Tiếng Việt | English

07/12/2019 - 11:40

Đa dạng hóa sản phẩm từ trái nhàu

Trên thị trường, công dụng của trái nhàu được biết đến rộng rãi bởi có tính dược liệu, mang lại hiệu quả tốt cho người sử dụng. Thời gian gần đây, Hợp tác xã (HTX) Dược liệu Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An bắt đầu nghiên cứu, đa dạng hóa sản phẩm từ trái nhàu phục vụ thị trường và liên kết, bao tiêu đầu ra cho nông dân trồng nhàu.

Máy cắt trái nhàu

Máy cắt trái nhàu

Liên kết sản xuất

HTX Dược liệu Mỹ Bình hiện có 7 thành viên đang trồng cây nhàu trên diện tích khoảng 25ha. Hiện tại, HTX hướng dẫn nông dân trồng theo hướng an toàn thực phẩm, áp dụng quy trình sản xuất khép kín từ trồng trọt, thu hoạch đến công đoạn sấy khô. 

Theo Giám đốc HTX Dược liệu Mỹ Bình - Nguyễn Ngọc Chiến, công dụng của trái nhàu được biết đến rộng rãi vì có dược tính, mang lại hiệu quả tốt cho người sử dụng. HTX bắt đầu nghiên cứu công dụng, thử nghiệm làm ra nhiều sản phẩm từ trái nhàu và cho kết quả khá tích cực. Vì vậy, HTX đang kết hợp cùng các thành viên trồng nhàu theo hướng liên kết bao tiêu đầu ra. Hình thức liên kết rất cụ thể, HTX cung cấp cây giống, hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên trồng, trái thu hoạch được bao tiêu hết đầu ra với giá ổn định 8.000 đồng/kg quanh năm.

Ông Trần Văn Chiêu (ấp 5, xã Mỹ Bình) là một trong những thành viên đầu tiên của HTX trồng cây nhàu.Theo đó, ông Chiêu bắt đầu trồng nhàu vào tháng 12/2018 trên diện tích 0,5ha với 700 cây.Trồng nhàu không khó, chỉ cần đắp mô cho gốc cây, tưới nước, bón phân và khoảng 1 năm là cho trái chiến (trái bói).Kỹ thuật trồng hàng cách hàng 2-3 mét/cây. Ông Chiêu chia sẻ: “HTX cung cấp cây nhàu để các thành viên trồng nhưng không lấy tiền cây giống liền. Khi cây nhàu bắt đầu thu hoạch trái, mỗi cây giống được HTX trừ cấn 2kg nhàu (tương đương 16.000 đồng/cây giống). Hiện tại, lứa trái nhàu đầu tiên đang bắt đầu chín, bình quân mỗi cây cho khoảng 5-6 trái chín.Mỗi kilôgam nhàu có từ 10-12 trái. Đợt trái chín đầu tiên chuẩn bị thu hoạch khoảng 350kg, giá bán 8.000 đồng/kg. Trên diện tích 0,5ha, đợt đầu tiên thu hoạch và bán ra khoảng 2,8 triệu đồng. Những năm tiếp theo, trong 1 năm, với 700 cây nhàu, tôi sẽ có thu nhập khoảng 33 triệu đồng. So với các loại cây trồng khác thì nhàu cho thu nhập ổn định mà vốn đầu tư không nhiều. Quan trọng nhất là sản phẩm được bao tiêu đầu ra, không e ngại việc phải bán như thế nào, bán cho ai”.

Đa dạng hóa sản phẩm

Cây nhàu không kén đất, khí hậu như nhiều cây trồng khác, chăm sóc đơn giản, không sử dụng nhiều phân, thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu dùng thuốc vi sinh diệt sâu, rầy. Ưu điểm của cây nhàu là cho trái quanh năm và sau khoảng 1 năm trồng.Bình quân mỗi cây có thể cho 6kg trái/năm.Phần lớn bộ phận trên cây nhàu đều được dùng làm thuốc nhưng phần trái được dùng nhiều hơn các bộ phận khác. Trái nhàu chín khi mắt trái căng, chuyển từ xanh sang trắng hồng và có nhiều dược tính nhất. Thời gian gần đây, có rất nhiều doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất trái nhàu để phục vụ người tiêu dùng. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, HTX Dược liệu Mỹ Bình đã nghiên cứu, sản xuất thành công nhiều loại sản phẩm bán ra thị trường như rượu nhàu, nhàu sấy khô dùng như trà hoặc ngâm rượu. 

Theo ông Chiến, rượu nhàu kết hợp một số thảo dược khác như chùm ngây, mật ong, dùng một lượng hợp lý hàng ngày có tác dụng bồi bổ sức khỏe. Riêng nhàu có tác dụng hoạt huyết, giảm đau nhức xương khớp, an thần, ngủ ngon. Tuy nhiên, trái nhàu càng chín già thì càng khó vận chuyển vì thường bị nát, hư hỏng khi chịu va đập nhẹ. Do đó, trái nhàu khô được sử dụng phổ biến hơn so với trái nhàu tươi. Bên cạnh đó, sản phẩm nhàu sấy khô đang được các doanh nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng đến từ Hàn Quốc sử dụng rất nhiều.Vì vậy, HTX Dược liệu Mỹ Bình quyết định đầu tư máy cắt lát và máy sấy trái nhàu.“Máy cắt dùng để giảm bớt công lao động và sản phẩm đồng đều độ dày dễ sấy. Khi nhàu được sấy có tác dụng cho ra sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm hình dạng, màu sắc, độ giòn, độ khô nhưng vẫn giữ lại được nhiều dược tính của trái nhàu; đồng thời, giúp sản phẩm thành phẩm đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn, vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn vào thị trường các nước đang cần như Hàn Quốc và các nước khác” - ông Chiến chia sẻ.

Do HTX Dược liệu Mỹ Bình có nguồn vốn còn hạn chế, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã xây dựng đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị trong dây chuyền sản xuất cắt lát và sấy khô trái nhàu”, sử dụng nguồn kinh phí từ chương trình khuyến công địa phương. Theo đó, tổng kinh phí xây dựng đề án trên 200 triệu đồng, trong đó nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ HTX 100 triệu đồng. Nguồn vốn trên giúp HTX đầu tư máy cắt lát và máy sấy trái nhàu.Máy cắt lát trái nhàu có thể cắt 200kg nhàu/giờ và máy sấy 400kg thành phẩm/10 giờ. Việc ứng dụng máy vào sản xuất giúp HTX giảm tỷ lệ hao hụt nguyên liệu và thành phẩm, giảm nhân công lao động. 

Ông Chiến cho biết thêm, nhàu sấy khô, rượu nhàu được tiêu thụ tại một số cửa hàng tiện ích, siêu thị trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh khác.Đặc biệt, sau khi đầu tư máy cắt lát và máy sấy khô nhàu, HTX không phải qua gia công và kết nối được với nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm để cung cấp nhàu sấy khô.Không dừng lại ở đó, HTX đang có kế hoạch đầu tư thêm dây chuyền chiết rót đóng chai trong sản xuất rượu, sản xuất thêm nước cốt trái nhàu để đa dạng hóa sản phẩm phục vụ người tiêu dùng.Qua đó, giúp các thành viên HTX chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng và tạo đầu ra bền vững.Nếu thành công trong mở rộng thị trường, chắc chắn diện tích trồng nhàu của HTX sẽ tăng lên./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết