vong, theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC). Đây từng được coi là đại dịch khiến nhiều người chết nhất trong lịch sử nước Mỹ cho đến khi Covid-19 xuất hiện.

Cách đây hơn 1 thế kỷ, dân số Mỹ chỉ bằng 1/3 so với ngày nay, vào khoảng 103 triệu người. Hiện giờ con số này là gần 330 triệu người. Tính trung bình, cứ 150 người Mỹ thì có 1 người tử vong vì đại dịch cúm, trong khi đó cứ 500 người thì có 1 người tử vong vì Covid-19. Điều đó cho thấy đại dịch cúm gây chết chóc hơn nhiều, theo AP.

Trên toàn cầu, dịch cúm này đã khiến 50 triệu người tử vong, khi dân số ở thời điểm đó chỉ bằng 1/4 so với dân số hiện nay. Còn số ca tử vong trên toàn thế giới do dịch Covid-19 hiện tại là hơn 4,6 triệu.

Nhưng cuộc khủng hoảng Covid-19, dù với bất cứ thước đo nào, cũng là một thảm kịch to lớn, đặc biệt là trước những tiến bộ đáng kinh ngạc về khoa học và công nghệ trong suốt 1 thế kỷ qua và thất bại trong việc tận dụng tối đa các loại vaccine sẵn có hiện nay.

Nhà sử học y khoa Howard Markel tại Đại học Michigan cho rằng: “Chúng ta hiện giờ đang ở một giai đoạn tốt hơn so với lịch sử. Nhưng giới lãnh đạo đã không tận dụng được những lợi thế này”.

Các chuyên gia cho biết, virus gây dịch cúm năm 1918 có xu hướng hoạt động khác với Covid-19. Trong khi virus SARS-CoV-2 đặc biệt nguy hiểm với những người già và những người có bệnh lý nền thì virus năm 1918 lại khiến nhiều người trẻ tuổi tử vong.

Giống như dịch "cúm Tây Ban Nha", dịch Covid-19 có thể không bao giờ biến mất hoàn toàn trên thế giới. Thay vào đó, các nhà khoa học cho rằng nó sẽ trở thành một loại bệnh theo mùa nhẹ khi khả năng miễn dịch của con người tăng lên thông qua việc tiêm chủng và nhiễm virus lặp đi lặp lại, tuy vậy, sẽ mất rất nhiều thời gian.

Viễn cảnh Covid-19 thành bệnh theo mùa

Nhà sinh vật học Rustom Antia thuộc Đại học Emory đã nói đến một viễn cảnh lạc quan, trong đó, Covid-19 có thể trở thành bệnh theo mùa trong một vài năm: “Chúng tôi hy vọng nó sẽ trở thành căn bệnh thông thường như cảm lạnh, nhưng không có gì đảm bảo”.

Còn hiện tại, dịch bệnh vẫn đang hoành hành nghiêm trọng tại Mỹ và nhiều khu vực khác trên thế giới. Mô hình của Đại học Washington dự đoán, một làn sóng lây nhiễm mới có khả năng tiếp tục xuất hiện tại Mỹ vào mùa Đông. Dự tính, sẽ có khoảng 100.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19 tính đến ngày 1/1/2022, nâng tổng số ca tử vong ở quốc gia này lên đến 776.000 người.

Khả năng Covid-19 chuyển thành một loại bệnh theo mùa có thể xảy ra nếu virus này suy yếu trong quá trình đột biến và hệ miễn dịch của con người học được cách đối phó với nó hiệu quả hơn. Tiêm phòng và phục hồi sau khi mắc Covid-19 là những cách thức chính để tăng cường hệ miễn dịch của con người. Trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ cũng nhận được một số kháng thể từ mẹ.

Theo kịch bản lạc quan đó, học sinh có thể bị ốm nhẹ để rèn luyện hệ miễn dịch. Khi lớn lên, những đứa trẻ này sẽ mang trí nhớ miễn dịch (khả năng hệ thống miễn dịch nhận biết nhanh chóng và cụ thể một kháng nguyên mà cơ thể đã gặp trước đây và bắt đầu phản ứng miễn dịch tương ứng) và lúc đó, virus gây bệnh Covid-19 cũng chỉ gây ảnh hưởng như virus cảm lạnh.

Điều này cũng xảy ra với những thanh thiếu niên đã được tiêm vaccine hiện nay: Hệ thống miễn dịch của họ sẽ trở nên mạnh hơn thông qua việc tiêm vaccine hoặc mắc bệnh Covid-19 ở thể nhẹ.

“Tất cả sẽ đều bị mắc bệnh. Điều quan trọng là liệu bệnh có nghiêm trọng hay không?”, ông Antia nói.

Điều tương tự đã từng xảy ra với virus cúm H1N1 – thủ phạm gây đại dịch năm 1918-1919. H1N1 vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nhưng khả năng miễn dịch của con người và chiến dịch tiêm chủng đã khiến nó bị suy yếu.

Trước dịch Covid-19, dịch cúm năm 1918-1919 được coi là dịch bệnh tồi tệ nhất trong lịch sử loài người. Lây lan mạnh mẽ do dòng người dịch chuyển ồ ạt trong Thế chiến thứ 1, căn bệnh này đã khiến một số lượng lớn những người trưởng thành và khỏe mạnh tử vong. Không có vaccine để ngăn đà lây lan của dịch bệnh và cũng không có thuốc kháng sinh để điều trị các triệu chứng nhiễm trùng thứ cấp. Các nhà khoa học thời điểm đó thậm chí còn chưa được nhìn thấy virus thông qua kính hiển vi. Họ không có công nghệ và thiếu kiến thức về virus.

Còn ngày nay, việc di chuyển bằng máy bay và những cuộc di cư đang đe dọa làm gia tăng số ca tử vong trong đại dịch. Phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng và virus gây bệnh Covid-19 vẫn còn là ẩn số. Chuyên gia Howard Markel cho biết, ông kinh ngạc trước mức độ tàn phá nghiêm trọng mà đại dịch đã gây ra cho hành tinh này.

Tiến sĩ Paul Offit, người tư vấn cho FDA về vaccine Covid-19 khẳng định: “Rõ ràng chúng ta có nhiều lợi thế hơn so với 100 năm về trước”, đồng thời nói rằng ông rất “thất vọng”.

Hiện chưa đến 64% dân số Mỹ đươc tiêm ít nhất 1 liều vaccine, còn trên toàn cầu mới có khoảng 43% dân số được tiêm ít nhất 1 liệu. Một số quốc gia châu Phi thậm chí mới chỉ bắt đầu tiêm mũi đầu tiên cho người dân./.

Hồng Anh/VOV.VN

Chia sẻ bài viết