Tiếng Việt | English

18/06/2021 - 08:16

Đầm ấm gia đình thời Covid

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến kinh tế bị trì trệ; Cuộc sống và công việc của nhiều người bị xáo trộn. Chung tay phòng, chống dịch bệnh, người dân hạn chế đi ra ngoài đường. Những ngày ở nhà cũng là lúc các thành viên trong gia đình có thêm thời gian dành cho nhau để vun bồi hạnh phúc.

Có thêm thời gian dành cho gia đình

Ngồi uống trà ngoài sân vườn, vợ chồng ông Nguyễn Quang Mật và bà Nguyễn Thị Xuân Hương (xã Phước Lý, huyện Cần Giuộc) chia sẻ nhau về chuyện ruộng vườn, con cháu. Bà Hương nói: “Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tới nay, hiếm hoi lắm ông xã tôi mới có một bữa thong thả ở nhà; còn lại hầu như ông đi truy vết, tuyên truyền tình hình dịch bệnh. Có khi nửa đêm cũng đi, tôi lo lắm, dặn ông mang khẩu trang, rửa tay thường xuyên”.

Dẫu lo lắng cho ông nhưng bà không khi nào ngăn cản, bởi bà hiểu tính ông, hễ còn khỏe là ông còn muốn chăm lo cho người khác. Ông Mật hiện là Trưởng ấp Phú Ân, xã Phước Lý. Ông hay nói với bà: “Khi người ta có việc cần nên mới gọi, mình từ chối sao được!”.

Khi các con lớn, có cuộc sống riêng, vợ chồng ông Nguyễn Quang Mật và bà Nguyễn Thị Xuân Hương lại càng gắn bó, nương tựa vào nhau nhiều hơn

Những lúc ông tham gia phòng, chống dịch, bà ở nhà đợi cửa suốt cho tới lúc ông về. Niềm vui của bà là được chăm sóc cho ông từng bữa cơm, ly nước. Bà Hương kể, quê bà ở miền Trung, từ khi kết hôn, bà vào Cần Giuộc sống cùng ông. Khi các con lớn, có cuộc sống riêng, ông bà lại càng gắn bó, nương tựa vào nhau nhiều hơn.

Bà nói: “Sức khỏe tôi yếu, ông không cho đụng tới việc đồng áng. Bao nhiêu chuyện ngoài đồng, vườn tược ông đều lo hết, còn tôi ở nhà lo cơm nước”. Biết bà đợi nên dù công việc có bận bịu, ông vẫn cố gắng về nhà đúng giờ để ăn bữa cơm cùng bà. Trong bữa cơm, ông bà nhắc nhở nhau giữ gìn sức khỏe và mong dịch bệnh sớm qua đi.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi người được khuyên nên hạn chế đến nơi đông người, không nên đi ra ngoài khi không có việc cần thiết. Thời gian ở nhà cũng là cơ hội để mọi người chăm sóc mái ấm của mình.

Đạo diễn Huy Phong (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) có sinh nhật vào tháng 6. Thường năm, ngày sinh nhật của anh được tổ chức ấm cúng với đầy đủ thành viên trong gia đình và vài người bạn thân thiết. Năm nay, con gái lớn của anh Phong không thể về mừng sinh nhật cha vì TP.HCM đang trong giai đoạn giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Biết rõ rằng đây là thời điểm mỗi cá nhân phải hạn chế đi lại để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng nên chỉ một cuộc gọi chúc mừng của con gái cũng đủ làm đạo diễn Huy Phong cảm thấy vui và hạnh phúc.

Thường năm, ngày sinh nhật của đạo diễn Huy Phong được tổ chức ấm cúng với đầy đủ thành viên trong gia đình. Còn năm nay, con gái lớn của anh chỉ có thể gọi điện thoại về chúc mừng cha (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Từ ngày TP.Tân An thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, đạo diễn Huy Phong làm việc tại nhà. Do đặc thù công việc liên quan đến các chương trình biểu diễn nghệ thuật nên thời điểm này, đạo diễn có khá nhiều thời gian rảnh. Anh dành tất cả cho gia đình mình. Cô con gái thứ hai đang học đại học cũng được về nhà học online, gia đình gồm 3 người suốt ngày quây quần bên nhau. Nam đạo diễn dành thời gian sửa sang nhà cửa, chăm chút lại góc sân hay sửa một vật dụng gì đó,…

Trước kia, khi công việc nhiều, cứ hết chương trình này đến hội diễn khác “kéo anh đi” nên ít khi nào cả gia đình có nhiều thời gian dành cho nhau. Những ngày này, khi TP.Tân An thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, gia đình đạo diễn Huy Phong có nhiều thời gian cho tổ ấm của mình. Bà xã anh chăm chút bữa cơm gia đình thêm đầm ấm hơn.

Nam đạo diễn chia sẻ, vì dịch bệnh, gia đình anh hầu như không đi đâu để giữ gìn sức khỏe. Nhờ vậy, anh và các thành viên trong gia đình có thời gian dành cho nhau, cùng trò chuyện, tâm sự và trân trọng khoảng thời gian được ở bên nhau.

Trân trọng những điều bé nhỏ

Một ngày trước ngày hết thời hạn cách ly tập trung, chị Trương Mỹ Ngọc (xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa) đã sắp xếp sẵn hành lý, hẹn người nhà đến đón thật sớm vào sáng hôm sau. Vào thời điểm đó, người mẹ trẻ chỉ mong thời gian trôi qua nhanh để được về nhà, ôm đứa con 16 tháng tuổi vào lòng. 21 ngày xa con khiến chị Ngọc nhận ra, được ở bên người thân là một hạnh phúc thật lớn lao.

Gia đình chị ở Đức Hòa nhưng mọi người đều có công việc ổn định tại TP.HCM. Sau đợt cách ly này, chị Ngọc sẽ nói ông xã và cha mình nghỉ hẳn công việc, ở nhà chờ qua mùa dịch. Chị chia sẻ: “Sau đợt cách ly, tôi cảm thấy rất sợ phải xa người thân nên thuyết phục chồng mình nghỉ việc, chờ đến khi tình hình dịch ổn hơn. Cha tôi cũng nghỉ việc để bảo vệ sức khỏe của cả nhà. Trước khi sinh em bé, vợ chồng tôi có một khoản để dành lo cho con nên nếu nghỉ lúc này thì sẽ dùng số tiền ấy, sau này sẽ tìm việc khác”.

Chị Trương Mỹ Ngọc cho biết, những ngày cách ly tập trung, chị càng hiểu và quý trọng những phút giây ở cạnh gia đình (ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chị Ngọc nhớ lại, khi biết mình là F1, chị đã chủ động khai báo y tế và đi cách ly tập trung. Mỗi ngày, chị và con gái trò chuyện qua video call, nhìn 2 cha con chơi cùng nhau, thấy con vui vẻ, chị phần nào yên tâm. Chị cho biết, những ngày cách ly tập trung, chị càng hiểu và quý trọng những phút giây ở cạnh gia đình, mong mỏi giây phút sum họp. Chị nói: “Trong khoảng thời gian nghỉ này, tôi và ông xã sắp xếp lại việc gia đình, lên kế hoạch cho khoảng thời gian sau khi hết dịch. Giai đoạn này có thể khó khăn nhưng chúng tôi có nhau và còn có cả ông bà bên cạnh”.

Về nhà, chị cùng chồng dọn dẹp, trang hoàng lại nhà cửa, nhìn con gái chạy chơi vòng quanh, chỉ vậy thôi mà chị cảm thấy cuộc sống thật bình yên và hạnh phúc. Chưa biết khi nào sẽ hết dịch nhưng chị tin khó khăn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ cần có người thân và gia đình bên cạnh, mọi thứ đều có thể gầy dựng lại.

Đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là lúc để mọi người “sống chậm” và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Mùa dịch, những mâm cơm gia đình tuy đạm bạc nhưng vẫn đầm ấm, gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau./.

Đây là giai đoạn khó khăn nhưng cũng là lúc để mọi người “sống chậm” và dành thời gian nhiều hơn cho gia đình. Mùa dịch, những mâm cơm gia đình tuy đạm bạc nhưng vẫn đầm ấm, gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau”.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết