Thay đổi nhận thức
Long An đang phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường, do đó, việc thay đổi tập quán sản xuất từ truyền thống sang hiện đại và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào trồng trọt, chăn nuôi là một trong những mấu chốt quan trọng để đạt mục đích trên. Xác định được vấn đề này, thời gian qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) luôn tạo điều kiện cho nhiều cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học trên địa bàn tỉnh.
Bà Võ Thị Quế Lâm (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ) cho biết: “Dù nền nông nghiệp Long An đạt nhiều thành tựu trong tái cơ cấu nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố bất cập, trong đó chủ yếu năng suất, chất lượng, thị trường tiêu thụ không ổn định,...
Từ những thực trạng trên đòi hỏi ngành Nông nghiệp cần phải thay đổi toàn diện để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN tiên tiến, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp hàng hóa theo hướng thị trường.
Trọng lượng của trâu lai F1 được tạo ra giữa trâu cái địa phương và trâu đực Murrah bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo được tăng lên
Nhằm góp phần giúp tỉnh đạt được các kết quả trên, chúng tôi quyết định thực hiện và nghiên cứu đề tài Đánh giá khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 được tạo ra giữa trâu cái địa phương và trâu đực Murrah bằng phương pháp gieo tinh nhân tạo tại xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ. Mục tiêu đề tài: Đánh giá được tỷ lệ đậu thai của trâu cái khi gieo tinh nhân tạo với trâu Murrah, ngoại hình và khả năng sinh trưởng của trâu lai F1 giữa trâu địa phương với trâu Murrah”.
Đặc điểm của trâu nội địa tại Long An nói riêng, cả nước nói chung là tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm và thành thục muộn. Trâu Việt Nam có khối lượng trưởng thành nhỏ: Trâu đực 400 - 450kg/con, trâu cái 330 - 350kg/con và tỷ lệ thịt xẻ 43 - 45%. Còn trâu Murrah hay còn gọi là trâu Ấn Độ là giống trâu thuộc nhóm trâu sông, được nuôi để lấy sữa và thịt, bình quân trưởng thành có khối lượng khoảng 750kg đối với con đực và khoảng 650kg đối với con cái.
Qua thời gian nghiên cứu, thực hiện, đề tài đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, việc sử dụng kỹ thuật lên giống đồng loạt đã làm tỷ lệ đáp ứng động dục lên đến 80%, tỷ lệ đậu thai sau khi gieo tinh lần 2 đạt 55% và các chỉ tiêu khác như thời gian mang thai, tỷ lệ đẻ khó và tỷ lệ đực/cái nằm trong ngưỡng sinh lý bình thường của trâu.
Ngoài ra, trâu lai F1 của cái địa phương được phối tinh trâu Murrah mang lại những kết quả tích cực về tầm vóc và thể trạng. Trâu lai F1 lúc 12 tháng tuổi đạt khối lượng cơ thể 331kg và có tăng trọng hàng ngày là 800g. Các số đo của trâu F1 lúc 12 tháng tuổi gồm có vòng ngực 163,7cm, dài thân chéo 112,9cm, cao vây 105,6cm. Quan trọng hơn, thông qua đề tài này còn góp phần thay đổi nhận thức của người chăn nuôi.
Anh Nguyễn Bạch Đằng (ấp 6, xã Mỹ Quý Tây, huyện Đức Huệ) khẳng định: “Gia đình tôi mấy đời sống bằng nghề nuôi trâu. Trước đây, do chọn giống không rõ nguồn gốc nên chất lượng con giống không được tốt, thường xuyên bị bệnh, nhất là trọng lượng trâu cũng không đạt.
Từ khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tạo điều kiện gieo tinh giống Murrah thì đàn trâu phát triển tốt, ít bệnh, nhất là trọng lượng tăng nhiều so với giống trâu địa phương. Thông qua việc tham gia mô hình, tôi còn được hướng dẫn cách gieo tinh và cập nhật đầy đủ kiến thức về dinh dưỡng cho trâu để đàn trâu có khả năng sinh sản và sinh trưởng tốt nhất, không còn chăn nuôi theo phương thức truyền thống”.
Nâng cao chất lượng cuộc sống
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, tỉnh có 1.300ha mè, trong đó tập trung nhiều ở huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng và Đức Huệ, với cơ cấu giống trồng gồm mè đen, mè vàng và mè nhập nội địa. Tuy nhiên, những giống mè này đã bị thoái hóa, phân li mạnh, phân nhánh ít, số lượng quả ít, quả nhỏ, ra hoa không tập trung, năng suất, chất lượng thấp,…
Nhằm đánh giá, tuyển chọn và phục tráng 2 giống mè đạt tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng và đáp ứng nhu cầu canh tác của tỉnh, nhóm nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM quyết định chọn đề tài nghiên cứu Tuyển chọn và phục tráng giống mè phù hợp với nhu cầu canh tác của tỉnh Long An. Theo đó, nhóm nghiên cứu thí nghiệm trình diễn 4 vụ tại huyện Đức Huệ và Vĩnh Hưng (2 vụ/huyện).
Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài Tuyển chọn và phục tráng giống mè phù hợp với nhu cầu canh tác của tỉnh Long An
Tại huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, thời vụ canh tác mè chủ yếu trong vụ Xuân Hè; còn ở huyện Đức Huệ thường trồng trong vụ Đông Xuân, theo cơ cấu 2 lúa + 1 mè, hoặc một số ít theo công thức 2 màu (trong đó có mè) + 1 lúa. Mè được trồng theo các hình thức làm đất hoặc không làm đất, sạ lan ngay sau khi thu hoạch lúa để tận dụng độ ẩm và lượng phân bón còn dư của vụ lúa. Năng suất mè trung bình ở Long An năm 2015 - 2020 là 700kg/ha.
Tiến sĩ Phạm Đức Toàn (chủ nhiệm đề tài, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) chia sẻ: “Sau thời gian thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thu thập 2 mẫu giống, trong đó 1 mẫu giống mè đen được đặt tên BS-LA (Black sesame Long An); 1 mẫu giống mè trắng/vàng được đặt tên WS-LA (White sesame Long An); hoàn thành phục tráng mẫu giống mè đen cải thiện được năng suất và các đặc tính mong muốn, với thời gian ra hoa khoảng 30,7 ngày sau gieo, chiều cao cây 116cm, chiều cao đóng trái thứ nhất 48,4cm, thời gian sinh trưởng 80 ngày, năng suất lý thuyết 2.573kg/ha, năng suất thực thu 1.592kg/ha, hàm lượng dầu trong hạt 50,8%.
Đã hoàn thành phục tráng mẫu giống mè trắng/vàng cải thiện các đặc tính mong muốn và năng suất hạt, với thời gian ra hoa 30,7 ngày sau gieo, chiều cao cây 120cm, chiều cao đóng trái thứ nhất 56,9cm, thời gian sinh trưởng 79 ngày, năng suất lý thuyết 2.362kg/ha, năng suất thực thu 1.561kg/ha, hàm lượng dầu trong hạt 48,9%”.
Anh B.T.T. (huyện Vĩnh Hưng) là một trong những nông dân mạnh dạn tham gia đề tài Tuyển chọn và phục tráng giống mè phù hợp với nhu cầu canh tác của tỉnh Long An. Tại đây, anh phối hợp nhóm nghiên cứu trồng thử nghiệm giống mè trắng. Nhờ sử dụng giống chất lượng cùng thời tiết thuận lợi, mè phát triển tốt, ít sâu, bệnh, năng suất cao và giá cao nên mang về lợi nhuận hơn 30 - 40% so với ngoài mô hình.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, những năm qua, mô hình xen canh “2 vụ lúa, 1 vụ màu” được nhiều nông dân trên địa bàn thực hiện, góp phần nâng cao giá trị kinh tế trên cùng diện tích. Trong đó, cây mè là một trong những loại cây trồng được nông dân ưa chuộng, hiệu quả kinh tế mang lại khá hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Do đó, việc tuyển chọn và phục tráng lại các giống mè góp phần tăng năng suất, lợi nhuận cho nông dân rất nhiều.
Nghiên cứu khoa học là một hoạt động xã hội nhằm thông qua quá trình tìm hiểu, quan sát và thí nghiệm vào các dữ liệu, tài liệu đã được thu thập, nghiên cứu để tìm hiểu về kiến thức mới, sáng tạo phương pháp và phương tiện kỹ thuật mới. Qua đó, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân. Và hai đề tài nghiên cứu khoa học trên đã làm được điều này./.
Mai Hương