Tiếng Việt | English

01/02/2018 - 09:18

Cùng mang tết đến

Những ngày giáp tết, mọi người hối hả trang hoàng nhà cửa, mua sắm chuẩn bị đón năm mới cùng gia đình. Và đây cũng là thời điểm những người làm các dịch vụ tết “được mùa”.

Công việc chăm sóc cây kiểng của anh Phạm Hữu Nhân tăng gấp đôi so với ngày thường

Trong nhà

Đối với người Việt, bàn thờ gia tiên là nơi trang trọng và tôn nghiêm nhất trong gia đình. Mỗi dịp tết, bàn thờ luôn được trang hoàng sạch, đẹp nhằm thể hiện sự tôn kính của con cháu và ước mong một năm mới may mắn, phúc lộc. Trong đó, bộ lư đồng luôn được làm mới, đánh bóng sáng, đẹp. Do đó, những ngày đầu tháng Chạp, các tiệm lau chùi, đánh bóng lư đồng đắt khách hơn. Giá lau chùi, đánh bóng lư đồng từ 300.000 đồng/bộ trở lên, tùy kích cỡ.

"Tôi làm nghề lau chùi, đánh bóng lư đồng hơn 30 năm nay. Thời điểm này, trung bình tôi nhận từ 4-5 bộ/ngày và tăng dần trong những ngày cận tết. Nhờ nghề này, gia đình tôi có thêm thu nhập mỗi dịp tết" - ông Lê Hồng Thái (55 tuổi), ngụ phường 1, TP.Tân An, tỉnh Long An chia sẻ.

Đánh bóng lư đồng được xem là nghề truyền thống của gia đình ông Lê Hồng Thái

Sau trang hoàng bàn thờ gia tiên là đến nếp nhà. Những ngày cận tết, nhà nhà dọn dẹp, lau chùi, giặt giũ. Ai cũng muốn nhà mình thật tinh tươm để đón phúc lộc đầu năm. Vì vậy, dịch vụ dọn nhà ngày tết cũng ra đời. Có thâm niên nhiều năm làm dịch vụ dọn dẹp nhà dịp tết, chị Trương Thanh Bình, ngụ phường 2, TP.Tân An, không nhớ rõ cơ duyên nào khiến chị “bén duyên” với dịch vụ này. Nhưng hàng năm, cứ độ 20 tháng Chạp là khách hàng lại râm ran gọi chị.

Vì hầu hết là mối quen nên cứ sau giờ làm việc là chị đến dọn dẹp đến tối hoặc vào dịp cuối tuần. Chị Bình kể: “Họ thường là những người bận rộn, công việc dịp tết nhiều nên không có thời gian lau dọn nhà cửa. Vì tết, ai cũng muốn dọn dẹp nên tôi thường làm xen kẽ, đến 29 tháng Chạp là hoàn tất”. Mỗi dịp tết, chị Bình nhận dọn khoảng 10 nhà, đều là những người quen.

Chị Bình nói: “Làm nhà khách quen có nhiều thuận lợi khi mình hiểu được ý chủ nhà, dọn dẹp đỡ mất thời gian. Nhưng để có được mối quen thì mình phải làm việc nhiệt tình, xem nhà khách như nhà của mình, dọn kỹ lưỡng, chăm chút. Có nhà sạch đón tết, khách vui, mình cũng vui. Tết mà!”. Vì câu “Tết mà!” quen thuộc đó mà năm nào chị Bình cũng “chạy ngược, chạy xuôi” vì lỡ bén duyên với nghề!

Ngoài ngõ

Không chỉ trang trí trong nhà, ngoài ngõ, góc sân cũng được chăm chút không kém. Nhiều gia đình thuê thợ chăm sóc cây kiểng đến bón phân và tạo dáng cây kiểng, giúp vườn nhà thêm đẹp.

Anh Nguyễn Văn Tín, 30 tuổi, ngụ TP.Tân An - người chuyên nhận chăm sóc cây kiểng của các cơ quan, gia đình, chia sẻ: "Nhu cầu chăm sóc cây kiểng năm nay tăng hơn so với năm trước. Trong đó, nhiều khách hàng có nhu cầu cắt tỉa nghệ thuật, bố trí cây nhằm tạo cảnh quan đẹp cho khuôn viên sân vườn. Mỗi dịch vụ chăm sóc cây kiểng có giá từ 700.000-800.000 đồng, tùy thuộc số lượng cây kiểng, yêu cầu của khách hàng".

Còn anh Phạm Hữu Nhân (37 tuổi), ngụ xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An - người có nhiều năm trong nghề chăm sóc cây kiểng, cho biết: "Dịp tết, công việc của tôi dường như tăng gấp đôi. Vất vả là vậy nhưng vui vì giúp được khách hàng tin tưởng”. Vì niềm vui ấy mà anh Nhân luôn cố công chăm chút từng khóm hoa, gốc kiểng để giúp khách hàng có được khoảng sân vườn ưng ý nhất chào năm mới. Chính vì vậy, mỗi dịp tết đến cũng là lúc những người như anh Nhân lại hối hả “vào mùa”.

Nghề chăm sóc cây kiểng "vào mùa" dịp tết

Đó cũng là quan điểm mà anh Nguyễn Phúc Hải - chủ vườn mai Năm Hừng ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành, luôn gìn giữ. Với kinh nghiệm hơn 5 năm mua bán, cho thuê, chăm sóc mai, anh Hải gầy dựng cho mình thương hiệu riêng được khá nhiều người biết đến. Hàng năm, anh thường nhận chăm sóc và cho thuê cả trăm cây mai đủ loại, độ tuổi và dáng cây. “Để có được một cây mai dáng đẹp, hoa nhiều cho dịp tết, chúng tôi phải bắt đầu công đoạn chăm sóc từ đầu năm” - anh Nguyễn Phúc Hải chia sẻ.

Những cây mai được tạo dáng từ đầu năm đến ngày 10 tháng Chạp được gỡ kẽm tạo hình, đưa vào chậu. Đến ngày 13 tháng Chạp, vườn mai của anh bắt đầu “khởi động”, nhân công được huy động tuốt lá mai. Tùy theo yêu cầu của khách hàng muốn mai nở những ngày nào, anh Hải canh ngày tuốt lá, tưới nước, vun phân cho phù hợp. Anh Hải cho biết: Để mai rụng lá, ngoài tuốt thủ công còn có thể xịt thuốc. Tuy nhiên, để bảo vệ tốt nhất cho từng nụ hoa, vườn mai của gia đình anh được tuốt lá thủ công toàn bộ. Khoảng 10 nhân công làm việc ròng rã hơn 10 ngày mới có thể hoàn tất công việc trên để đến ngày 23 tháng Chạp, khách hàng bắt đầu đến chọn cho mình một chậu mai ưng ý. Nhưng từ ngày 10-13 tháng Chạp, khách chơi mai sành sỏi và quen biết trước đã đến dặn dò anh về yêu cầu cho chậu mai đón tết năm nay của mình.

Khoảng 10 tháng Chạp, mai được gỡ kẽm tạo hình, đưa vào chậu chờ được tuốt lá và theo người chơi mai về nhà đón tết

Và khi nhắc đến mua mai tết, một địa chỉ khá quen thuộc của khách hàng là Tổ Trồng mai tại ấp 2, xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa. Tổ có gần 20 hội viên tham gia trồng mai phục vụ tết, trong đó, gia đình anh Lê Ngọc Hiển trồng hơn 50 gốc. Anh Hiển nói: "Bắt đầu tháng Chạp, có nhiều người đến để chọn trước những gốc mai ưng ý. Riêng gia đình tôi, khách chọn và đặt cọc trước 2 gốc mai, trong đó, 1 gốc trị giá 40 triệu đồng và 1 gốc trị giá 70 triệu đồng. Ngoài ra, những ngày cận tết, các gốc mai nhỏ dạng bonsai cũng rất được lòng khách hàng".

Mặc dù trồng mai là công việc của cả năm và chỉ bán được vào dịp tết nhưng mang lại thu nhập cao. Nhờ vậy, những hội viên Tổ Trồng mai của ấp 2, xã Tân Lập có cái tết đủ đầy hơn, đồng thời có thêm kinh phí đầu tư phát triển việc trồng mai trong thời gian tới.

Tết khép lại năm cũ, khởi đầu năm mới với vạn điều tinh tươm và tràn đầy hy vọng. Đó chính là mong mỏi của tất cả mọi người nên ai ai cũng muốn trang hoàng nhà cửa, từ bàn thờ gia tiên đến nếp nhà, sân ngõ. Và các dịch vụ phục vụ ngày tết ra đời nhằm giúp mọi người có cái tết thêm vẹn tròn, viên mãn, đồng thời giúp người làm dịch vụ có thêm thu nhập, trang trải cho gia đình./.

Ngọc Thạch - Hoàng Thúy

Chia sẻ bài viết