Tiếng Việt | English

15/06/2020 - 14:03

ĐBQH: Chống virus “trì trệ” phải bắt đầu từ công tác cán bộ

Việt Nam đang phải chống 2 loại virus, là virus corona và virus trì trệ. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa thành công trong việc chống virus trì trệ.

Ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước.

Thảo luận tại hội trưởng, đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cũng như nhiều đại biểu khác tỏ ra băn khoăn khi mà những tồn tại, hạn chế trong báo cáo như cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm, giải ngân đầu tư công chưa đạt yêu cầu; Tình trạng nợ đọng văn bản, vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề tham nhũng, trục lợi chính sách, trật tự an toàn xã hội, tội phạm trên 1 số lĩnh vực, địa bàn hiện còn nhiều phức tạp. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền, những tồn tại này đã diễn ra trong nhiều năm như 1 căn bệnh kinh niên nhưng thiếu những giải pháp căn cơ để giải quyết hiệu quả.


Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An).

“Trong phiên làm việc của Chính phủ, để phòng chống Covid-19, Thủ tướng đã nói  một cách hình tượng là chúng ta phải chống 2 loại virus, là virus corona và virus trì trệ. Tôi cho rằng, những tồn tại đó đã kéo dài từ năm này qua năm khác, từ ngành này qua ngành khác và từ địa phương này qua địa phương khác đã cho thấy, chúng ta chưa thành công trong việc chống virus trì trệ này, mặc dù chúng ta đã nhiều lần đưa ra những giải pháp đột phá, những khẩu hiệu hành động đầy quyết liệt nhưng đâu vẫn vào đấy, thậm chí một số lĩnh vực, những vụ việc phức tạp hơn”- đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho hay.

Vì vậy, vị đại biểu này cho rằng, vấn đề đặt ra ở đây là phải làm bắt đầu từ con người, từ công tác cán bộ. Đại biểu Hiền đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, có biện pháp chấn chỉnh để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở sắp xếp hệ thống tổ chức tinh gọn, khoa học, siết chặt kỷ luật kỷ cương để lựa chọn đội ngũ cán bộ đảm bảo chất lượng, phát huy được vai trò người đứng đầu. Như vậy, những mong muốn của cử tri là những tồn tại đó có cơ hội từng bước khắc phục hiệu quả.

Thu hút đầu tư nước ngoài hậu Covid-19

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) đề cập đến vấn đề đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài thời hậu Covid-19. Ông đề nghị cần có những chính sách và sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư, trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, có kế hoạch cụ thể, chủ động.

Đại biểu nêu rõ, theo báo cáo của Chính phủ, cùng với những thành công trong phòng chống Covid-19, kết quả thu ngân sách trong những tháng đầu năm của chúng ta đạt 32,5% dự toán và tăng trưởng quý I đạt 3,82%, đây là mức khả quan so với tình hình của khu vực và thế giới. Điều quan trọng là những kết quả đó đã cho thấy trong khi các nước đang phải tiếp tục tập trung phòng chống dịch, phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, đây chính là cơ hội để nước ta tập trung phát triển kinh tế nhanh hơn, có điều kiện rút ngắn khoảng cách so với các nước trong khu vực và thế giới. Vấn đề đặt ra ở đây là, chúng ta phải tranh thủ vận dụng cơ hội này như thế nào, nhất là việc đón đầu làn sóng đầu tư từ nước ngoài, 1 trong 5 mũi trọng tâm để phục hồi nền kinh tế đang được sắp xếp lại của các nước của thời kỳ hậu Covid-19.

“Tôi đề nghị chúng ta cần phải có những chính sách thật sự hỗ trợ kịp thời để thu hút làn sóng đầu tư trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu đầu tư hợp lý, có hệ thống chính sách thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, bằng mọi giá phải đảm bảo lợi ích quốc gia thật sự bình đẳng với các DN và nhất là có kế hoạch cụ thể, lựa chọn đầu tư ở đâu, ở lĩnh vực nào trong quy hoạch phát triển của từng ngành, từng vùng và của cả nước và phân định rõ trách nhiệm Trung ương phải làm gì, địa phương phải làm gì, doanh nghiệp phải làm gì để đón đầu”- Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền cho biết.

Đại biểu Hiền cũng đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát và tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm, bỏ vốn, tiếp tục triển khai, tránh lãng phí. Hiện nay Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại và Hiệp định bảo hộ đầu tư vào EU, đây là cơ hội để nước ta tận dụng để khai thác thế mạnh cũng như đối phó được những thách thức, nhất là thách thức đối với khu vực hành pháp khi Hiệp định bảo hộ đầu tư có hiệu lực thi hành.

Cơ chế hiệp định bảo hộ đầu tư khi có các tranh chấp xảy ra thì đây là những tranh chấp giữa 1 bên là nhà đầu tư nước ngoài, đầu tư đến từ các nước EU và một bên là nhà nước Việt Nam và ngược lại, do đó việc thiếu trách nhiệm hay sai của cá nhân khi thực hiện công vụ của mình có thể sẽ dẫn đến những tranh chấp và những vụ khiếu kiện không đáng có. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ công chức có liên quan để hạn chế những tranh chấp giữa các bên./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết