Tiếng Việt | English

09/04/2017 - 05:36

Dân chủ trong trường học: Hiệu trưởng như “ông vua con”

Rất nhiều vấn đề trong trường học gây bức bối cho giáo viên, vậy nhưng ít người dám lên tiếng khi mà... mọi ý kiến đúng hay sai đều do hiệu trưởng quyết định. Thiếu dân chủ, hiệu trưởng như là “vua một cõi” và càng làm cho tình trạng dân chủ rơi vào một vòng luẩn quẩn...

Hiệu trưởng nắm quyền một cõi

Khi sai phạm ở một số trường học bị đưa ra ánh sáng thì cũng đã phanh phui ra không ít hiệu trưởng “lộng quyền” trong môi trường sư phạm. Hiệu trưởng hành xử chẳng khác nào “ông vua” một cõi nắm mọi quyền hành trong tay.

Vụ việc xảy ra ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội như một tiếng chuông về tính dân chủ trong trường học mà nổi lên là quyền hành và sự áp đặt của người đứng đầu một ngôi trường trở thành... thứ gọi là sức mạnh tập thể.


Sự "lộng quyền" của hiệu trưởng tại vụ việc ở Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội đã đặt ra câu hỏi về tính dân chủ trong nhà trường

Sự việc xảy ra mười mươi nhưng khi hiệu trưởng chỉ đạo thì tập thể hàng trăm con người trong nhà trường từ công đoàn, tổ bộ môn, giáo viên, bảo vệ... không dám nói khác - dù là tiếng nói của sự thật. Rồi hiệu trưởng còn ngang nhiên dùng kết quả lấy ý kiến 100% giáo viên, học sinh xác nhận không có taxi vào trường để báo cáo lên Phòng GD-ĐT cho dù... rất nhiều giáo viên không hề được lấy ý kiến.

Cũng chính vì thiếu tiếng nói phản biện trong trường học mà vụ việc học sinh bị xe tông gãy chân trong trường lẽ ra rất đơn giản lại kéo dài mấy tháng trời với sự phẫn nộ dư luận. Sự bức xúc lên đến đỉnh điểm không phải vì chiếc xe chở cô hiệu trưởng vào trường vô tình quẹt phải học sinh mà người ta không tin nổi sự lộng quyền và đạo đức của người đứng đầu một ngôi trường.

Cách đây khoảng 2 năm, hàng loạt sai phạm trong một ngôi trường THPT ở Hóc Môn, TPHCM được phanh phui mà ai cũng phải “ớn” về sự chuyên quyền của hiệu trưởng.

Bà hiệu trưởng không “ưng” ai thì thản nhiên “loại” giáo viên ra ngoài, không xếp lớp cho giáo viên rồi ung dung ký hợp đồng đưa giáo viên bên ngoài vào dạy thế chỗ. Trong khi, giáo viên không hề được thông báo, không nhận được quyết định nghỉ việc nào.

Một số giáo viên khác bị ép làm kiêm thêm công việc của giám thị mà không hề được xem xét nguyện vọng; giáo viên bị cắt xén tiền dạy buổi 2 một cách trắng trợn; nhiều khoản thu như để trang bị máy tính, máy chiếu... nhưng không được sử dụng hiệu quả.

Cùng thời điểm trên, trường THCS Lam Sơn, ở quận 6, TPCM cũng bung ra hàng loạt sai phạm của hiệu trưởng thời điểm đó là bà K.L.T. Kết luận thanh tra chỉ ra sự khuất tất, thiếu minh bạch trong thu - chi, lập các loại quỹ, chi sai quy định… gây thất thoát số tiền lên đến cả tỷ đồng. Chỉ tính trong 2 năm 2012-2013, 12 cá nhân trong “nhóm lợi ích” đã nhận khoản thu nhập, lễ tết thưởng… sai quy định và sau đó bị thu hồi trên 1,18 tỷ đồng. Trong số này, hiệu trường K. nhận cao nhất với trên 225 triệu đồng, hai phó hiệu trưởng gần 200 triệu đồng; kế toán, thủ quỹ: trên 100 triệu đồng.

Hiệu trưởng và ê kíp ngang nhiên tận thu nhiều khoản tiền sai quy định và tự chia chác, tăng chi vô tội vạ; mập mờ trong tuyển sinh.... một thời gian dài mới đổ bể.

Giáo viên khó “ngọ nguậy”

Đó là những vụ việc được phanh phui, còn thực tế không ít hiệu trưởng chuyên quyền trong trường học với đủ chiêu thức.

Một sai phạm điển hình của nhiều hiệu trưởng được nhắc đến là nhiều người không hề đứng lớp theo quy định nhưng vẫn thản nhiên kê khai lịch giảng dạy để nhận phụ cấp đứng lớp. Nhiều hiệu trưởng còn “cao tay” hơn, dùng quyền để phân giáo viên đứng lớp thay mình, còn tiền mình bỏ túi.

Hiệu trưởng trở thành nỗi sợ hãi đối với giáo viên. Người nào cùng phe cánh thì có thể nịnh nọt, được ưu tiên, yên thân để công tác, còn những giáo viên thuộc “thành phần khác” rất dễ bị gây áp lực. Nhưng nhiều hiệu trưởng bình thản với những sai phạm, lộng quyền của mình vì họ hiểu ai hết... quyền nằm trong tay mình. Còn giáo viên khôn thì sống, vống thì vừa dạy vừa bị đì đến cơ khổ.

Một giáo viên tiểu học ở Q.5, TPHCM cho hay hiệu trưởng như “vua không ngai” trong nhà trường nên rất nhiều quy định tích cực, cải tổ từ trên đưa xuống nhưng giáo viên không được hưởng thụ. Như việc không ép giáo viên thi giáo viên giỏi, không giao giáo viên thu tiền trường, không áp hồ sơ sổ sách hành chính xuống giáo viên... chỉ nói ra cho vui. Giáo viên nào các ý kiến càng bị... “đì”.

“Một số giáo viên đã từng lên tiếng về việc học sinh ngồi nhầm chỗ, các em học yếu không thể lên lớp nhưng... lên hay không là ở hiệu trưởng. Nhiều hiệu trưởng thiếu tâm huyết, năng lực vận hành “bộ máy” bằng thành tích, hình thức và sự chuyên quyền. Trường học vẫn còn thiếu tính tự chủ nhưng hiệu trưởng lại có nhiều quyền đối với đội ngũ”, giáo viên này nói.

Cô T.Th.D.Q., một giáo viên ở TPHCM từng gây “sóng gió” khi chỉ ra 10 điều khiến giáo dục Việt Nam tụt hậu. Trong đó, cô Q. nhấn mạnh đến yếu tố nhiều cán bộ quản lý không đủ năng lực, không trọng dụng đúng người đúng việc, không chú trọng phát triển đội ngũ, không biết nhìn nhận, không chấp nhận sự phản biện và vì thế khó phát triển./.

Theo dantri.vn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích