Tiếng Việt | English

03/06/2018 - 08:25

Cúng giỗ ngày nay

Cúng giỗ là truyền thống văn hóa của người Việt, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, lòng tôn kính của con cháu đối với người đã khuất. Đây còn là dịp để họ hàng, thân tộc cùng đoàn tụ, chia sẻ về chuyện gia đình và thắt chặt thêm tình thân với xóm giềng.

Ngày xưa, dù chủ nhà tổ chức đám giỗ lớn hay nhỏ, hàng xóm cũng đến phụ: Gói bánh tét, bánh ít, đổ rau câu, làm bánh bò, bánh da lợn, giết heo, làm gà, vịt,...

Ngày nay, nhất là ở thành thị, đám giỗ được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ hơn. Do không có thời gian chuẩn bị, một số gia đình đặt nấu, đến giờ, nhà hàng mang thức ăn đến đãi khách. Theo guồng quay của cuộc sống, giờ đây, rất hiếm hình ảnh hàng xóm xách con gà, con vịt, bánh mứt đi đám giỗ mà được thay bằng thùng bia, phong bì. Sống ở thành thị, tình làng nghĩa xóm không như ở quê, thế nên đám giỗ được xem là việc riêng của mỗi nhà. Con cháu đôi khi vì lý do công việc, đường sá xa xôi nên không về dự.

Biết rằng vẫn còn nhiều vùng quê giữ được phong tục nhưng không khí của đám giỗ xưa không còn nhiều. Chỉ những người thân thiết lắm mới được mời dự. Tuy vậy, họ cũng chỉ đến cho có mặt rồi mạnh ai nấy về. Nhiều người đến đám giỗ với tâm trạng “bị mời”.

Mặt khác, theo phong trào, cứ đến mỗi dịp nhà có giỗ, chủ nhà lại rước nhạc sống về chơi. Trong lúc có hơi men, cao hứng, họ chẳng còn bận tâm đến láng giềng, thoải mái hò hét cả buổi trưa hoặc đến tận khuya làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Cuộc sống hiện đại ngày nay đã hình thành nên những quan hệ và quan niệm xã hội khác xưa. Người ta trở nên thực tế hơn để thích ứng với sự đổi thay của xã hội và nét đẹp của đám giỗ ngày trước cũng mất dần. Tuy nhiên, lòng kính trọng của con cháu với ông bà, tổ tiên vẫn nguyên vẹn. Dẫu tất bật với công việc nhưng đến ngày giỗ, con cháu đều hướng về quê hương và người đã khuất./.

 Ngọc Diệu

Chia sẻ bài viết