Tiếng Việt | English

16/03/2019 - 07:24

Đến 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả miền Nam trên 4,5 tỉ USD

Sáng 15/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Long An, tổ chức hội nghị “Thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam”. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Quốc Doanh, Quyền Cục trưởng Cục trồng trọt – Nguyễn Như Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh đồng chủ trì hội nghị.

Ông Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An – Phạm Văn Cảnh cho biết, hội nghị nhằm tìm giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả. Đây là cơ hội để định hướng, mở rộng sản xuất, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ và hội nhập quốc tế về cây ăn quả của Việt Nam nói chung và các tỉnh Nam Bộ nói riêng. Long An nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 10,36% - đây là mức tăng trưởng cao nhất những năm gần đây, GRDP bình quân đầu người đạt 69 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm. Chính vì vậy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An ban hành Nghị quyết 08-NQ/TU về Chương trình đột phá phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. 

Đại biểu tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Long An

"Hiện, trên địa bàn tỉnh, diện tích cây ăn quả chủ yếu là thanh long với trên 11.000ha, cây chanh gần 10.000ha. Hy vọng, sau hội nghị này, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất, kinh doanh cây ăn quả các tỉnh phía Nam sẽ tiếp tục nhận được nhiều thông tin để bàn bạc, trao đổi và đề xuất biện pháp phát triển cây ăn quả bền vững, thông tin tiếp cận ứng dụng tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất trong thời kỳ cách mạng 4.0 để thích ứng thị trường chuyển biến mạnh mẽ", ông Phạm Văn Cảnh nhấn mạnh.

Để thúc đẩy phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Nam, mục tiêu đến năm 2020 là tổng diện tích cây ăn quả đạt 1 triệu hecta, trong đó, diện tích các cây ăn quả chủ lực 810 ngàn hecta. Tổng sản lượng 9,5 triệu tấn (tăng hơn 11,7% so năm 2016). Năng suất bình quân 11,5 tấn/ha (tăng trên 15% so với năm 2016). Giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả trên 4,5 tỉ USD, trong đó sản phẩm quả chiếm hơn 3,6 tỉ USD (> 80%).

Thanh long là một trong những cây ăn quả chủ yếu của tỉnh Long An

Với mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Quốc Doanh yêu cầu các địa phương cần triển khai thực hiện Quyết định số 899/QĐ-TTg về Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục mở rộng diện tích một số cây ăn quả chủ lực có giá trị xuất khẩu như chuối, xoài, dứa, nhãn....phục vụ tốt nhu cầu tiêu thụ nội địa, hạn chế nhập khẩu và gia tăng xuất khẩu. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận (an toàn, GAP, hữu cơ,...), đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Nâng cao năng lực bảo quản, giảm tổn thất sau thu hoạch cả về số lượng và chất lượng. Tăng cường chế biến sâu các sản phẩm quả, gia tăng giá trị sản xuất đồng thời tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống, mở rộng thị trường, tăng khối lượng và giá trị xuất khẩu. Xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản.

Theo báo cáo từ Cục trồng trọt – Bộ NN&PTNT, năm 2018, diện tích cây ăn quả phía Nam ước đạt 596.331ha (chiếm 60% diện tích cây ăn quả cả nước). Tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước), tăng trên 61% so năm 2010 (2,5 triệu tấn).

Hiện, miền Nam có 14 loại quả có diện tích lớn (trên 10 ngàn ha/loại). Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trồng cây ăn quả chủ lực (chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam). Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả còn phân tán, nhỏ lẻ, không tập trung; khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Hiện chỉ có một số loại quả như thanh long, chuối, cây có múi đang hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô tương đối lớn.

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, từ 151,5 triệu USD năm 2003 lên 1,07 tỉ USD năm 2013, năm 2016  đạt 2,458 tỉ USD, bình quân tăng 1,25 lần/năm.

Năm 2018, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 3,8 tỉ USD, tăng trên 47,3% so năm 2017; trong đó, ước tính các sản phẩm từ quả chiếm trên 80%. Năm 2018, có 13 thị trường xuất khẩu lớn có giá trị trên 25 triệu USD; Trung Quốc là thị trường  lớn nhất (chiếm 73,1% thị phần), kế đến là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Malaysia, Thái Lan, Úc, Đài Loan, Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống nhất./.

Huỳnh Phong

Chia sẻ bài viết