Tiếng Việt | English

23/06/2021 - 09:47

Cựu chiến binh trên 40 năm sưu tầm báo cũ

Ngày nay, với thế hệ trẻ, báo điện tử thường được lựa chọn để theo dõi tin tức vì sự nhanh nhạy, tiện lợi. Tuy nhiên, báo in vẫn giữ được sức sống của mình, vẫn có được những độc giả trung thành, nhất là những người cao tuổi; trong đó, rất nhiều người dành những tình cảm đặc biệt với báo in, lưu giữ cẩn thận từng trang báo như những dòng ký ức về những sự kiện đã qua, dõi theo sự phát triển của quê hương, đất nước.

Dù tuổi cao nhưng ông Đnh Xuân Hinh vẫn duy trì thói quen đọc báo, cập nhật tình hình thời sự mỗi ngày để không “chậm nhịp” với cuộc sống hiện đại ngày nay

Dù tuổi cao nhưng ông Đinh Xuân Hinh vẫn duy trì thói quen đọc báo, cập nhật tình hình thời sự mỗi ngày để không “chậm nhịp” với cuộc sống hiện đại ngày nay

Nhiều năm nay, ông Đinh Xuân Hinh (SN 1947, ngụ phường 5, TP.Tân An, tỉnh Long An) có một thói quen đặc biệt là lưu giữ những tờ báo cũ, đặc biệt là những số báo có những sự kiện trọng đại của đất nước hay có những bài báo hay, có giá trị thông tin. Thói quen này của ông duy trì từ năm 1976 đến bây giờ.

Quê ở tận Ninh Bình, ở tuổi đôi mươi, ông Đinh Xuân Hinh tham gia quân đội, vào chiến trường miền Nam theo tiếng gọi non sông và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Long An năm 1968. Sau ngày giải phóng, từ tháng 5/1976, ông công tác trong ngành Giao thông Vận tải và nghỉ hưu từ năm 1991. Sau đó, ông tham gia cấp ủy và là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường 5 từ năm 1994-2009. Hiện ông là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu phố Nhơn Phú, phường 5.

Ông rất ham mê đọc báo, theo dõi tin tức, hàng ngày đều dành thời gian để đọc và chẳng bỏ sót ngày nào. Với ông, đọc sách báo, cập nhật thông tin cũng như “hơi thở”, như cơm ăn mỗi ngày, phải biết được tình hình xã hội, nắm bắt các sự kiện của quê hương, đất nước thì mới không "chậm nhịp" với cuộc sống.

Với số tiền hưu của mình, ông dành một khoản nhỏ cho việc mua báo, mỗi ngày vài chục ngàn đồng để mua 2-3 tờ. Những loại báo ông thường chọn mua là Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Công đoàn Việt Nam, Thanh niên, Phụ nữ Việt Nam, An ninh thế giới, Pháp luật TP.HCM và Công an Nhân dân. Riêng Báo Long An thì ông đến UBND phường để đọc, các cán bộ công tác tại đây cũng quý mến nên thường tặng ông đem về lưu giữ.

Hàng ngày, cứ đều đặn vào sáng sớm, ông Hinh lại đạp xe đến sạp báo quen để chọn báo về đọc

Ông Hinh là “khách quen” của một sạp báo tại phường 2, TP.Tân An. Mỗi ngày, trước 6 giờ, ông đã có mặt để mua báo, không bỏ sót ngày nào, dù mưa hay nắng. Ông chia sẻ: “Dù bận rộn thế nào, tôi vẫn dành thời gian đọc báo mỗi ngày để tìm hiểu tình hình phát triển KT-XH của đất nước và thế giới. Đặc biệt, tôi không bỏ sót số báo nào của Báo Long An vì đây là quê hương thứ 2 của tôi, mình ở đâu thì phải hiểu rõ nơi mình ở, muốn như vậy chỉ có thể theo dõi thông tin chính thống từ cơ quan ngôn luận của địa phương. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 hoành hành, không có điều kiện lên mạng, theo dõi báo điện tử, chính báo in là nguồn thông tin hiệu quả để tôi tiếp cận hàng ngày, theo dõi sát sao diễn biến để biết cách phòng tránh, nâng cao cảnh giác với dịch bệnh nguy hiểm này”.

Không chỉ “mê” đọc báo, người cựu chiến binh cao niên này còn có một sở thích đặc biệt và vô cùng ý nghĩa là sưu tầm báo. Ông thường lưu giữ những tờ báo có nội dung hay hoặc những số báo về các sự kiện chính trị, KT-XH quan trọng của đất nước như đại hội Đảng các cấp từ Trung ương đến địa phương, bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp, những số báo thông tin về sự kiện lãnh đạo cấp cao của Nhà nước từ trần,... để kịp thời nắm bắt thông tin, tình hình thời sự của đất nước cũng như thế giới.

Một số tờ báo được ông Hinh sưu tầm, lưu giữ từ nhiều năm trước

Số báo đầu tiên mà ông lưu giữ là tờ Công đoàn Việt Nam vào năm 1976. Cứ thế, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, số lượng báo lưu của ông cứ thế tăng lên liên tục mỗi ngày. Tờ nào lưu lại, ông còn cẩn thận viết nắn nót dòng chữ “Lưu số báo này” để không bị bỏ sót. Hơn 40 năm sưu tầm báo, ấy vậy mà ông có cách sắp xếp rất khoa học, dễ tìm kiếm. Những tờ báo dù mấy mươi năm tuy có ố vàng nhưng vẫn được bảo quản trong tình trạng rất tốt, không bị mối mọt, hư tổn.

Ông Hinh bộc bạch: “Thi thoảng, tôi vẫn lấy ra xem lại một vài tờ báo cũ. Những sự kiện, dấu ấn thời gian được trang báo ghi lại như trang nhật ký, lưu lại dấu ấn về sự kiện đã qua. Từ việc so sánh số báo cũ với những số báo gần đây, ta mới cảm nhận rõ sự đổi thay của quê hương, càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý của Nhà nước đối với sự phát triển của đất nước mình”./.

Cát Tường

Chia sẻ bài viết