Công an phối hợp đoàn thể địa phương tuyên truyền pháp luật
Tuyên truyền hiệu quả, cuộc sống yên bình
Là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự (ANTT), ngành Công an phối hợp các cấp, các ngành, đoàn thể, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền pháp luật, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Hình thức tuyên truyền ngày càng đổi mới, nội dung phù hợp độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ, giới tính, địa bàn.
Thông tin từ Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng công an phối hợp tuyên truyền 3.337 cuộc, có 120.197 lượt người dự; tuyên truyền qua tiếng loa ANTT lưu động 18.673 lượt; cung cấp 3.856 bản tin tuyên truyền qua đài truyền thanh huyện, thị xã, thành phố; tuyên truyền 5.051 bản tin, 9.556 hình ảnh trên nhóm Zalo.
Qua các hình thức tuyên truyền pháp luật, lực lượng công an còn thông tin những phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác.
Thời gian qua, người dân cung cấp cho lực lượng công an nhiều thông tin liên quan ANTT, tố giác tội phạm; có những trường hợp còn tham gia hỗ trợ, bắt giữ tội phạm quả tang. Trong 6 tháng đầu năm 2024, người dân cung cấp gần 2.000 tin, trong đó nhiều tin có giá trị, giúp lực lượng công an xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến ANTT tại cơ sở.
Theo Đại tá Phạm Thanh Tâm - Phó Giám đốc Công an tỉnh, tình hình tội phạm vẫn tiềm ẩn phức tạp với thủ đoạn liều lĩnh, tinh vi. Thời gian qua, nhiều vụ xảy ra với hành vi phạm tội nghiêm trọng, gây hậu quả lớn, thương tích, thậm chí chết người xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ; có trường hợp chỉ vì lời nói, việc làm không vừa lòng nhau.
“Vừa rồi, có trường hợp gây bức xúc vì chạy xe nẹt pô. Sau đó, xảy ra cự cãi rồi dẫn đến án mạng” - Đại tá Phạm Thanh Tâm nêu dẫn chứng và khẳng định công tác phòng ngừa phát sinh tội phạm rất quan trọng.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
Để thực hiện tốt công tác bảo đảm ANTT, phòng, chống tội phạm, các địa phương quan tâm thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Trong đó, lực lượng công an phối hợp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại khu dân cư, khu nhà trọ đông công nhân lưu trú, trong trường học và các cơ quan, doanh nghiệp,...
“Ngoài các phương pháp, hình thức tuyên truyền truyền thống qua hội họp, tiếp xúc, phát tờ rơi, panô, hệ thống truyền thanh, Công an huyện còn đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo tội phạm trên Zalo. Cùng với đổi mới hình thức, Công an huyện quan tâm chất lượng của nội dung tuyên truyền để đạt hiệu quả cao” - Thượng tá Trương Nhật Minh - Trưởng Công an huyện Bến Lức, cho biết.
Qua nhiều kênh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng, chống tội phạm của công an và các cấp, các ngành, đoàn thể, anh Nguyễn Tấn Phong (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) thường xuyên quan tâm lắng nghe, tìm đọc. “Việc tuyên truyền pháp luật và cảnh báo về thủ đoạn của tội phạm là rất thiết thực. Qua đó, tôi có thêm hiểu biết để nhận diện, phòng ngừa các loại tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản, "tín dụng đen", lừa đảo bằng phương thức sử dụng mạng xã hội,...” - anh Phong chia sẻ.
Lực lượng công an còn chủ động phối hợp ngành Giáo dục, các trường học tổ chức tuyên truyền cho học sinh nhằm giáo dục ý thức chấp hành pháp luật ngay từ khi còn nhỏ. Qua đó, xây dựng và hình thành cách ứng xử, hành vi chuẩn mực, lối sống thượng tôn pháp luật. Nội dung tuyên truyền thường bám sát các chủ đề về an toàn giao thông, phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy và ngăn ngừa bạo lực học đường.
Để công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Thời gian tới, ngành Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật và cảnh báo thủ đoạn của các loại tội phạm./.
Lê Đức