Tiếng Việt | English

26/01/2021 - 14:51

Dân vận khéo - “Đòn bẩy” trong xây dựng nông thôn mới

Những năm qua, phong trào thi đua dân vận khéo (DVK) được các cấp, các ngành huyện Tân Trụ, tỉnh Long An phát động sâu, rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều cách làm sáng tạo, mang ý nghĩa thiết thực góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.

Huy động sức dân

Để bảo đảm công tác xây dựng nông thôn mới (XDNTM) của huyện đúng lộ trình và phấn đấu trở thành huyện NTM trong năm 2020, Huyện ủy, HĐND huyện đã ban hành các nghị quyết để tập trung lãnh đạo. UBND huyện cũng ban hành các quyết định, kế hoạch xác định nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trọng tâm, phù hợp thực tiễn. MTTQ, các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động sự tham gia của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Thông tin từ Ban DV Huyện ủy Tân Trụ, đầu năm 2020, toàn huyện còn 2/9 xã chưa đạt 19 tiêu chí xã NTM. Muốn đạt mục tiêu đề ra, hoàn thành chương trình XDNTM đúng lộ trình, huyện tổ chức cho nhân dân tham gia đóng góp ý kiến XDNTM. Theo đó, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng phối hợp chính quyền cùng cấp, tập hợp các tầng lớp nhân dân thảo luận, phân tích những thế mạnh, khó khăn, vướng mắc và bàn giải pháp để thực hiện.

Trở lại Nhựt Ninh những ngày đầu năm 2021, khi địa phương đang chuẩn bị cho Lễ đón nhận danh hiệu xã NTM, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sự tự hào của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nơi đây. Là 1 trong 2 xã về đích cuối cùng trong lộ trình XDNTM của huyện, để không “lỡ hẹn”, năm qua, Nhựt Ninh tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua DVK, thông qua công tác tuyên truyền làm cho nhân dân “Biết, hiểu, tán thành, ủng hộ, làm theo”.

Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã Nhựt Ninh - Trần Hồng Phong cho biết: Năm 2019, xã còn 2 tiêu chí chưa đạt là thu nhập và tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch. Vì vậy, xã xây dựng kế hoạch, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; đồng thời làm tốt công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn.

Cùng với đó, xã vận động người dân đóng góp kinh phí đầu tư lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sạch. Theo ông Trần Hồng Phong, do nguồn nước trên địa bàn xã bị nhiễm mặn nên không thể cải tạo, nâng cấp các giếng hiện hữu mà phải dẫn nước từ nơi khác về. Từ chỗ chỉ có gần 30% hộ dân sử dụng nước sạch năm 2019, đến nay, toàn xã có trên 65% hộ dân có nước sạch sinh hoạt. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng lên, hiện đạt 47 triệu đồng/năm. Hộ nghèo chỉ còn 2,1%.

Hệ thống cung cấp nước được nâng cấp với sự đồng thuận cao của nhân dân

Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, Nhựt Ninh tiếp tục vận động nâng cấp các công trình hạ tầng, nhất là đầu tư mở rộng đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất của người dân. Vui mừng vì tuyến đường bêtông trước nhà đã được xây dựng khang trang, rộng rãi hơn, ông Trần Văn Trừ, ngụ ấp Nhựt Long, bộc bạch: “Hầu hết người dân ở đây đều đồng tình hiến đất, góp tiền vì thấy lợi ích khi con đường được thực hiện”.

Nông thôn đổi mới

Theo Trưởng ban DV Huyện ủy Tân Trụ - Nguyễn Văn Dễ, trong tổ chức thực hiện xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, cả hệ thống chính trị huyện đã có sự phối hợp tốt, đẩy mạnh phong trào thi đua DVK gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh. Đặc biệt, các địa phương trong huyện còn vận động nhân dân tham gia giám sát từng công việc, từng khâu, tạo và giữ vững niềm tin của nhân dân trong tiến trình XDNTM.

Nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, vai trò chủ thể của người dân ngày càng được phát huy, thể hiện bằng việc người dân ở các ấp, xóm được quyết định đầu tư các công trình theo quy hoạch và định hướng của chính quyền địa phương. Người dân cũng trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn do mình đóng góp thông qua các ban phát triển ấp, ban giám sát cộng đồng nên nhận được sự đồng tình cao, đáp ứng yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình.

Trưởng ban DV Huyện ủy - Nguyễn Văn Dễ cho biết, đến nay, 9/9 xã trên địa bàn huyện đã hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM đúng kế hoạch đề ra. Những năm qua, huyện huy động nguồn vốn XDNTM trên 1.468 tỉ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 309 tỉ đồng, chiếm 21% tổng nguồn vốn. Hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện. Điều đáng mừng là không còn nợ đọng xây dựng cơ bản trong chương trình XDNTM.

Nông dân Quê Mỹ Thạnh tích cực hưởng ứng mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Xã Quê Mỹ Thạnh được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015. Hơn 5 năm qua, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thực hiện nhiều giải pháp để giữ vững và nâng chất các tiêu chí. Phó Bí thư Đảng ủy xã - Nguyễn Văn Phương chia sẻ: Năm 2020, xã vận động người dân đóng góp kinh phí, hiến đất mở rộng một số tuyến đường giao thông, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước sạch, tiếp tục chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đẩy mạnh sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.

Theo thống kê, có trên 85% hộ dân trên địa bàn xã Quê Mỹ Thạnh đang sử dụng nước sạch để sinh hoạt. Các tuyến đường chính của xã, đường trục ấp được nhựa hóa hoặc tráng bêtông sạch sẽ. Hiện nay, xã tiếp tục vận động mở rộng tuyến đường Nguyễn Thị Lầu (ấp 1) chiều dài trên 4km thành đường bêtông với bề ngang 5m. Về sản xuất, mấy năm nay, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả, nhiều hộ gia đình vươn lên, có cuộc sống khá, giàu.

Chi hội trưởng Nông dân ấp 1, xã Quê Mỹ Thạnh - Lương Văn Chuyên, bày tỏ: Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất lúa, nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lượng giống cũng giảm trong khi hiệu quả sản xuất tăng lên, giúp nông dân nâng cao thu nhập. Ngoài ra, nông dân còn được tham gia các lớp dạy nghề, hỗ trợ vay các nguồn vốn lãi suất thấp để trồng trọt, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống gia đình.

Từ những kết quả đã đạt có thể khẳng định, với nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của người dân, trong đó, công tác DVK đóng vai trò quan trọng, là “đòn bẩy” để Tân Trụ thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng huyện NTM.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết