Tiếng Việt | English

23/07/2015 - 05:29

Cuộc khủng hoảng mới của EU

Từ nhiều năm nay, trong Liên minh châu Âu (EU), bản chất của "cặp đôi" quyền lực nhất là Pháp và Đức đã có những thay đổi rất sâu sắc. Đã qua rồi thời kỳ Pháp và Đức ở thế cân bằng, thậm chí Pháp giữ vai trò lãnh đạo với một sự thỏa thuận rất dễ dàng và hiệu quả với Đức.

 Giờ đây, cả về kinh tế lẫn dân số, Đức là nước lớn nhất trong EU, song nước này vẫn luôn cần đến Pháp để không tạo ra cảm tưởng rằng Đức muốn một mình lãnh đạo một châu Âu.


Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái), Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) và Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras trước cuộc họp lãnh đạo 19 nước Eurozone ngày 12/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Người ta thấy rõ rằng Paris và Berlin rất bất đồng với nhau về trường hợp Hy Lạp, nhưng hai nước vẫn buộc phải nhất trí với nhau và không muốn đoạn tuyệt nhau. Cặp đôi này vẫn có hiệu quả, thể hiện trong việc đạt được thỏa thuận Minsk cách đây vài tháng về vấn đề Ukraine. Vì vậy, cặp đôi này không phải là “hết giá trị” trong cuộc sống chung của EU, mà đúng ra là nó chỉ thay đổi bản chất.

Tuy vậy, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng tầm quan trọng của cặp đôi Pháp - Đức trong một EU với 28 nước đã không còn giá trị lớn như nó đã từng có trong một EU với 12 nước nữa, mặc dù hoạt động của cặp đôi này vẫn là một phần chủ đạo trong việc xây dựng châu Âu. Riêng với Pháp, nhiều người ở châu Âu từng đặt câu hỏi rằng liệu tiếng nói của Paris có còn quan trọng trong EU nữa không, nhất là khi nước này bị chỉ trích nhiều về vấn đề Hy Lạp. Người ta chỉ trích ông Tổng thống Pháp Francois Hollande là chưa nỗ lực để giúp Hy Lạp và thường không có thái độ kiên quyết như Thủ tướng Đức Angela Merkel. Bản thân nhân vật nổi tiếng thế giới này cũng đang bị giằng co về chính trị giữa lợi ích bầu cử của mình và lợi ích quốc gia Đức.

Ngay từ năm 2012, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã muốn thay đổi mối tương quan lực lượng và tác động đến Đức để buộc Berlin phải nới lỏng các chính sách thắt lưng buộc bụng ở châu Âu. Ông đã cùng với Mario Monti, cựu Thủ tướng Italy (từ tháng 11/2011 đến tháng 4/2013), phấn đấu cho chủ trương này, nhưng không có kết quả. Các nước tán thành chính sách thắt lưng buộc bụng theo cách của Đức cuối cùng lại đông hơn các nước ủng hộ tham vọng của Pháp. Ngay cả Tây Ban Nha và Anh cũng không ủng hộ Pháp. Vì vậy, Tổng thống Hollande đã không có đủ đồng minh để áp đặt một tương quan lực lượng mới với Đức trong khi vẫn bảo vệ đường lối chính trị và quan điểm này. Nếu Hy Lạp ra khỏi Khu vực đồng euro (Eurozone) thì đây sẽ là một thất bại đối với ông Hollande. Nhưng trái lại, nếu Hy Lạp vẫn ở lại nhờ một kế hoạch thích hợp thì dù có bị chỉ trích, ông Hollande vẫn là “nhà thiết kế lớn” của một chính sách cho phép Hy Lạp ngẩng cao đầu thoát khỏi cuộc khủng hoảng này mà không bị sỉ nhục và làm thỏa mãn cả các nước EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu lẫn người Hy Lạp.

Qua cuộc khủng hoảng Hy Lạp, người ta càng có cơ sở để nhận định rằng giờ đây châu Âu dường như ngày càng bị chia rẽ về chính trị, và “dự án EU” càng trở nên xa vời hơn bao giờ hết. Rõ ràng là lợi ích quốc gia luôn được đặt lên trên lợi ích của cộng đồng châu lục, và mỗi nước đều ra sức cân nhắc xem những đóng góp của mình có tương xứng với cái mình nhận được không. Tất nhiên, người ta thường nhấn mạnh nhiều đến những “giá trị châu Âu”, nhưng không phải vì thế mà tình cảm thuộc về châu Âu vượt lên trên những tính toán ích kỷ quốc gia. Hiện tượng này không phải chỉ riêng châu Âu, mà nó đang diễn ra ở cấp quốc gia giữa các vùng lãnh thổ, các châu lục khác, nghĩa là ở mọi nơi, người ta vẫn mang tư tưởng cục bộ quốc gia hơn là châu lục.

Giới quan sát cũng nhấn mạnh tới một thực tế là các cuộc khủng hoảng lớn trước đây luôn dẫn đến một sự đẩy mạnh châu Âu, và người ta hy vọng lần này cũng sẽ như vậy. Việc đạt được một thỏa thuận để giải quyết dứt điểm vấn đề giữa Hy Lạp và các chủ nợ sẽ là một thắng lợi của châu Âu và cũng là dấu hiệu cho thấy nó là một thực thể đang vận hành hiệu quả./.

 

Phạm Phú Phúc (Theo tờ “Chính trị thế giới”)/Tin tức

Chia sẻ bài viết