Tiếng Việt | English

13/04/2021 - 09:37

Đa dạng hóa loại hình tiêu thụ các sản phẩm từ cây thanh long

Sau dịch bệnh Covid-19 đặt ra bài toán đầu ra cho trái thanh long. Nếu gặp trường hợp bất khả kháng giá trái thanh long xuống thấp thì đầu ra cho trái thanh long sẽ được giải quyết như thế nào? Từ đó, nông dân, doanh nghiệp và lái thu mua thanh long đã tìm ra nhiều giải pháp hài hòa để cây thanh long luôn có đầu ra ổn định, đỡ phải quá lo lắng.

Bông thanh long đang được thương lái thu mua

Bông thanh long đang được thương lái thu mua

Có thể bán non vườn thanh long khi vừa ra bông 

Anh Trương Văn Phân làm thuê cho trang trại thanh long xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chia sẻ: “Sau đợt dịch Covid-19 vừa rồi, nông dân trồng thanh long rất lo lắng do giá trái lên xuống thất thường. Nhiều nông dân sau khi xông đèn, cây ra hoa đã được nhiều thương lái đến ngã giá mua non”.

Được biết, do ít vốn nên anh Phân đã bán vườn thanh long 5 công đất của mình với giá 150 triệu đồng, sau khi đã xông đèn cho ra bông. Phần còn lại là do lái tự chịu trách nhiệm: Chăm sóc, vuốt ngoe, dưỡng cây cho ra trái,…

Tại khu vực xã Hiệp Thạnh, nhiều thương lái từ Tiền Giang và các kho thanh long trên địa bàn huyện Châu Thành đến ngã giá trước, mua non vườn thanh long. Theo nhận xét của Giám đốc HTX Thanh long Vạn Thành - Nguyễn Vạn Thành, trên địa bàn xã Hiệp Thạnh có từ 70-80% nông dân trồng thanh long bán non vườn thanh long; tùy theo giai đoạn và công chăm sóc từng vườn mà lái trả giá khác nhau.

Ông Thành ước tính: “Đối với những hộ trồng thanh long có diện tích nhỏ (dưới 5.000m2), sau khi xông đèn cho ra trái ước trên 10 triệu đồng tiền điện thì nông dân bán cho lái được trên 100 triệu đồng. Thời gian còn lại, họ đi làm thuê cũng trên vườn thanh long, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Ngoài ra, nhiều hộ sau khi bán non vườn thanh long làm các công việc khác có thu nhập cũng khá”.

Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều khó khăn cho nông dân như khi đặt cọc thì lái chỉ trả trước cho nông dân 50% số tiền mua non vườn thanh long. Nếu khi bán trái thanh long có giá, lái có lời thì không sao nhưng nếu thanh long rớt giá thì lái sẽ “cò kè” buộc nông dân giảm tiền bán thanh long để hai bên cùng chịu rủi ro hoặc lái bỏ cọc. Trên thực tế đã xảy ra nhiều vụ cãi vã nhưng do tâm lý “dĩ hòa vi quý” nên chưa xảy ra tranh chấp.

Đa dạng hóa sản phảm từ cây thanh Long 

Cũng theo ông Thành, hiện trên địa bàn xã Hiệp Thạnh và các vùng giáp ranh có lái thu mua bông thanh long với giá từ 5.000-7.000 đồng/kg. Tuy nhiên, vào mùa này, ít ai bán bông vì trái thanh long đang có giá. Thế nhưng, đây cũng là một cơ hội cho nông dân vì vào mùa mưa, trái thanh long rớt giá, nông dân bán bông để cây ít chịu áp lực cung cấp dinh dưỡng, dành sức cho vụ kế tiếp mà vẫn có hoa lợi trên cây. Bông thanh long nấu lẩu và xào với thịt, cá đều là món ăn bổ dưỡng; một số nơi còn phơi khô để bán cho tiệm thuốc Bắc dùng để giải độc cho cơ thể.

“Ngoài việc bán bông thanh long thì theo nhiều nhà vườn, khi thanh long rớt giá, trên địa bàn tỉnh có 2 doanh nghiệp nước ép trái cây ở huyện Đức Hòa và Bến Lức sẵn sàng mua trái thanh long để ép nước trái cây. Họ cũng mua với giá theo sát thị trường nên nông dân rất phấn khởi. Hợp tác xã Vạn Thành cũng nhiều lần bán trái thanh long cho 2 cơ sở nói trên” - ông Thành thông tin.

Bên cạnh việc ép nước trái cây thanh long để giải khát, bông thanh long dùng làm thức ăn, bồi bổ sức khỏe thì trái thanh long còn dùng để chế biến rượu vang và nhiều sản phẩm khác đa dạng cho người sử dụng. Với sự chung tay, góp sức của nhà nông, doanh nghiệp và thương lái, việc tìm và tạo đầu ra cho sản phẩm từ cây thanh long cũng đã có lời giải./.

Đại Lâm

Chia sẻ bài viết