Tiếng Việt | English

09/06/2020 - 09:34

Covid-19: Mỹ vượt mốc 2 triệu ca, WHO cảnh báo dịch “còn lâu mới qua”

Mỹ đã vượt mốc 2 triệu ca mắc Covid-19 trong khi WHO cảnh báo sau 6 tháng, “đây không phải là thời điểm để thở phào” vì dịch bệnh “còn lâu mới qua đi”.

Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 17.437 ca mắc Covid-19 và 578 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng tổng số ca mắc ở Mỹ lên hơn 2 triệu người với 113.047 người tử vong.


Tàu điện ngầm ở New York trong ngày đầu tiên hoạt động trở lại. Ảnh: Reuters

Chính xác 100 ngày sau khi ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận ở New York, một số người lao động đã bắt đầu quay lại nơi làm việc ngày 8/6 khi thành phố này dỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại.

Cùng ngày, thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh khi chứng kiến gần 22.000 người tử vong này đã ghi nhận tỷ lệ bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 giảm xuống mức 3%. Thị trưởng thành phố New York cũng cho biết ông sẽ giám sát cẩn thận sự lan rộng của virus sau khi hàng nghìn người biểu tình, trong đó có nhiều người không đeo khẩu trang, đổ xuống đường phố để biểu tình chống phân biệt đối xử sau cái chết của George Floyd hôm 25/3.

Brazil vẫn là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới và là ổ dịch lớn nhất Mỹ Latin. Quốc gia này ghi nhận thêm 15.450 ca mắc mới trong 1 ngày, nâng tổng số ca lên 707.412 với 37.134 trường hợp tử vong. Brazil là quốc gia có số ca tử vong nhiều thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Mỹ và Anh.

Peru, Chile và Mexico vẫn là những điểm nóng ở Mỹ Latin với số ca mắc Covid-19 khá cao trong ngày song đã giảm so với những người trước đó. Peru và Mexico đều ghi nhận hơn 3.000 ca mắc Covid-19 trong 24h qua, trong khi Mexico ghi nhận số ca trong ngày cao nhất với 4.696 trường hợp. Số ca tử vong ở Mexico tiếp tục cao nhất trong 3 nước này và cao thứ 2 Mỹ Latin, chỉ sau Brazil với 13.699 ca. Cả 3 quốc gia Nam Mỹ này cũng đã vượt Trung Quốc về tổng số ca mắc Covid-19, đồng thời nằm trong 15 nước có nhiều ca mắc nhất thế giới.

Nga ghi nhận thêm 8.985 ca mắc Covid-19 mới và 112 trường hợp tử vong trong 24h. Lệnh phong tỏa nghiêm ngặt kéo dài 10 tuần ở thủ đô Moscow sẽ bắt đầu được nới lỏng ngày 9/6. Viết trên trang web cá nhân, Thị trưởng Moscow Sergey Sobyanin khẳng định "phần lớn người dân Moscow vẫn phải có trách nhiệm tuân thủ các khuyến cáo và các yêu cầu hạn chế", cũng như thành phố sẽ "nỗ lực để vượt qua thảm họa".

Ông Sergey Sobyanin cũng cho biết từ ngày 9/6, các cửa hàng cắt tóc, tiệm làm đẹp, cửa hàng chụp ảnh và các bệnh viện thú y có thể bắt đầu mở cửa trở lại. Từ ngày 16/6, các thư viện và viện bảo tàng sẽ mở cửa. Cuối cùng, 1 tuần sau, tức ngày 23/6, các câu lạc bộ thể hình và các bể bơi sẽ được phép tái hoạt động. Trong số tất cả các vùng của Nga, Moscow là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 khi chiếm 40% tổng số ca mắc.

Tại châu Âu, Tây Ban Nha chỉ ghi nhận thêm 167 ca mắc Covid-19 mới trong ngày và không có ca tử vong nào. Tổng số ca Covid-19 tại quốc gia này hiện là 288.797 ca với 27.136 ca tử vong.

Anh vẫn là ổ dịch lớn thứ 5 thế giới với số ca tử vong cao nhất châu Âu. Nước này ghi nhận thêm 1.205 ca mắc mới và 55 ca tử vong trong 24h qua. Tổng số người chết vì dịch Covid-19 ở Anh hiện là 40.597.

Italy - nơi từng là tâm dịch châu Âu, đã có 280 ca mắc mới và 65 trường hợp tử vong trong ngày.

Pháp và Đức cũng ghi nhận số ca mắc mới ở mức 3 con số trong 1 ngày, lần lượt là 211 và 336 với các ca tử vong lần lượt là 54 và 7. Tổng số ca mắc Covid-19 tại Pháp là 154.188 ca trong khi Đức ghi nhận 186.205 trường hợp mắc bệnh.

Đứng thứ 6 trong danh sách các nước có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ với 265.928 ca mắc và 7.473 trường hợp tử vong sau khi ghi nhận thêm 8.442 ca mắc mới và 266 ca tử vong trong 24h. Ấn Độ đã vượt Italy về số ca mắc Covid-19.

Iran đã vượt Thổ Nhĩ Kỳ về tổng số ca mắc Covid-19, với 173.832 ca so với 171.121 ca. Trong 24h qua, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận thêm 989 ca mắc mới, trong khi Iran ghi nhận 2.043 ca. Số ca tử vong trong ngày của 2 nước đều ở mức 2 con số, lần lượt là 19 và 70.

Ngày 8/6, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết số ca mắc mới trong ngày hôm 7/6 ở mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát với hơn 136.000 trường hợp, trong khi dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh ở Trung Mỹ.

"Hơn 6 tháng trải qua đại dịch, đây không phải là lúc để các nước thở phào nhẹ nhõm", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định. Trong khi đó nhà dịch tễ học WHO Maria van Kerkhove cũng đánh giá dịch bệnh còn lâu mới trôi qua.

Đến nay, thế giới ghi nhận gần 7,2 triệu ca mắc Covid-19 với 408.015 trường hợp tử vong vì dịch bệnh này./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết