Tiếng Việt | English

16/06/2022 - 10:08

Cuộc sống công nhân chật vật khi giá hàng hóa tăng cao

Giá xăng, gas tăng cao dẫn đến nhiều mặt hàng cũng tăng giá khiến cho nhiều người lao động (LĐ) không khỏi lo lắng. Họ phải tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu, tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Mạnh thường quân, doanh nghiệp thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho công nhân tại khu nhà trọ

Mạnh thường quân, doanh nghiệp thăm hỏi, hỗ trợ, tặng quà cho công nhân tại khu nhà trọ

Long An là cửa ngõ các tỉnh miền Tây Nam bộ, tiếp giáp TP.HCM, là địa phương phát triển công nghiệp nên có lượng lớn công nhân (CN), LĐ đang làm việc tại các doanh nghiệp. Hiện toàn tỉnh có khoảng 350.000 CNLĐ. Thời gian qua, ngoài khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài thì hiện nay, CNLĐ còn “gánh” thêm nỗi lo khi xăng, gas và nhiều hàng hóa khác tăng giá liên tục.

Chiều tan ca, chị Lê Thị Yến - CN làm việc trong khu công nghiệp đóng tại xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, ghé vào chợ ven đường mua thực phẩm để lo bữa tối cho gia đình. Không phải lựa chọn lâu, chị chỉ mua vài miếng đậu hũ, mớ rau cải. “Đây là bữa tối của vợ chồng tôi và 2 đứa con. Thời buổi vật giá tăng thì mua gì, ăn gì cũng phải đắn đo, tính toán, lựa chọn những sản phẩm giá “mềm”, thậm chí “thắt lưng buộc bụng” để có thể cân đối chi tiêu” - chị Yến bày tỏ.

Còn chị Lê Thị Ngọc Lan, hiện làm việc tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thuận Đạo, huyện Bến Lức, chia sẻ, có thời gian do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, công ty cắt giảm nhân sự nên chị mất việc. Mọi chi phí sinh hoạt đều phải sử dụng số tiền tiết kiệm. Gần đây, chị mới có công việc ổn định nhưng với tình hình “bão giá” như hiện nay cũng tạo nhiều áp lực, lo lắng. Chị cho rằng “phải chi tiêu rất dè xẻn bởi mỗi tháng, ngoài ăn, uống, còn bao nhiêu khoản khác như tiền thuê trọ, điện, nước, đó là chưa kể những lúc đau bệnh,...”. Ở quê nhà, chị còn cha mẹ già nên hàng tháng cũng phải cố gắng dành dụm gửi tiền về. “Chỉ mong sao có việc làm để làm tăng ca kiếm thêm thu nhập” - chị Lan bày tỏ.

Còn anh Phạm Văn Tiến, đang làm CN trong nhà máy ở xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tâm sự: “Giá xăng tăng, các mặt hàng sinh hoạt cũng tăng theo nên cuộc sống thêm chật vật. Ngán nhất là hiện nay chạy xe máy đi làm phải tốn nhiều chi phí cho việc đổ xăng”. Theo anh Tiến, nhiều bạn bè làm CN cùng với anh đã đi tìm các phòng trọ ở gần công ty để giảm chi phí đi lại. Thế nhưng, việc tìm kiếm chỗ trọ gần công ty không phải dễ. Có trường hợp tìm được phòng cho thuê ở gần nơi làm việc nhưng giá cao hơn nơi ở cũ.

Cũng có một phần nguyên nhân do cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên thời gian gần đây, số lượng CNLĐ rút BHXH một lần tăng. Trong quí I-2022, ngành BHXH tỉnh đã giải quyết chế độ BHXH một lần cho 7.272 người hưởng với tổng số tiền chi trả 362.921 triệu đồng. Qua phân tích cho thấy, so cùng kỳ năm 2021, số người rút BHXH một lần giảm 135 người (giảm 1,82%); so cùng kỳ năm 2020 tăng 1.313 người (tăng 22,03%). Trong khi đó, số tiền chi trả so cùng kỳ năm 2021 tăng 74.588 triệu đồng (tăng 25,86%); so cùng kỳ năm 2020 tăng 117.722 người (tăng 48,01%).

Gần đây, tại cuộc đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy, có nhiều ý kiến của CNLĐ được nêu lên, trong đó nhiều người mong Nhà nước sớm nâng lương tối thiểu vùng vì đời sống người LĐ sau dịch vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có phần chịu tác động của “bão giá”. CN cũng quan tâm đến việc thực hiện các chế độ, chính sách với người LĐ và thu hút, giữ chân người LĐ của địa phương, doanh nghiệp; việc chăm lo nhà ở cho người LĐ. Ngoài ra, CN cũng phản ánh vẫn có tình trạng doanh nghiệp nợ lương CN,...     

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích