Tiếng Việt | English

22/08/2018 - 23:15

Đâu là nút thắt khó gỡ trong quan hệ đầy sóng gió Mỹ-Nga?

Không đợi vòng trừng phạt đầu tiên của Mỹ đối với Nga liên quan vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh chính thức có hiệu lực ngày 22/8, Washington đã lại cảnh báo sẽ áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, khiến mối quan hệ giữa hai nước càng lún sâu vào bế tắc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh, phải) và người đồng cấp Mỹ Donald Trump (ảnh, trái). (Nguồn: Reuters)

Tuyên bố này của Mỹ được đưa ra ngay khi chủ đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ lại nóng lên với cáo buộc từ tập đoàn công nghệ Microsoft rằng các tin tặc có quan hệ với chính phủ Nga đã lên kế hoạch tấn công mạng nhằm vào thượng viện cùng một số trung tâm nghiên cứu của Mỹ. 

Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Marshall Billingslea ngày 21/8 cho biết Washington có thể áp đặt bổ sung các biện pháp trừng phạt đối với Nga với nhiều mức độ cứng rắn khác nhau dựa trên cách thức phản ứng của Moskva. 

Trong khi đó, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Sigal Mandelker cũng đưa ra cảnh báo tương tự, đồng thời cho biết những biện pháp trừng phạt của Mỹ đang tác động nặng nề đến kinh tế Nga, trong đó có việc cắt giảm nguồn đầu tư nước ngoài. 

Trong tuyên bố bác bỏ cáo buộc mới và phản đối các biện pháp trừng phạt của Mỹ, phía Nga đã coi những động thái của Washington là vì toan tính chính trị. Theo giới ngoại giao Nga, "Microsoft đang chơi trò chơi chính trị. Cuộc bầu cử (giữa nhiệm kỳ của Mỹ) vẫn chưa diễn ra, song đã có nhiều cáo buộc được đưa ra."

Không thể phủ nhận rằng lâu nay Mỹ vẫn luôn coi Nga là một đối thủ lớn trong việc tranh giành tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế, bất chấp có những thời điểm quan hệ hai bên đã tiến sát những mốc hòa giải. 

Không ít đời tổng thống Mỹ từng đề ra mục tiêu "cài đặt lại" hay cải thiện mối quan hệ với Nga, song dù thế nào hai bên vẫn chỉ dừng lại ở mức "bắt tay" trong một giai đoạn nhất định, vì những lợi ích chung nhất định. 

Ngay không khí tích cực sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ hồi tháng 7 ở Helsinki cũng nhanh chóng bị "phủ bóng đen" bởi những yếu tố mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là cuộc "đấu đá chính trị" nội bộ của nước Mỹ. 

Phản ứng gay gắt của chính giới Mỹ khi chứng kiến thái độ khá mềm mỏng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Nga phần nào cho thấy quan hệ với "đối thủ" Nga là chủ đề nhạy cảm ở Mỹ, nhất là trong bối cảnh uy tín và ảnh hưởng của Moskva trên trường quốc tế trong vài năm trở lại đây đang tăng nhanh. 

Việc "kìm chân" nước Nga dường như nằm trong mục tiêu của Mỹ. Đây là nguyên nhân mà trong vòng một tuần qua, Mỹ liên tục trút "mưa" trừng phạt xuống Xứ sở bạch dương. 

Chuyên gia Andrey Kortunov, Chủ tịch Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga, cho rằng đây là nỗ lực của giới cầm quyền ở Washington nhằm giành lại uy tín trên trường quốc tế, nhất là sau khi Mỹ thất bại trong việc áp đặt ý chí của mình tại Syria, làm xấu đi các quan hệ với châu Âu và Trung Quốc. 

Đáng chú ý, động thái mới của Mỹ diễn ra ngay sau cuộc gặp thượng đỉnh mới đây giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó hai bên đã thảo luận các giải pháp phù hợp cho những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh Mỹ gia tăng sức ép. 

Việc Đức và Nga xích lại gần nhau cũng có vẻ khiến Mỹ "nóng mặt" do mối quan hệ giữa Washington và các đối tác châu Âu đang căng thẳng liên quan tới vấn đề thương mại, hay bất đồng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Sự bất bình của các đối tác châu Âu với Mỹ cũng phần nào làm giảm vị thế của Washington trong mắt các đồng minh. 

Xét từ khía cạnh này, giờ Nga sẽ trở thành đối tượng "giơ đầu chịu báng" khi Washington cố gắng giành lại quyền kiểm soát, mà việc "kiềm chế" ảnh hưởng của Moskva sẽ được xem là ưu tiên. Đây sẽ là "nút thắt'" cản trở hai nước đưa quan hệ song phương vào quỹ đạo hòa dịu. 

Giới chuyên gia cũng nhận định sức ép của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Nga bắt nguồn từ áp lực của quốc hội lưỡng đảng nước này. 

"Cuộc chiến án phạt" của Mỹ nhằm vào Nga hiện nay mang màu sắc của một cuộc đấu đá chính trị trong nội bộ nước Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ đang đến gần. 

Theo Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại và Quốc phòng Nga Fedor Lukianov, thực chất "mưa" trừng phạt trút xuống Nga là cuộc “phản công” của Nhà Trắng trước những lời công kích của phe Dân chủ cho rằng Tổng thống Trump có thái độ mềm mỏng đối với Moskva. 

Việc chính quyền Tổng thống Trump gia tăng sức ép trừng phạt đối với Nga cũng được cho là nhằm đạt được các mục đích tiếp tục giành quyền kiểm soát Quốc hội, chứng tỏ quyết tâm bảo vệ lợi ích của Mỹ và tăng thêm "quân bài" thương lượng với Điện Kremlin. 

Bước đi cứng rắn của ông chủ Nhà Trắng đối với Nga có thể nhìn nhận như một cách thức để lấy lòng các cử tri vốn đang dao động trước sự lựa chọn giữa 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. 

Tuy nhiên, giáo sư Đại học Nam California (Mỹ), Robert English, lại đưa ra một góc nhìn khác khi cho rằng trong cuộc chiến giữa Nhà Trắng và Đồi Capitol, Nhà Trắng đã cố gắng hành động trước để tránh cho Nga những án phạt nặng nề hơn mà Quốc hội Mỹ đã soạn thảo sẵn. 

Mặc dù Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev  tuyên bố Moskva cần đáp trả các đòn trừng phạt của Washington bằng các biện pháp kinh tế và chính trị, song đa số các nhà quan sát cho rằng Moskva khó có thể đưa ra những biện pháp đáp trả tương xứng. 

Các biện pháp được nhắc đến như ngừng cung cấp động cơ tên lửa, titan... tuy gây thiệt hại cho các nhà sản xuất Mỹ, song cũng sẽ giáng mạnh vào ngân sách Nga, và trong dài hạn còn dẫn đến việc Nga mất thị trường quan trọng ở châu Mỹ.

Việc Nga "phản pháo" thậm chí còn kích động tâm lý trong chính giới Mỹ muốn gia tăng các đòn trừng phạt. Cũng có những ý kiến cho rằng Nga không sợ án phạt và sẽ không nhượng bộ, nhưng vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. 

Có thể thấy, triển vọng hai nước có thể đưa ra những nhượng bộ và bắt tay làm hòa dường như rất mù mờ ở thời điểm hiện tại. Mỗi bên đều đổ lỗi cho bên còn lại là nguyên nhân gây ra thế bế tắc này và đều đang tiếp tục các chính sách có nguy cơ làm gia tăng đối đầu. 

Tuy nhiên, hai cường quốc hạt nhân này cũng khó có thể đẩy căng thẳng vượt quá tầm kiểm soát, bởi cả hai đều nhận thấy những hậu quả khó lường nếu quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục lún sâu tới bờ vực thẳm ./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết