Tiếng Việt | English

26/02/2021 - 15:21

Đa dạng thực phẩm chay phục vụ Rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu hoặc lễ Thượng nguyên. Đây được xem là một trong ba dịp ăn chay lớn nhất trong năm, với mong muốn cầu phước lành cho một năm suôn sẻ. Theo đó, thị trường đồ chay cũng bắt đầu sôi động.

Nhằm đáp ứng nhu cầu ăn chay dịp Rằm tháng Giêng, gia đình bà Đỗ Thùy Trang chế biến rất nhiều món chay khác nhau, khách hàng chỉ cần mua về chế biến sơ lại là dùng được

Hiện nay, ngoài những món ăn chay truyền thống, chế biến từ rau, củ quả,…thì các nhà sản xuất, kinh doanh đã chế biến thêm nhiều thực phẩm chay đóng gói sẵn, tiện lợi cho việc chế biến tại nhà. Thực phẩm mặn có gì thì các món chay được chế biến tương tự, chỉ khác là nguyên liệu làm ra từ bột mì, đậu nành.

Chị Đỗ Thùy Trang (tiểu thương chợ phường 2, TP.Tân An cho biết: “Nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng, gia đình tôi chế biến đa dạng các món ăn chay, khách hàng chỉ cần mua về chế biến sơ lại là dùng được, với giá cả hợp lý, phù hợp túi tiền. Cụ thể, gia đình tôi phân chia ra từng hộp đồ chay chế biến sẵn như sườn non chiên, thịt nướng, tôm cuộn, mắm chưng, … Giá bán các loại này dao động từ 10 - 20 ngàn đồng/món”.

Với người bận rộn không có nhiều thời gian để chế biến thì có thể cùng gia đình, người thân và bạn bè thưởng thức các món ăn chay tại các quán ăn chay trên địa bàn TP.Tân An. Chủ quán chay Hương Sen cho biết: “Để chuẩn bị cho nhu cầu ăn chay dịp Rằm tháng Giêng, quán tôi chuẩn bị nguyên liệu gấp 3 ngày thường. Hiện nay, quán có trên 100 món, với giá dao động từ 30 - 150.000 đồng/món, đồng thời quán cũng có bán mang về."

Chè trôi nước được người dân thường cúng vào ngày Rằm tháng Giêng

Theo phong tục của người Việt vào các ngày rằm, người dân sẽ cúng chè và xôi, trong đó rằm tháng Giêng người dân thường ưu tiên cúng chè trôi nước, với ý nghĩa giúp “thuận buồm xuôi gió”, trôi chảy thành công.

Chị Nguyễn Thị Thùy Dung (chủ tiệm Kim Xoa Bakery TP.Tân An) thông tin: “Ngoài làm các loại bánh chay bán trong dịp Rằm tháng Giêng, tiệm tôi còn làm khoảng 500 viên chè trôi nước, với giá bán 5.000 đồng/viên; 30kg chè đậu, với giá bán 60.000 đồng/kg,… Thông thường vào chiều 14 âm lịch, người dân bắt đầu mua chè về cúng trên bàn thờ gia tiên”.

Đối với nhiều người, ăn chay không chỉ cầu bình an, may mắn cho gia đình mà còn là dịp để thanh lọc cơ thể, đổi khẩu vị. Chị Đỗ Thanh Thủy, ngụ phường 1, TP.Tân An cho biết: “Tết Nguyên đán, gia đình tôi ăn rất nhiều món ăn có thịt, cá, dầu mỡ, vì vậy sau tết gia đình tôi thường ăn chay để thanh lọc cơ thể, cân bằng dinh dưỡng. Còn việc cúng chè trôi nước vào ngày 14 đã trở thành thông lệ của gia đình tôi nhiều năm qua”.

Ăn chay, cúng Rằm tháng Giêng là một trong những phong tục, nét đẹp truyền thống bao đời nay, góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người Việt./.

Lê Ngọc

Chia sẻ bài viết