Tiếng Việt | English

19/06/2017 - 14:25

Đạo đức của người làm báo phải đặt lên hàng đầu

Đối với bất kỳ ngành nghề nào, đạo đức nghề nghiệp cũng phải được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, đối với báo chí - kênh thông tin quan trọng, là tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và phản ánh tâm tư, nguyện vọng, tình cảm chính đáng của nhân dân, vấn đề đạo đức nghề nghiệp càng cần được chú trọng.

Từ chức năng, nhiệm vụ của mình, mỗi người làm báo phải thường xuyên “soi rọi” lại chính mình, khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm để mang đến cho độc giả những món ăn tinh thần thật sự bổ ích.

“Sửa mình” theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII)

Trong thời đại hiện nay, khi sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục được đẩy mạnh và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì vai trò của báo chí càng được khẳng định.

Báo chí góp phần đưa những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên các lĩnh vực đến với quần chúng nhân dân. Thông qua báo chí, người dân nói lên ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề bức xúc trong xã hội, qua đó thể hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội của mình.

Theo phóng viên Kiên Định (Báo Long An), nghề báo đòi hỏi rất cao về đạo đức nghề nghiệp

Không thể phủ nhận, thời gian qua, đa số cơ quan báo chí, nhất là những cơ quan báo Đảng, đều thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích của mình, tích cực đấu tranh chống lại những cái xấu, cái tiêu cực, biểu dương những nhân tố điển hình tiên tiến, có ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc, truyền thống, văn hóa của dân tộc.

Tuy nhiên, cũng có một số nhà báo bản lĩnh chính trị kém, thiếu tỉnh táo, thiếu tính chuyên nghiệp trong quá trình công tác, nhận thức còn hạn chế, dẫn đến sa ngã, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật,... bị khởi tố, thu thẻ nhà báo.

Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XII thẳng thắn chỉ ra những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; trong đó, xu hướng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong hệ thống báo chí và thông qua hệ thống báo chí là hiện tượng nguy hiểm, có thể gây ra tác động khôn lường, với một số biểu hiện: Thái độ hai mặt về chính trị, chạy theo chủ nghĩa cơ hội; sử dụng quyền tự do báo chí để phục vụ các “nhóm lợi ích”; háo danh; sự thiếu trách nhiệm, bất cập trong công tác chỉ đạo, quản lý của một số cơ quan chủ quản báo chí;...

Chia sẻ về vấn đề này, phóng viên Kiên Định (Báo Long An) chuyên viết mảng nội chính - bạn đọc, cho biết: “Nghề báo đòi hỏi rất cao về đạo đức nghề nghiệp, không chỉ vì sản phẩm báo chí có tác động đến toàn xã hội mà còn vì người làm báo cần sự nỗ lực rất lớn để có thể vượt qua những cạm bẫy quyền lực và vật chất đầy cám dỗ. Thực tế là có không ít trường hợp nhà báo dùng danh nghĩa “chống tiêu cực” để thực hiện hành vi tiêu cực: Dùng những tài liệu thu thập được để hù dọa, tống tiền các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hoặc vì mưu lợi cá nhân mà “bẻ cong ngòi bút” vi phạm tính khách quan, chân thật của báo chí. Dù đây chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín những người làm báo chân chính”.

Có thể thấy, trung thực, khách quan là điều cần thiết và bắt buộc đối với mỗi người làm báo, thể hiện đạo đức nghề báo.

Vì vậy, Điều 3 trong 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam nêu rõ, nhà báo phải: Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc.

Học Bác về đạo đức người làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”.

Tuy nhiên, điều đáng buồn hiện nay là nhiều nhà báo chỉ thích ngồi bàn giấy rồi gọi điện thoại hoặc vào Internet để tìm thông tin. Trong đó, một số nhà báo “chia sẻ” thông tin từ những đồng nghiệp hoặc báo khác chưa qua kiểm chứng để viết tin, bài một cách tùy tiện, thậm chí bịa đặt thêm, rút tít giật gân nhằm câu khách. Hậu quả là ngày càng có nhiều bài báo với nội sung sơ sài, câu từ sáo rỗng, thông tin không chính xác, thiếu tính khách quan, chỉ thông tin một chiều,... vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo.

Một ví dụ điển hình gần đây cho việc thông tin thiếu trung thực, khách quan và tôn trọng sự thật là 50 cơ quan báo chí trong nước chỉ trong thời gian ngắn cho đăng gần 560 tin, bài về việc nước mắm có hàm lượng thạch tín vượt ngưỡng quy định.

Trong thời điểm vấn đề an toàn thực phẩm luôn “nóng” như hiện nay thì những thông tin sai sự thật này khiến dư luận xã hội hết sức hoang mang. Mặc dù sau đó, những cơ quan báo chí vi phạm bị xử phạt nhưng vẫn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất nước mắm truyền thống cũng như thương hiệu hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

“Trong nền kinh tế thị trường, việc thông tin nhanh chóng và kịp thời tạo nên sức mạnh cạnh tranh rất lớn. Nhưng không vì thế mà người làm báo có quyền dễ dãi trong việc thu thập, xử lý cũng như chọn lọc thông tin tuyên truyền. Mỗi nghề, mỗi công việc có đặc thù và khó khăn riêng, nghề báo cũng không ngoại lệ. Do vậy, học theo đạo đức, phong cách làm báo của Bác, bản thân tôi luôn nhắc nhở mình phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, bám sát cơ sở để phản ánh đúng tình hình thực tế, mang đến cho khán giả những phóng sự có nội dung sâu sắc, chân thật nhất" - phóng viên Thanh Thủy (Đài Phát thanh và Truyền hình Long An) bộc bạch.

Phóng viên Thanh Thủy, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An (thứ 2, phải qua) cùng đồng nghiệp quay phóng sự ở cơ sở

Nhận thức được vai trò quan trọng của mình, đội ngũ những người làm báo tỉnh nhà không ngừng nỗ lực, sáng tạo trong việc đưa những thông tin chính thống và kịp thời đến với độc giả. Đồng thời, thường xuyên đổi mới, nâng chất nội dung, cải tiến hình thức tuyên truyền, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tiếp nhận thông tin ngày càng cao của người đọc, người nghe và người xem.

Đặc biệt, những năm qua, báo chí góp phần quan trọng làm cho việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu trong toàn Đảng, toàn dân và gần đây là việc tuyên truyền, đưa Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng vào cuộc sống.

Trong môi trường báo chí hiện đại và năng động như hiện nay, bên cạnh những mặt tích cực cũng phát sinh nhiều tiêu cực, làm suy giảm lòng tin của người dân đối với báo chí. Từ thực tế đó có thể khẳng định, việc tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn của người làm báo là yêu cầu bứt thiết hơn bao giờ hết./.

Hoàng Trà

Chia sẻ bài viết