Tiếng Việt | English

21/08/2017 - 10:44

Kỷ niệm 72 năm Cách mạng Tháng Tám thành công

Dấu son và địa chỉ đỏ

Nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công ở Tân An (21/8/1945 - 21/8/2017), để bạn đọc có thêm những thông tin về thời khắc lịch sử này, phóng viên có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh - Đỗ Thanh Bình về mốc son Cách mạng Tháng Tám ở Tân An.


Đồng chí Trần Văn Giàu (giữa) và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy Tân An năm 1945 (thứ 2, phải qua là đồng chí Nguyễn Văn Trọng - Bí thư Tỉnh ủy Tân An năm 1945)

PV: Xin ông cho biết, căn cứ vào đâu để nói Tân An đi tiên phong trong cuộc giành chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Nam bộ?

Ông Đỗ Thanh Bình: Đảng bộ Tân An sau Khởi nghĩa Nam kỳ dù bị địch đàn áp vẫn sớm chủ động phục hồi về tổ chức và lực lượng. Cuối năm 1943, Tân An có Xứ ủy viên. Đầu năm 1944, lập được các Quận ủy A-B-C-D áp sát tỉnh lỵ. Đầu năm 1945, nhiều chi bộ được thành lập, có cả Chi bộ Thanh niên ở giữa tỉnh lỵ. Giữa năm 1945, Thanh niên Tiền phong do Đảng lãnh đạo ra đời, phát triển ở 46/62 làng, làm nòng cốt phát động quần chúng khởi nghĩa.

Tháng 7/1945, Tỉnh ủy có cơ sở nội tuyến trong cơ lính, đưa tự vệ vũ trang vào ém ở nội thị; có 2 nơi rèn cất vũ khí bí mật: Nhà ông Bảy Báu ở Khánh Hậu và tiệm Bá nghệ Trường Xuân. Ngày 15/8, Thanh niên Tiền phong tập trận giả cướp chính quyền (dưới “danh nghĩa sinh hoạt đốt lửa trại”) ngay trước Dinh Tỉnh trưởng, địch không hay biết!

Đảng bộ đặc biệt nắm chắc thời cơ và chủ trương của Xứ ủy, cử các đồng chí lãnh đạo chủ chốt nhất thường trực dự hội nghị của Xứ ủy ở Chợ Đệm (lần họp thứ nhất, có các đồng chí: Chín Trọng - Bí thư Tỉnh ủy, Năm Xuân - Thường vụ; lần sau, có đồng chí Ba Hoằng, Xứ ủy viên phụ trách Tân An). Từ đó, Tỉnh ủy có nhiều cuộc họp ở hiệu thuốc Minh Xuân Đường, sớm triển khai “Nghị quyết đỏ” hướng tới ngày 25/8 (ngày dự kiến khởi nghĩa).

Đảng bộ, nhất là các đồng chí lãnh đạo rất quyết đoán hành động khi thời cơ đến. Trong điều kiện thời cơ chín muồi, Xứ ủy 3 lần hội nghị ở Chợ Đệm (nhà ông Bảy Thọ, ấp Phục Đước, làng Tân Kiên) thì 2 lần “tranh luận nảy lửa”. Cuộc họp ngày 16 có câu hỏi lớn: “Nhật có can thiệp hay không?”, “Phải chờ Hà Nội khởi nghĩa trước!”.

Tối 20/8, cuộc họp lần thứ 2 lại có những ý kiến phản đối gay gắt chủ trương khởi nghĩa: “Coi chừng Nhật chém ngang lưng!”, “Nhớ Paris Công xã 1871 không, nhớ Khởi nghĩa Nam kỳ không? - 2 kinh nghiệm và bài học đẫm máu?!”(*). Trong hoàn cảnh đó, sáng ngày 21/8, Bí thư Xứ ủy Trần Văn Giàu (năm đó 34 tuổi) quyết định giao cho Tân An khởi nghĩa thí điểm và đồng chí Nguyễn Văn Hoằng mang lệnh khởi nghĩa thí điểm về Tân An bằng xe đạp bánh đặc.

Ngày 21/8/1945, Đảng bộ Tân An lãnh đạo khởi nghĩa và khởi nghĩa thành công tại tỉnh lỵ. Khi phái Cao Đài thân Nhật tung tin “Đàng thổ dậy” nhằm phỗng tay trên cướp chính quyền, Tỉnh ủy quyết định “tương kế tựu kế”, lập tức ra tay hành động. Dựa vào hậu thuẫn nội tuyến, Thanh niên Tiền phong, đội tự vệ vũ trang và quần chúng cách mạng, Tỉnh ủy buộc tên Quản Vinh và đội bảo an đầu hàng, bắt toàn bộ ác ôn công chức tay sai, thu 140 súng, làm chủ tất cả công sở. Khoảng 16 giờ, khi đồng chí Ba Hoằng về đến nơi thì khởi nghĩa toàn thắng. Tối đến, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Thạch bị bắt. Ngày 22/8, trong lúc quân khởi nghĩa thanh toán nốt quận Mộc Hóa thì 4.000 quần chúng cách mạng đổ về mít-tinh mừng thắng lợi tại Sân Vận động tỉnh lỵ.

Thắng lợi đó góp phần quan trọng vào quyết định của Xứ ủy cho cả Nam kỳ tiến hành khởi nghĩa, đồng thời ghi một dấu son sáng chói trong lịch sử đấu tranh cách mạng cách đây 72 năm. Nhân dân Tân An - Chợ Lớn, nay là Long An, có quyền tự hào về các bậc tiền bối thời Cách mạng Tháng Tám. Vì vậy, đúng như đồng chí Trần Văn Giàu từng khẳng định: “Tân An đi đầu trong cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Nam bộ”!

PV: Ông có thể cho biết vài nét về Nhà Tổng Thận, trụ sở công khai đầu tiên của Tỉnh ủy Tân An?

Ông Đỗ Thanh Bình: Nhà Tổng Thận ở vị trí khu trung tâm tỉnh lỵ, trước năm 1945 từng được trưng dụng làm cơ sở Trường Tư thục Huỳnh Ngọc; sau ngày đảo chính Pháp (09/3/1945), Nhật chiếm nơi này làm trụ sở Ban Chỉ huy Nhật. Trong Cách mạng Tháng Tám, khoảng 15 giờ 30 phút, quân Nhật ở đây rút xuống tàu ở mé sông Vàm Cỏ Tây. Khởi nghĩa thắng lợi (khoảng 16 giờ), Tỉnh ủy Tân An trưng dụng nơi đây làm trụ sở công khai đầu tiên.


Nhà Tổng Thận ngày nay, tại số 19 Ngô Quyền, phường 1, TP.Tân An

Tỉnh ủy ở đây chưa đầy 2 tháng, từ giành chính quyền đến bước vào kháng chiến nhưng tiến hành nhiều sự kiện quan trọng và khẩn trương: Chiều tối 22/8/1945, Tỉnh ủy họp phiên đầu tiên, phân công bổ sung các chức danh về Đảng và chính quyền. Đồng chí Nguyễn Văn Trọng (Bí thư Tỉnh ủy) chính thức sang làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh; bầu đồng chí Nguyễn Văn Hoằng làm Bí thư Tỉnh ủy; bầu đồng chí Huỳnh Văn Gấm làm Phó Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Phan Văn Lại phụ trách Kinh tài kiêm Chủ tịch quận Châu Thành; đồng chí Nguyễn Ngọc Huấn làm Chủ tịch quận Thủ Thừa; đồng chí Mười Nho làm Chủ tịch quận Mộc Hóa,...

Nửa đầu tháng 9/1945, có nhiều cuộc họp quan trọng: Chuẩn bị lễ mừng độc lập 02/9; củng cố Đảng và xây dựng các đoàn thể cứu quốc, thành lập Công đoàn tỉnh; tổ chức xét xử can phạm chế độ cũ; tổ chức lại các quận ủy; tổ chức đón cựu tù chính trị Côn Đảo trở về; củng cố Quốc gia Tự vệ cuộc và Quốc vệ đội; cử đoàn quân lên Phú Lâm chặn giặc Pháp (do Phó Bí thư Tỉnh ủy - Huỳnh Văn Gấm đẫn đầu);...

Nửa cuối tháng 9/1945, Tỉnh ủy họp chuẩn bị các nhiệm vụ cấp bách chống Pháp xâm lược trở lại: Gấp rút xây dựng chính quyền đều khắp; thực hiện bất hợp tác với Pháp, tản cư đồng bào; phổ biến lối đánh du kích; chọn hướng rút về Bắc Đông, Mỹ An Phú và tổ chức căn cứ địa lâu dài; tổ chức lại Tỉnh ủy để lãnh đạo kháng chiến;... Đây là hội nghị quan trọng có tính “bản lề” giữa nhiệm vụ xây dựng chính quyền và bước vào kháng chiến chống Pháp ở Tân An.

Ở tình thế nước sôi lửa bỏng vì giặc Pháp đánh tới, nửa đầu tháng 10/1945, Tỉnh ủy họp củng cố nội bộ trước khi rút khỏi tỉnh lỵ: Thi hành kỷ luật một đồng chí lãnh đạo vì hút á phiện và chi lạm công quỹ, đồng thời bầu một Bí thư Tỉnh ủy trẻ tuổi nhằm “tạo sức bật” (đồng chí Nguyễn Văn Minh, khi đó chưa đầy 18 tuổi, về sau hy sinh anh dũng). Sau đó, Tỉnh ủy, Ủy ban rút lên Rạch Chanh về hướng Bắc Đông. Đây là cuộc họp cuối cùng tại Nhà Tổng Thận.

Ngày nay, khu Nhà Tổng Thận trở thành khu lưu niệm lịch sử, điểm tham quan di tích của du khách - một địa chỉ đỏ nhằm giáo dục truyền thống đấu tranh yêu nước và cách mạng trên địa bàn TP.Tân An, rất cần được gìn giữ và phát huy giá trị lâu dài.

PV: Xin cảm ơn ông!

Long Vân (thực hiện)
---------------------------------------------------
(*) Nội dung trong ngoặc kép là theo Hồi ký Một khoảng đời của cố GS.Trần Văn Giàu, 1984.

Chia sẻ bài viết