Tiếng Việt | English

30/10/2016 - 09:14

ĐBQH Nguyễn Chiến: Thực thi nghiêm pháp luật để giảm bạo lực học đường

Theo ĐBQH Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội), nếu chúng ta không xử lý bằng pháp luật thì tình trạng bạo lực học đường sẽ gia tăng.

Liên quan đến vấn đề bạo lực học đường, bên hành lang Quốc hội, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn ĐBQH Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội), Chủ nhiệm đoàn Luật sư Hà Nội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Ủy viên Hội đồng phối hợp, phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương.

PV: Thưa ông, tình hình bạo lực gia tăng nhất là bạo lực lứa tuổi học đường xuất phát từ đâu?

ĐBQH Nguyễn Chiến: Theo tôi, nó bắt nguồn từ văn hóa ứng xử. Truyền thống của người Việt Nam ta từ xưa đến nay vẫn coi trọng “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Chúng ta muốn học văn hóa để có kiến thức sau này trở thành người có ích cho xã hội thì đầu tiên phải học lễ nghĩa, phép tắc, đạo đức, văn hóa ứng xử.

Giữa con người với con người phải có cái tình; trong gia đình phải có trên, có dưới; đồng nghiệp phải hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong công việc, trong đời sống xã hội.

Trong thực tế có rất nhiều tấm gương “lá lành đùm lá rách”. Chẳng hạn như ở miền Trung vừa qua, khi đồng bào gặp lũ lụt đã có nhiều tổ chức và cá nhân đứng ra hỗ trợ cho đồng bào vượt qua khó khăn; có nhiều tấm gương các bạn học sinh giúp đỡ nhau trong học tập cũng như trong cuộc sống thường ngày để cùng nhau vượt khó. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có rất nhiều vụ việc không hay của các em trong cách đối xử với nhau. Nhiều vụ việc còn tàn nhẫn hơn cả những tội phạm thực hiện.


ĐBQH Nguyễn Chiến (đoàn Hà Nội)

PV: Vậy chúng ta phải làm gì để dạy cho các em hiểu và ứng xử văn hóa để tránh xảy ra tình trạng này, thưa ông?

ĐBQH Nguyễn Chiến: Vấn đề đặt ra là cần phải tăng cường giáo dục văn hóa ứng xử để các em nhận thức được mình là con người có văn hóa, văn minh, trong sáng đang ngồi dưới mái trường.

Cần phải giáo dục các em để các em nhận thức được hậu quả của hành vi mà nếu mình gây ra cho người bạn của mình thì sẽ ảnh hưởng như thế nào đến gia đình mình, gia đình bạn, đến nhà trường và xã hội. Không những thế, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường cho các em cũng cần được đẩy mạnh, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa để giúp cho các em nhận thức được rằng, nếu mình có hành vi bạo lực đối với các bạn thì mình sẽ phải chịu trừng phạt của pháp luật như thế nào.

Có những luật sư đã có ý tưởng là làm những cuốn sách, cuốn truyện có các mẩu truyện nói về các tình huống học sinh vi phạm pháp luật, mỗi tình huống sẽ có mức độ xử lý pháp luật phù hợp. Làm tốt những điều đó sẽ giúp các em có những hành động chuẩn mực hơn và sẽ hạn chế những hành vi gây ra bạo lực ở trong trường học, làm giảm đi những vụ việc vi phạm pháp luật ở lứa tuổi vị thành niên.

PV: Thưa ông, mấy ngày vừa qua, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự, trong đó nhiều đại biểu có nhắc đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Vừa là ĐBQH vừa luật sư ông có ý kiến như thế nào về vấn đề này?

ĐBQH Nguyễn Chiến: Nói đến bạo lực học đường, chúng ta nghĩ ngay đến hành động của các bạn đang ở lứa tuổi học trò mà xâm phạm đến thân thể, danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhau, tạo ra những hình ảnh rất phản cảm.

Gia đình, các bậc phụ huynh, nhà trường cũng như toàn xã hội đang rất quan tâm, lo ngại về tình trạng này. Hiến pháp quy định là mọi công dân phải được pháp luật bảo vệ tính mạng, thân thể cũng như danh dự, nhân phẩm. Như vậy, các em ở lứa tuổi học trò cũng cần phải được pháp luật bảo vệ, tránh khỏi bạo lực học đường.

Qua những vụ việc vừa qua ta thấy, tuy còn nhỏ tuổi nhưng khi gây ra các hành vi bạo lực, các em đã biết chọn những địa điểm có thể hạn chế việc kiểm soát của người lớn, khi thấy công an hoặc người lớn thì các em tỏ ra sợ.

Điều đó cho thấy, cho dù hiểu biết pháp luật còn hạn chế nhưng các em cũng đã nhận thức được phần nào hành vi sai trái của mình. Do vậy, pháp luật điều chỉnh phối hợp với trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội sẽ có tác dụng răn đe, giáo dục cũng như phòng ngừa các hành động bạo lực học đường.

Thứ nhất, ở góc độ gia đình, cha mẹ nào cũng quan tâm đến con cái nhưng tùy từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể sẽ có cách quan tâm khác nhau, phương pháp sư phạm để giáo dục khác nhau, nên có sự kết hợp giữa nhà trường và gia đình.

Có ý kiến cho rằng, nên quay lại phương pháp quản lý ở nhà trường đối với các em như trước đây. Tức là giao trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm, tăng trách nhiệm của chủ nhiệm lớp, của cán bộ lớp lên để có trách nhiệm hơn, sâu sát hơn và cũng để các em có trách nhiệm đối với nhau, không thể để hiện tượng đứng xem, cổ súy, kích động các bạn cùng lớp đánh nhau mà lại không chịu trách nhiệm gì.

Thứ hai, nhà trường cũng phải thiết lập lại hội đồng nhà trường kết hợp với các cô giáo, thầy giáo chủ nhiệm, với cả lớp trưởng, lớp phó. Qua đó, nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm lẫn nhau trong nhà trường. Ngoài ra, chúng ta cần có sự liên lạc chặt chẽ với gia đình để phối kết hợp trong việc quản lý, giáo dục, nắm bắt tâm lý của các em. Từ đó sẽ hiểu các em hơn, dễ dàng ngăn chặn xảy ra bạo lực hơn.

Thứ ba, nói đến góc độ xã hội, pháp luật phải được đề cao. Khi bàn đến hành vi vi phạm pháp luật của các em, ta đã có nghiên cứu để bảo đảm chính sách khoan hồng của nhà nước, của pháp luật đối với vị thành niên phạm tội, đối với cả người chưa đến tuổi vị thành niên.

Chúng tôi cho rằng, về chính sách pháp luật đã rất cụ thể trong Bộ luật hình sự năm 1999 và được cụ thể hóa hơn ở Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu, tình hình chung của hiện tượng vi phạm pháp luật xã hội đối với cả lứa tuổi này. Khi xem xét đến trách nhiệm của các em học sinh từ lứa tuổi 14 đến dưới 16 tuổi thì cũng đã có nghiên cứu trên cơ sở công ước quốc tế về quyền trẻ em mà ta đã tham gia kí kết.

Theo đó, Bộ luật hình sự năm 2015 tôi thấy là phù hợp. Bộ luật hình sự của chúng ta đã thiết chế có những loại tội như: tội cố ý gây thương tích, tội làm nhục người khác,… thì tùy tính chất, mức độ, hậu quả, nó sẽ ở khung hình phạt là: trường hợp ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Từ đó, đối chiếu với hành vi, hậu quả mà các em gây ra để xử lý theo quy định của pháp luật cho phù hợp.

Có nhiều quan điểm cho rằng, nên hạn chế xử lý trách nhiệm hình sự với lứa tuổi vị thành niên, chúng tôi cũng nhất trí về chủ trương chung là như vậy nhưng không có nghĩa là khi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng mà các em lại không bị xử lý. Không thể để hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, được công khai và cả xã hội đều bức xúc mà chúng ta lại không có một biện pháp, động thái xử lý bằng pháp luật nào cả. Cần phải để cho các em thấy sự nghiêm khắc của pháp luật đối với hành vi bạo lực nghiêm trọng như thế. Quan điểm chúng tôi là để xây dựng nhà nước công bằng, văn minh thì phải điều chỉnh bằng pháp luật rất cụ thể, rõ ràng.

Chính sách về pháp luật, về nhân đạo của nhà nước đã được hiện thực hóa phù hợp đối với mỗi loại tội phạm và với mỗi chủ thể thực hiện hành vi tội phạm. Nếu không xử lý hình sự, lại không có sự phối hợp biện pháp giáo dục thì tình trạng bạo lực học đường sẽ càng gia tăng.

Do đó, quan điểm của chúng tôi là, trước tình trạng bạo lực trong học đường như hiện nay thì phải phối kết hợp giữa gia đình, của nhà trường và toàn xã hội. Bên cạnh đó, pháp luật phải được thực thi một cách nghiêm túc.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Thu Thủy/VOV.VN

Chia sẻ bài viết