Tiếng Việt | English

18/06/2019 - 10:16

Đạo đức - nền tảng của người làm báo

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi đạo đức, với nghề báo, đạo đức càng quan trọng hơn.

Nhà báo Lê Vân chia sẻ về vấn đề đạo đức trong nghề báo

Theo nhà báo Lê Vân, người từng làm báo và lãnh đạo tòa soạn Báo Long An từ năm 1970-1994, bất kỳ một tờ báo nào cũng thực hiện nhiệm vụ chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định quốc phòng - an ninh. Vì vậy, tờ báo đó phải hoạt động, tuyên truyền sâu, rộng chứ không chỉ viết chung chung. Nhà báo là “những chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa” nên cần phải có ‘‘trái tim nóng, cái đầu lạnh, bàn tay sạch’’.

Ông cho biết, bất cứ công việc nào cũng đòi hỏi trình độ, năng lực chuyên môn chứ không riêng gì nghề báo.

“Mỗi nhà báo phải nêu cao tinh thần tự lực vươn lên, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ. Đặc biệt, người viết phải trung thực trong việc đưa thông tin, bám sát chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước, phản ánh sinh động những nguyện vọng chính đáng của nhân dân; bảo vệ cái đúng, lên án cái sai, nhất là nhà báo phải tôn trọng pháp luật,…” - ông nói. 

Trong thời đại công nghệ như hiện nay, dù các cơ quan chủ quản, tòa soạn có quy định chặt chẽ trong hoạt động nghiệp vụ, với những biện pháp xử lý vi phạm cụ thể nhưng nếu mỗi nhà báo không tự trau dồi phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp thì sai phạm vẫn có thể xảy ra. Điều đáng buồn hiện nay là một số tờ báo “giật tít câu view” lại có lượng độc giả nhiều hơn những tờ báo chính thống. Đó cũng là những trăn trở của nguyên Trưởng phòng Hành chính - Trị sự Báo Long An - Phùng Tấn Dũng. 

Ông Phùng Tấn Dũng cho rằng, nhà báo cần có cái tâm với nghề

Ông chia sẻ, bản thân công tác ở lĩnh vực nhiếp ảnh trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đến năm 1980, về làm việc tại Báo Long An. Ông cho rằng, ngày nay có rất nhiều nhà báo trẻ có năng lực. Mỗi thời đại mỗi khác, những người làm báo cũng phải thay đổi tư duy để bắt kịp xu hướng của thời đại. Tuy nhiên, trong bất cứ tình huống nào, nhà báo cũng cần nêu cao vấn đề đạo đức và đạo đức được thể hiện qua cái tâm của người viết. 

Theo ông, đội ngũ những người làm báo ngày nay có đầy đủ điều kiện, phương tiện, tiếp cận nhiều thông tin đa chiều, bên cạnh những thuận lợi nhất định, chắc chắn cũng gặp không ít khó khăn, nhất là những phóng viên trẻ. Trách nhiệm với nghề nặng nề, phóng viên trẻ thường chưa có sự trải nghiệm với cuộc sống cũng như kinh nghiệm làm nghề nên phải thật tỉnh táo để không vấp ngã, rơi vào những cám dỗ thường gặp. 

Đến đây, chúng tôi - những người làm báo lại nhớ về lời dặn của một người thầy trong quá trình trao đổi nghiệp vụ. Thầy nhấn mạnh: “Trong biển thông tin nhiều chiều, trong không gian kết nối đa chiều giữa nhà báo và độc giả, chúng ta - những người làm báo phải giữ được giá trị cốt lõi của báo chí chính thống, bởi đó chính là sức mạnh của nền tảng báo chí cách mạng”.

Và chúng tôi nghĩ rằng, trên hành trình hướng đến thiện lương trong nghề nghiệp, sẽ có rất nhiều thử thách đeo bám, quật ngã bạn. Vậy nên luôn tu dưỡng, rèn luyện để giữ mình, hãy sống, làm người tử tế, làm việc chăm chỉ và tận tâm với nghề thì nghề sẽ đền đáp bạn./.

Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, bao gồm:

1. Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân; góp phần nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế;

2. Nghiêm chỉnh thực hiện Hiến pháp, Luật Báo chí, Luật Bản quyền và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích; nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác;

3. Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc;

4. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân;

5. Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác;

6. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin theo quy định của pháp luật;

7. Đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

8. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, ngoại ngữ, phấn đấu vì một nền báo chí dân chủ, chuyên nghiệp và hiện đại;

9. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt; bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa Việt Nam, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại;

10. Những người làm báo Việt Nam cam kết thực hiện những quy định trên, đó là bổn phận và nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm của người làm báo.

Nguyệt Nhi

Chia sẻ bài viết