Tiếng Việt | English

15/05/2016 - 09:21

Đào tạo SV theo chuẩn quốc tế: Liệu đã đủ điều kiện để hội nhập?

Vậy sau 10 năm thực hiện, chương trình đào tạo này đã đạt được hiệu quả ra sao, liệu có đủ chuẩn để hội nhập môi trường lao động quốc tế?

Với mong muốn từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước, năm 2006, Bộ Giáo dục – Đào tạo triển khai đề án quốc gia “Đào tạo theo chương trình tiên tiến tại một số trường đại học Việt Nam”.

Với kiến thức chuyên môn vững vàng cộng thêm kỹ năng tiếng Anh lưu loát, ngay khi tốt nghiệp chương trình tiên tiến của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Vĩnh Khương được nhận vào một công ty uy tín về năng lượng xanh, đúng với ngành được đào tạo.

Chất lượng giáo dục nâng cao rõ rệt khi các sinh viên được đào tạo theo Chương trình tiên tiến (Ảnh: Hà Nội mới)

Không những thế, anh còn nhận được học bổng đào tạo Thạc sĩ của một trường đại học uy tín của nước ngoài để tiếp tục công việc nghiên cứu chuyên sâu. Nguyễn Vĩnh Khương cho biết, chính việc tham gia chương trình đào tạo tiên tiến đã giúp anh trang bị những kỹ năng cũng như tác phong chuyên nghiệp để tự tin gia nhập thị trường lao động quốc tế.

Triển khai thí điểm từ năm 2006 ở 9 trường đại học trọng điểm, đến nay, đã có 37 chương trình tiên tiến được áp dụng tại 24 trường đại học trên cả nước. Điểm mạnh của chương trình này là giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với sự tham gia đào tạo của giảng viên trong nước và quốc tế.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hựu, chuyên viên Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục – Đào tạo, chính việc áp dụng gần như nguyên mẫu chương trình đào tạo của trường đại học đối tác từ khâu đào tạo đến kiểm tra, đánh giá đã tạo nên uy tín cho đề án này.

TS Hựu nói: “Sinh viên được học hoàn toàn bằng tiếng Anh. Vì vậy khi ra trường các em không những vững chuyên môn mà có cả trình độ tiếng Anh. Yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho các sinh viên hội nhập quốc tế sau khi ra trường. Cơ hội việc làm của sinh viên cũng rất cao. Ngoài ra, học chương trình này sinh viên còn được tiếp cận với trường đối tác. Mối quan hệ quốc tế của sinh viên chương trình tiên tiến được thể hiện qua sự năng động, tự chủ trong việc tìm kiếm và xử lý thông tin”.

Tham gia đề án với ngành Công nghệ thực phẩm vào năm 2008 và sau đó là ngành Thú y vào năm 2010, đến thời điểm hiện tại, chương trình tiên tiến của Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã đào tạo được trên 570 sinh viên.

Trong đó, gần 200 sinh viên đã tốt nghiệp, có công việc ổn định và được doanh nghiệp đánh giá cao. Không chỉ làm việc cho các doanh nghiệp trong nước, nhiều cử nhân chương trình tiên tiến còn được nhận vào công tác tại các công ty đa quốc gia. PGS TS Lê Quang Thông, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố cho hay, không chỉ chất lượng đầu ra của sinh viên được đảm bảo theo chuẩn hội nhập mà trình độ chuyên môn và ngoại ngữ của đội ngũ giảng viên tại các trường đại học Việt Nam tham gia đề án cũng nâng cao rõ rệt.

Ông Thông nói: “Đội ngũ giảng viên của chúng tôi phải cùng tham gia giảng dạy nên phải đạt tiêu chuẩn về mặt tiếng Anh. Qua đó chúng tôi có thể mở rộng hơn về hợp tác quốc tế cũng như trao đổi về mặt chuyên gia, giảng viên. Không chỉ những giảng viên nước ngoài sang trường chúng tôi dạy mà chúng tôi cũng có thể gửi những giảng viên của mình tham gia giảng dạy, đào tạo tại nhiều quốc gia trong khu vực”.

Là một trong những cơ sở giáo dục đại học đầu tiên trên cả nước triển khai chương trình tiên tiến với ngành Điện – Điện tử, hiện tại, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển chương trình này sang 3 chuyên ngành khác là Hệ thống năng lượng, Hệ thống thông tin và Tự động – Điều khiển. Đối tác của Trường Đại học Bách khoa Thành phố trong chương trình này là Đại học Illinois, đại học top 30 của nước Mỹ.

Theo Tiến sĩ Vũ Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng nhà trường, vì là chương trình mới nên trong giai đoạn đầu, bên cạnh vấn đề kinh phí vẫn còn không ít khó khăn: “Khi nói là lấy chương trình đào tạo của nước ngoài về, nghe rất đơn giản nhưng để có thể chuyển giao toàn bộ mọi thứ, các giảng viên của chúng tôi phải qua Mỹ học, các thầy Mỹ qua đây làm việc. Nội dung đào tạo ở nước ngoài cũng khác biệt với thực tiễn tại Việt Nam. Vì vậy, cần có sự điều chỉnh và thích nghi các quá trình lại với nhau”.

Khi đã quen dần với môi trường phối hợp quốc tế, những ưu thế của chương trình xuất hiện ngày một nhiều. Do vậy, từ hơn 30 sinh viên theo học trong năm 2006, đến nay, mặc dù tiêu chuẩn đầu vào rất khắt khe nhưng đã có gần 600 sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh theo học chương trình tiên tiến.

Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ chương trình tiên tiến, hiện nay, Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Nông Lâm Thành phố cùng nhiều trường đại học khác trên cả nước đang lên kế hoạch phát triển và mở rộng mô hình này với mục đích đào tạo được nguồn nhân lực đúng chuẩn hội nhập khu vực cũng như thế giới./.

Mỹ Dung/VOV-TP HCM

Chia sẻ bài viết