Tiếng Việt | English

28/04/2017 - 05:17

Dấn thân rồi sẽ thành công

Nhiều người cho rằng, nếu không có mơ ước và khát vọng thì cuộc đời sẽ sớm đi vào sự nhàm chán. Dấn thân, cố gắng hết mình thì sẽ thấy niềm vui. Với suy nghĩ như thế, nhiều người gặt hái thành công từ những ước mơ của mình, điển hình như các anh: Võ Thanh Tú, Lâm Quốc Hùng.

Anh Võ Thanh Tú bên sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm từ lục bình

Võ Thanh Tú - Mang lục bình đổi lấy đô-la

Giám đốc Công ty TNHH MTV Hòa Thành Long An, địa chỉ ở 233 Phan Văn Mảng, khu phố 9, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An (gọi tắt là Cty Hòa Thành Long An) - Võ Thanh Tú vốn xuất thân là giáo viên nhưng nghề thủ công mỹ nghệ, đặc biệt là những sản phẩm làm ra từ cọng lục bình như duyên nợ cùng anh. Đến nay, anh theo nghề làm thủ công mỹ nghệ gần 30 năm và sản phẩm Cty anh sản xuất ngày càng đa dạng về kiểu dáng, phong phú về chất liệu.

Anh Thanh Tú kể: “Tôi sinh ra và lớn lên trong xóm nhỏ chuyên sống bằng nghề dệt chiếu. Từ lúc còn là cậu học trò nhỏ xíu, tôi đã biết phụ giúp gia đình dệt chiếu. Trước đây, gia đình tôi không chỉ dệt chiếu mà còn thu mua chiếu về xuất khẩu sang nhiều nước bạn. Đến năm 2005, do yêu cầu đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu từ khách hàng nước ngoài, tôi bắt tay sản xuất thêm mặt hàng nguyên liệu từ cọng lục bình”.

Từ một cơ sở nhỏ ban đầu chỉ với quy mô gia đình và vài công nhân thời vụ, đến nay, doanh nghiệp anh làm chủ có hơn 100 lao động thường xuyên và hơn 30 cơ sở vệ tinh ở khắp các tỉnh miền Tây với khoảng 2.000 lao động thời vụ. Cty Hòa Thành Long An giờ đây có thể làm ra khoảng 1.000 sản phẩm: Chiếu, thảm, giỏ xách, tủ nhà bếp, dĩa đựng trái cây, sọt cắm hoa, kệ đựng rượu, salon, bàn, ghế,...

Hiện nay, sản phẩm của Cty đều xuất khẩu sang các nước châu Âu, bình quân mỗi năm khoảng 400 container. Trong tất cả các sản phẩm làm ra tại Hòa Thành Long An, sản phẩm từ cọng lục bình chiếm 1/3, còn lại là các chất liệu khác: Chiếu lác, dây nhựa giả mây, vải,... Anh Thanh Tú cho biết, tất cả khách hàng đến với Cty từ trước đến nay đều yêu thích các sản phẩm làm ra từ cọng lục bình bởi mẫu mã đa dạng: Giỏ xách, lọ cắm hoa, thảm trang trí,... phù hợp với tất cả các khung gỗ hay sắt. Và quan trọng hơn nữa là sản phẩm lục bình không cần phải dùng đến hóa chất nhưng thành phẩm vẫn có màu sắc đẹp, hài hòa, phảng phất mùi hương đồng cỏ nội, phù hợp với tiêu chí thân thiện môi trường ở các nước châu Âu.

Riêng với anh Thanh Tú, sản phẩm từ cọng lục bình được anh yêu thích, gắn bó không chỉ bởi mẫu mã đa dạng mà còn có ý nghĩa khác. Đó là từ những sản phẩm này, anh tạo được việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động nông nhàn ở khu vực miền Tây. Với nhiều người, lục bình là loại cây mọc dại đôi khi gây phiền toái, nhưng với anh, nó là nguyên liệu sản xuất ra sản phẩm để xuất khẩu đổi lấy đô-la và nhờ đó, anh thành công trên con đường kinh doanh.

Anh Thanh Tú nói: “Những người làm việc cho Cty ở khu vực miền Tây từ nhiều năm qua tuy làm giàu từ nghề gia công lục bình không nhiều nhưng nghề này chắc chắn giúp nông dân thoát nghèo, “ly nông mà không ly hương”. Những lúc rảnh rỗi, nông nhàn, nông dân có thể vớt lục bình phơi khô và bán cho Cty. Riêng các chị em ở nông thôn có thể vừa làm nội trợ, giữ con nhỏ, vừa gia công các sản phẩm cho Cty. Từ đó, họ có thu nhập tăng thêm để trang trải kinh tế gia đình. Điều này khiến anh tâm đắc và quyết chí theo đuổi đến cùng”.

Tuy nhiên, tất cả công việc ngay từ những ngày đầu bắt tay đều không thuận lợi như hôm nay. Khi còn là một cơ sở sản xuất nhỏ, lẻ, anh chưa có khách hàng thân thiết mà chỉ gia công rồi bán lại cho các Cty tại các tỉnh khác xuất khẩu nên không thể chủ động trong sản xuất. Bằng sự quyết tâm theo đuổi nghề, thông qua nhiều mối quan hệ từ các khách hàng để tiếp thị sản phẩm, dần dần, sản phẩm mang thương hiệu Hòa Thành Long An được khách hàng biết đến nhiều hơn và được Bộ Công Thương bình chọn là Doanh nghiệp xuất khẩu uy tín năm 2014 và 2015.

Với những sản phẩm thủ công mỹ nghệ và là khách hàng thân thiết của doanh nghiệp ở các nước châu Âu, Cty Hòa Thành Long An là thành viên của Tổ chức BSCI (Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội trong kinh doanh) được 6 năm. Ngoài ra, hiện anh là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An.
Anh Thanh Tú cho biết, hiện nay, cơ sở sản xuất tại thị trấn Bến Lức không đáp ứng đủ nhu cầu về kho bãi nên năm 2016, anh hoàn tất xây dựng 1 kho chứa sản phẩm tại ấp 3, xã An Thạnh, huyện Bến Lức. Và hiện nay, kho chứa thứ 2 tại đây cũng đang được tiến hành xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong những năm tiếp theo.

 Lâm Quốc Hùng - Tâm huyết với cà phê không phụ gia 

Chỉ hơn 40 tuổi đời nhưng đến nay, anh Lâm Quốc Hùng - Giám đốc Cty TNHH Cà phê Khoa Nam, phường 2, TP.Tân An, tỉnh Long An có gần 25 năm gắn bó với nghề nông và chế biến cà phê.

Anh Quốc Hùng kể, quê anh ở Đức Hòa. Trước đây vì hoàn cảnh nên năm 2001, anh đến huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng làm thuê cho các chủ vườn trồng cà phê. Sau thời gian khá lâu với nghề làm thuê, làm mướn, tích lũy kinh nghiệm và vốn liếng, anh mua lại một vườn cà phê rộng 18ha. Từ đó, anh bắt tay vào canh tác vườn cà phê theo hướng hữu cơ, rất hạn chế sử dụng phân, thuốc hóa học. Riêng phần thu hoạch như tuốt hạt, phơi nắng, sấy nhiệt rồi tách vỏ,... hầu hết đều sử dụng phương pháp thủ công. Trong quá trình chế biến cà phê, anh cũng nhất định không dùng phụ gia. “Mục đích là giữ mùi vị cà phê đặc trưng theo nguyên bản của ông cha ngày xưa để lại” - anh Hùng tâm sự như thế.

Anh Lâm Quốc Hùng  pha chế cà phê phục vụ khách hàng

Tuy nhiên, trong quá trình tìm hướng đi riêng và xây dựng thương hiệu cà phê Khoa Nam - một trong những doanh nghiệp có sản phẩm cà phê được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm, được nhiều người biết đến như hiện nay, anh Hùng trải qua biết bao vất vả, nhọc nhằn. Nhưng trước mỗi lần gặp khó, anh đều tự động viên mình phải cố gắng vượt qua. Anh nghĩ, nếu mình khát khao, dấn thân rồi sẽ thành công! Vậy là sau khi thử nghiệm thành công quá trình chế biến cà phê theo cách riêng của mình nhưng không dùng phụ gia, anh nhờ nhiều người nếm thử và nhận được khá nhiều lời khen tặng, động viên.

Vậy là anh Hùng quyết tâm trở về quê nhà Long An để khuếch trương thương hiệu. Trước mắt, anh tiếp cận người tiêu dùng tại các hội chợ, triển lãm do các cơ quan chức năng trong tỉnh tổ chức. Sau đó, anh dùng vốn liếng ít ỏi của mình mở quán cà phê, mời nhiều đối tượng khách hàng dùng thử. Với cách làm này, đến nay, anh xây dựng thành công thương hiệu cà phê không tẩm phụ gia với tên gọi Khoa Nam.

Với từng bước đi thận trọng, vững chắc, hiện nay, anh Hùng sở hữu chuỗi cửa hàng cà phê không tẩm phụ gia Khoa Nam với con số khoảng 20 cửa hàng ở nhiều địa phương: Tân An (Long An), Mỹ Tho (Tiền Giang), Trà Vinh, Cà Mau, TP.HCM, Biên Hòa (Đồng Nai),... Anh Hùng chia sẻ: “Ban đầu, tôi gặp phải trở ngại lớn là người tiêu dùng quen dùng các loại cà phê với nhiều phụ gia, vì vậy, doanh thu thời gian đầu khá ít ỏi. Tuy nhiên, bằng lòng quyết tâm, mong muốn mọi người được thưởng thức cà phê không phụ gia, không gây hại sức khỏe, hiện nay, thị trường đã chấp nhận và xem như tôi bước đầu thành công”.

Thành công trong kinh doanh, hiện anh Hùng là một trong những mạnh thường quân khá kín tiếng tại địa bàn phường 2 và phường 3, TP.Tân An thông qua việc hỗ trợ gạo, tiền cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn./. 

Mai Hương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích