Tiếng Việt | English

13/06/2020 - 12:51

Dịch bệnh không trừ một ai

Hôm vừa rồi, tôi vào viện chăm mẹ. Nằm cạnh giường mẹ tôi là một cô gái trẻ bị sốt xuất huyết (SXH) khá nặng.Sau hơn một tuần nằm viện, cô ấy trông khá hơn và có thể trò chuyện được.Cô kể, ban đầu có triệu chứng sốt, nổi mẩn đỏ nhưng cứ nghĩ bị cảm sốt thông thường nên tự ý mua thuốc về uống.Cả tuần sau, bệnh không thuyên giảm mà còn có dấu hiệu nặng hơn, lúc này, cô mới đến trạm y tế, được chẩn đoán bị SXH dẫn đến tình trạng đông máu, khó thở. Cũng may, nhờ được chữa trị kịp thời nên cô ấy qua cơn nguy kịch, sức khỏe dần ổn định. Sự việc trên cho thấy, chính sự chủ quan trước dịch bệnh mà cô gái suýt nguy hiểm đến tính mạng.Không chỉ riêng trường hợp trên, hiện còn nhiều người chủ quan với dịch SXH, cho rằng bệnh chỉ xảy ra ở trẻ nhỏ và mình không thể mắc bệnh.

Hiện đang vào mùa mưa, đây là thời điểm dịch SXH có thể bùng phát.Tại Việt Nam, bệnh xảy ra ở khắp các miền, cả ở thành thị lẫn nông thôn, cao điểm là các tháng mùa mưa, nhất là vào các tháng 6, 7, 8, 9.Bệnh SXH được xếp vào nhóm các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bởi diễn tiến của bệnh rất nhanh và đột ngột.Bệnh chưa có vắc-xin dự phòng và thuốc đặc trị nên cách hiệu quả nhất vẫn là phòng, chống.Nếu nghi ngờ mắc bệnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xét nghiệm, điều trị kịp thời.

Để phòng, chống SXH hiệu quả, mỗi người cần chú ý giữ gìn nơi ở, môi trường sống xung quanh luôn sạch sẽ; không được trữ nước ở các thùng, xô, chậu hay các dụng cụ khác trong nhà, để muỗi không có cơ hội đẻ trứng; áp dụng các biện pháp diệt muỗi thường xuyên; phát quang bụi rậm; ngủ mùng kể cả ban ngày,…

Vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cả cộng đồng, mỗi người cần tích cực phòng, chống SXH, nhất là vào mùa mưa./.

Huệ Chi

 

Chia sẻ bài viết