Tiếng Việt | English

03/05/2021 - 13:14

Đất nước trọn niềm vui chiến thắng

Trưa 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đúng 11 giờ 30 phút, lá cờ quân giải phóng tung bay ngay tại tổng hành dinh của chính quyền Sài Gòn. Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử kết thúc thắng lợi hoàn toàn, non sông đã được thu về một mối. Cả đất nước trọn niềm vui.

Chiến thắng đã chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến ở nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất đất nước. Đồng thời, đây còn là chiến thắng mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc - kỷ nguyên của hòa bình, độc lập dân tộc và cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Ông Nguyễn Văn Kiểm kể lại những năm tháng đánh giặc, cứu nước

Ông Nguyễn Văn Kiểm kể lại những năm tháng đánh giặc, cứu nước

1.  Trò chuyện với chúng tôi trong những ngày tháng 4 lịch sử, sau 46 năm đất nước giải phóng, ông Nguyễn Văn Kiểm (75 tuổi), ngụ xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc - cựu chiến binh Tiểu đoàn 5 Nhà Bè, chia sẻ: "Thắng lợi lịch sử 30/4/1975 là chiến thắng của lòng yêu nước nồng nàn, thỏa lòng ước nguyện, mong mỏi của toàn thể nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình, độc lập, tự do".

Nhớ lại ngày 30/4/1975, ông Kiểm kể, thời khắc đó, ông đang được chăm sóc, điều trị thương binh nặng ở miền Bắc nhưng vẫn biết được thông tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện từ Sài Gòn qua đài phát thanh. Khi đó, ông cùng đồng chí, đồng đội đã ôm chầm lấy nhau reo lên sung sướng: "Hoan hô đất nước đã giải phóng, Bắc - Nam sum họp một nhà!”. Cảm xúc khi nghe tin chiến thắng, quân địch đầu hàng, đến giờ ông vẫn không thể nào quên, dù thời gian trôi qua gần nửa thế kỷ.

Bây giờ nhớ về ngày 30/4/1975, tôi càng tự hào về truyền thống anh hùng, kiên trung của dân tộc. Nhưng để giành được độc lập, tự do, thống nhất, biết bao người đã ngã xuống. Vì vậy, chúng ta không được phép lãng quên lịch sử, sự hy sinh của những người đã hiến dâng thân mình cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân".

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Kiểm

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đúng 3 tháng, vết thương ở tay đã ổn định, ông được chuyển từ khu chăm sóc thương binh nặng ở miền Bắc trở lại quê nhà ở miền Nam. Trên đường đi, ông được chứng kiến người dân ở Bắc, Trung, Nam vui mừng sau khi đất nước được giải phóng. Khí thế đất nước trọn niềm vui, thi đua lao động, lập thành tích và khắc phục hậu quả do chiến tranh để lại cứ hiện hữu trên mọi nẻo đường, làng quê. Đi đến đâu cũng thấy cờ cách mạng, nghe người dân hát về Bác Hồ, mừng chiến thắng, mừng đất nước hoàn toàn độc lập, non sông thu về một mối.

Bây giờ nhớ về ngày 30/4/1975, ông lại càng tự hào về truyền thống anh hùng, kiên trung của dân tộc. Nhưng để dành được độc lập, tự do, thống nhất, biết bao người đã ngã xuống. "Chúng ta không được phép lãng quên lịch sử, sự hy sinh của những người đã hiến dâng thân mình cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân" - ông nhắn nhủ.

Khi được hỏi về cánh tay phải bị đứt đến sát nách của mình, ông Kiểm bảo, đó là vết thương bị địch bắn trong một lần đang trên đường ra Bắc công tác vào năm 1970. Sau này, ông được công nhận là thương binh hạng 1/4. Ông nói: “Vết thương trên cơ thể vẫn thường đau nhức, nhất là vào lúc "trái gió trở trời". Nhưng tôi vẫn là người may mắn vì còn sống sót trở về, còn nhiều đồng đội của tôi thì không”.

Hiện nay, ông sinh sống cùng gia đình tại xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc. Cũng trên mảnh đất này, vào năm 1967, ông đã cùng đồng đội bám trụ địa bàn chiến đấu với địch, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Đó là cuộc chiến đấu 45 ngày đêm (từ 05/6/1967 - 20/7/1967) của quân và dân vùng hạ Cần Giuộc làm kẻ địch tổn hại rất lớn.

Bày tỏ về hiện tại, ông phấn khởi, bởi sau 46 năm giải phóng, đất nước ta nói chung và tỉnh Long An nói riêng đã có nhiều thay đổi kỳ diệu từ thành thị đến nông thôn, vùng biên giới. Khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh ngày nào nhiễm phèn nặng nề, “muỗi kêu như sáo thổi” thì hiện nay đã trở thành những cánh đồng màu mỡ, bạt ngàn, vựa lúa lớn của cả nước. Nhiều vùng đất hoang vu, cây cối um tùm ở Cần Đước, Cần Giuộc, Đức Hòa, Bến Lức ngày nào, giờ mọc lên những khu, cụm công nghiệp tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trong và ngoài tỉnh.

Bà Trần Thị Kiều vẫn rất minh mẫn kể lại không khí phấn khởi của người dân trong ngày 30/4/1975

Bà Trần Thị Kiều vẫn rất minh mẫn kể lại không khí phấn khởi của người dân trong ngày 30/4/1975

2. Còn bà Trần Thị Kiều (Mười Chưởng), 84 tuổi - nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giai đoạn 1980-1997, ngụ khu phố Thanh Xuân, phường 5, TP.Tân An, vẫn bồi hồi, xúc động khi nhớ lại ngày 30/4/1975. "Đã 46 năm đất nước giải phóng rồi đó. Thời gian cứ trôi, bản thân đã già yếu nhưng những năm tháng tham gia cách mạng đánh giặc Mỹ, ngụy dưới sự dìu dắt của các anh, các chú vẫn in đậm trong trí nhớ. Đặc biệt, ngày lịch sử giải phóng, thống nhất 30/4/1975 không bao giờ phai nhạt" - bà xúc động nói.

Là người trưởng thành trong kháng chiến, tham gia cách mạng khi mới hơn 20 tuổi nên mỗi khi nhắc đến ngày giải phóng, bà rất tự hào về truyền thống anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi 30/4 là chiến thắng lịch sử của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân. Chiến thắng này đã chứng minh trí tuệ và tài thao lược của Đảng ta trong lãnh, chỉ đạo chiến tranh cách mạng và thể hiện đậm nét tinh thần quật khởi của người dân Việt Nam trong đấu tranh chống ngoại xâm.

Nhớ ơn những người lãnh đạo tài ba của đất nước, hiện trên bàn thờ ở giữa nhà bà đặt những bức ảnh chân dung của Bác Hồ, Bác Tôn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Thọ,... Ngoài ra, bên các bức tường của căn phòng khách, bà treo nhiều ảnh chụp chung với đồng chí, đồng đội trong kháng chiến và những huân, huy chương cá nhân được Đảng, Nhà nước trao tặng.

"Cứ mỗi lần nhìn lên các bức ảnh về những người con ưu tú của dân tộc, tôi lại rưng rưng, trong lòng dâng trào niềm tự hào dân tộc. Với những thành tích cá nhân được ghi nhận, tôi rất hạnh phúc vì mình đi theo Đảng để chiến đấu đánh đuổi quân xâm lược" - bà Trần Thị Kiều tâm sự.

"Thế hệ trẻ hôm nay hãy ra sức thi đua, học tập, lao động, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, làm chủ khoa học - công nghệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".

Trần Thị Kiều

Bà nhớ lại, thời điểm 30/4 cách đây 46 năm trước, bà được cách mạng phân công về công tác tại xã Mỹ Bình, huyện Tân Trụ. Sau khi tin Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được loan truyền qua đài tiếng nói thì sư đoàn ngụy đóng ở Mỹ Bình đã buông súng và bỏ đi. Người dân, cán bộ cách mạng kêu gọi nhau ra thu gom được rất nhiều khẩu súng để giao cho bộ đội. Ngay sau đó, người dân đến đồn, bót của địch đóng trước đó thượng cờ mặt trận giải phóng.

Bà vẫn nhớ, khi biết đất nước đã độc lập, tự do, người dân từ già, trẻ, gái, trai phấn khởi, nô nức, nhiều người còn kéo ra đường mừng chiến thắng. Khí thế hừng hực bao trùm, mở ra một thời kỳ mới ở vùng quê bị tàn phá bởi chiến tranh. Bà kể tiếp, vài ngày sau, bà đi công tác ở địa bàn và chứng kiến ở mọi nẻo đường, xóm làng, một cuộc sống mới đang trỗi dậy; ở đâu người dân cũng đều nói về đất nước độc lập, non sông thu về một mối.

"Đất nước bây giờ phát triển rất nhanh. Tin rằng, với truyền thống yêu nước nồng nàn của bao lớp người đi trước, thế hệ trẻ hôm nay hãy ra sức thi đua, học tập, lao động, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, làm chủ khoa học - công nghệ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" - bà Trần Thị Kiều nhắn nhủ./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết