Luận điệu bịa đặt, xuyên tạc
Ngay khi những vụ “đại án” được phanh phui, các tổ chức phản động đã rêu rao, xuyên tạc nhiều nội dung trên không gian mạng. Chúng bịa ra đủ thứ và khai thác từng chi tiết nhỏ nhất để bêu xấu chế độ, phá hoại cách mạng Việt Nam. Mục đích của chúng là gây xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, từ đó kêu gọi đa nguyên đa đảng, tiến tới phối hợp các cơ quan đặc biệt nước ngoài để thực hiện các cuộc “cách mạng màu” nhằm thay đổi chế độ ở Việt Nam.
Như trong vụ Việt Á, các trang truyền thông như Đài Á châu tự do, VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt đã đăng tải nhiều bài viết, nhiều bình luận với luận điệu cho rằng: Vụ việc xảy ra là “do dột từ nóc”, do Đảng “không nghiêm” nên để xảy ra tình trạng tham ô, tham nhũng ở tất cả tỉnh, thành trên cả nước. Đặc biệt, trong tình trạng dịch bệnh căng thẳng, người dân đang “điêu đứng” nhưng vẫn “kiếm ăn” bằng chọc, ngoáy mũi là thể hiện sự thụt lùi của chế độ. Nhiều bình luận còn quy chụp rằng, nếu không có người đứng đầu “chống lưng” thì Việt Á không thể thao túng đến hầu hết các tỉnh, thành như thế.
Hay sau khi khởi tố các nhân vật “tiếng tăm” như Nguyễn Phương Hằng, Trịnh Văn Quyết, Đỗ Anh Dũng (Tân Hoàng Minh) cũng vậy, trong lúc hàng chục triệu người dân Việt Nam đang đồng tình ủng hộ và tin tưởng vào công cuộc chống tham nhũng thì chúng lại bịa đặt, lật lọng rằng việc khởi tố, điều tra các bị can trên là “nhắm vào doanh nhân, giới siêu giàu”. Tổ chức khủng bố Việt Tân rêu rao trên nhiều trang mạng xã hội là “Chiến dịch đánh tư sản bắt đầu”. Chúng suy diễn: “Nhiều tỉ phú lần lượt bị bắt giam, một số khác đang được dự đoán sẽ xộ khám trong thời gian tới”,... nhiều đồn đoán về "chiến dịch đánh tư sản" tại Việt Nam trên không gian mạng.
Nguy hiểm hơn, chúng bịa ra chuyện Nhà nước “khánh kiệt” tài sản sau dịch Covid-19 nên “đó là lý do giới nhà giàu lên thớt”. Bịa ra các luận điểm nêu trên, chúng còn huy động các “chân rết” thường xuyên chia sẻ, bình luận chỉ trích Đảng, Nhà nước, cho rằng đang có chủ trương “đánh” vào doanh nhân, tập đoàn, công ty tư nhân để “răn đe” và “cướp vốn”. Mới đây, chúng còn tung tin rằng các cơ quan chức năng Việt Nam đã có lệnh cấm xuất cảnh đối với Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - Phạm Nhật Vượng là một minh chứng...
Một số đối tượng lợi dụng vụ án Nguyễn Phương Hằng để tiếp tục chỉ trích tội danh “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”, quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự. Chúng xuyên tạc rằng việc khởi tố, bắt giam bị can Nguyễn Phương Hằng là tùy tiện, bóp nghẹt dân chủ. Chúng liên kết những vụ án trước đây cùng tội danh này để đưa ra bức tranh xám về tự do, dân chủ ở Việt Nam, cho rằng Điều 331 Bộ luật Hình sự “chỉ nhằm phục vụ Đảng”, bỏ tù những ai “Đảng không thích”.
Khi những luận điệu trên chưa thuyết phục được người đọc thì chúng lại bịa ra những lý do mang màu sắc chính trị nhằm lôi kéo dư luận. Chúng xuyên tạc rằng các vụ “đại án” liên tiếp xảy ra là do có “đấu đá quyền lực” trong Đảng. Trong một bài viết có tên Những con mồi của Đảng không thể bỏ qua đăng trên trang Việt Tân, chúng đã tráo trở lu loa rằng “hai đại gia về bất động sản Nguyễn Phương Hằng và Nguyễn Văn Quyết đã trở thành miếng mồi ngon của những thế lực đang đấu đá với nhau”. Từ đó, chúng miệt thị “những đại gia, tài phiệt hoặc người giàu có tài sản đều là những người nằm trong tầm ngắm của các lãnh đạo Đảng Cộng sản, cho dù họ làm ăn chân chính cũng không thoát khỏi”. Một số bình luận cũng cổ xúy cho luận điệu này, quy kết việc khởi tố, bắt tạm giam các bị can là “có ý đồ chính trị”. Đây là kiểu xuyên tạc nguy hiểm, cố tình đánh tráo bản chất vụ án, hướng lái sang vấn đề chính trị, từ đó kích động chống phá.
Thực tiễn công cuộc chống tham nhũng ở nước ta đập tan các luận điệu xuyên tạc, bịa đặt
Cuộc chiến chống tham nhũng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang ra sức thực hiện là không ngừng nghỉ, không có vùng cấm. Các vụ án được thực hiện bài bản, khoa học, đúng pháp luật và truy đến cùng trách nhiệm các tổ chức, cá nhân liên đới. Các vụ án khởi tố thể hiện rõ sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua.
Trong vụ Việt Á, nhiều lãnh đạo địa phương và Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã bị khởi tố; các lãnh đạo cao nhất của Học viện Quân y cũng bị cắt hết chức vụ trong Đảng,... Tiếp nối ngay sau vụ Việt Á, vụ án “Đưa, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) lại một lần nữa khiến người dân cả nước vô cùng bức xúc, nhưng cũng thể hiện quyết tâm đấu tranh không khoan nhượng với những hành vi lợi dụng chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước để trục lợi. Việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch là hoạt động thể hiện tinh thần nhân đạo, nhân văn, nghĩa đồng bào và truyền thống “bầu bí thương nhau” của dân tộc ta. Những ai lợi dụng chủ trương đó để “bỏ túi” vì lợi ích cá nhân đều sẽ bị xử lý nghiêm. Việc khởi tố, bắt tạm giam Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Tô Anh Dũng vào ngày 14/4/2022 đã khẳng định quyết tâm “không có vùng cấm” trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực. Vụ án này chưa dừng lại ở Cục Lãnh sự mà còn mở rộng ra nhiều địa phương và tổ chức khác.
Chỉ trong vòng gần 3 tháng qua, hàng loạt vụ vi phạm pháp luật liên quan bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã được các cơ quan chức năng khởi tố cho thấy quyết tâm lành mạnh hóa thị trường của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Vụ khởi tố các bị can tại các tập đoàn FLC và Tân Hoàng Minh liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thấy quyết tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong việc đập tan cái gọi là quyền lực “đen” được tạo ra bởi những đồng tiền bẩn, thói kinh doanh chộp giật, coi thường kỷ cương pháp luật.
Việc khởi tố, bắt tạm giam các chủ tịch tập đoàn lớn, từng góp mặt trong tốp những người giàu nhất thị trường chứng khoán Việt Nam đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: Bất cứ ai phạm pháp và gây rối loạn thị trường rồi cũng sẽ bị trừng trị; không ai có quyền đứng trên pháp luật. Mục đích chính của cuộc chiến không khoan nhượng này nhằm lành mạnh hóa thị trường, tạo môi trường kinh doanh thực chất bền vững. Đó chính là nền tảng vững chắc cho chiến lược phục hồi kinh tế mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang quyết liệt triển khai.
Thực tế các vụ án đã cho thấy sự sâu sát, quyết liệt và kịp thời của Đảng trong cuộc chiến chống tham nhũng và sự xuống cấp về đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên hiện nay,... Điều đó càng củng cố niềm tin son sắt của đồng bào, dân tộc Việt Nam vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và sự điều hành khoa học, sáng tạo của Nhà nước, Chính phủ trong suốt những chặng đường phát triển của đất nước, nhất là trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trong giai đoạn hiện nay./.
Huyền Linh