Tiếng Việt | English

06/09/2021 - 18:41

Dịch COVID-19: Tiêm vaccine - an toàn cho chính bản thân và cộng đồng

Việc tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam hoàn toàn miễn phí theo chủ trương chung của Chính phủ. Hiện nay, có nhiều cách đăng ký tiêm chủng để người dân đều có thể tiếp cận vaccine.


Người dân tiêm vaccine để phòng ngừa dịch COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tiêm chủng vaccine COVID-19 là vấn đề được người dân quan tâm nhiều nhất.

Thống kê đến sáng 6/9, cả nước đã tiêm trên 22 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Đến đầu tháng Chín này, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 29 triệu liều vaccine phòng COVID-19 từ các nguồn khác nhau.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng theo nguyên tắc nhanh nhất, sớm nhất, an toàn nhất. Trong quý 4/2021, số lượng vaccine sẽ về nhiều, dồn dập để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng toàn quốc. Mỗi người dân cần tự trang bị cho mình những thông tin cơ bản về việc tiêm chủng an toàn.

Các loại vaccine phòng COVID-19

Hiện nay, Việt Nam đã tiếp nhận và sử dụng 5 loại vaccine khác nhau gồm: Pfizer (Mỹ), Moderna (Mỹ), AstraZeneca (Đại học Oxford, Anh), Sputnik V (Nga), Sinopharm (Trung Quốc) để tiêm chủng trên phạm vi cả nước; trong đó, AstraZeneca là loại vaccine phòng COVID-19 chủ yếu được sử dụng để tiêm chủng tại Việt Nam đến thời điểm này.

Các loại vaccine này đều được tiêm 2 mũi, khoảng cách giữa các mũi tiêm là 4 tuần. Riêng vaccine AstraZeneca, khoảng cách giữa 2 liều tiêm là khoảng từ 4-12 tuần, tùy theo thời gian thấy cần thiết phải tiêm mũi thứ 2. Bên cạnh nguồn vaccine từ nước ngoài, Việt Nam còn đang nghiên cứu và phát triển vaccine phòng COVID-19 ở trong nước.

Đó là vaccine Nanocovax của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen, Học viện Quân y phối hợp thực hiện. Vaccine này đã được thử nghiệm lâm sàng qua các giai đoạn 1, 2, 3. Nay đã hoàn thành ở giai đoạn 3a, tiếp tục triển khai giai đoạn 3b.

Theo đánh  của gia nhóm nghiên cứu vaccine, vaccine Nanocovax đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch. Hiện hồ sơ của vaccine Nanocovax đã được chuyển sang Hội đồng Cấp phép của Bộ Y tế để có thể xem xét, cấp phép khẩn cấp, sử dụng trong điều kiện khẩn cấp vaccine này trong thời gian sớm nhất.

Thứ hai là vaccine Covivax của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế Nha Trang. Vaccine này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Đến cuối tháng Chín này, giai đoạn 2 sẽ hoàn thành và bắt đầu chuyển sang giai đoạn 3. Nhiều khả năng, đến cuối năm sẽ hoàn thành nghiên cứu giai đoạn 3 vaccine Covivax.

Như vậy, từ nay đến cuối năm 2021, Việt Nam có 2 vaccine nội địa, có thể sớm đưa vào sử dụng ở Việt Nam để phòng chống COVID-19.

Trong đợi dịch gần đây nhất, biến thể Delta đã khiến tình trạng lây lan COVID-19 trở nên nghiêm trọng. Bộ Y tế cho biết các vaccine hiện nay chúng ta đang sử dụng đều có tác dụng bảo vệ đối với biến chủng Delta.

Vaccine NanoCovax. (Nguồn: Nanogen)

Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết người đã tiêm vaccine có khả năng vẫn mắc SARS-CoV-2 nhưng sẽ hạn chế được rất nhiều tình trạng lâm sàng nặng, tỷ lệ tử vong sẽ hạ xuống rất thấp. Những người đã tiêm mà vẫn bị nhiễm virus sẽ hồi phục nhanh. Do vậy, việc tiêm vaccine đầy đủ là hết sức cần thiết, góp phần bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Hãy tiêm phòng sớm nhất có thể

Tất cả các loại vaccine trên thế giới, không chỉ vaccine phòng COVID-19 mà cả vaccine thông thường khác, không có loại nào tính an toàn đạt 100%. Do đó, khi tiêm vaccine, mọi người có thể gặp phải những phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ khác nhau, từ không có phản ứng, phản ứng thông thường đến phản ứng nặng sau tiêm.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Hữu Trường, Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai lý giải nguyên nhân gây ra các phản ứng sau tiêm vaccine là do cơ thể người được tiêm vì một lý do nào đó bị quá mẫn với ít nhất một thành phần của vaccine, có nghĩa là trong cơ thể họ đã có sẵn kháng thể IgE đặc hiệu với các thành phần này. Do đó, khi vaccine được đưa vào cơ thể sẽ kết hợp với kháng thể đặc hiệu và khởi phát phản ứng dị ứng.

Mức độ của phản ứng dị ứng với vaccine có thể từ nhẹ, thoáng qua đến nặng hoặc nguy kịch. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi của người tiêm, các bệnh lý mắc kèm, mức độ mẫn cảm của cơ thể với tác nhân gây dị ứng... Phản ứng nặng thường xảy ra ở những người lớn tuổi, có các bệnh tim mạch, hô hấp hoặc có cơ địa dị ứng nặng với nhiều tác nhân khác nhau. Những phản ứng sau khi tiêm vaccine là những dấu hiệu bình thường cho thấy hệ miễn dịch đang xây dựng hàng rào bảo vệ cơ thể trước virus.

Phản ứng phụ phổ biến sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 là chỗ cánh tay nơi tiêm chủng xuất hiện đau, mẩn đỏ, sưng tấy. Cơ thể có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt, buồn nôn… Các tác dụng phụ này thông thường sẽ biến mất sau vài ngày. Phản ứng nặng sau tiêm có thể gặp phải như sốc phản vệ độ 1, độ 2 hay sốt cao, thậm chí tử vong… Tuy nhiên, tỷ lệ người đi tiêm gặp phải phản ứng nặng sau tiêm là ít.

Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương Đặng Đức Anh phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Theo Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trên thế giới, tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm trên 1 triệu mũi tiêm là 4 mũi (bốn phần triệu).

Tới thời điểm này, tỷ lệ phản ứng nặng ở Việt Nam nằm trong mức chung. Việt Nam rất quan tâm tới việc giữ an toàn cho người đi tiêm, do đó, Bộ Y tế có khuyến cáo các đơn vị tiêm chủng cần đảm bảo tiêm đến đâu, an toàn đến đó và khuyến cáo người dân hết sức bình tĩnh và vẫn tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan y tế về an toàn tiêm chủng.

Để thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử là tiêm ít nhất 70% dân số Việt Nam trong thời gian ngắn, Chính phủ Việt Nam đã có nghị quyết chỉ đạo tiêm chủng theo từng nhóm đối tượng ưu tiên. Bước đầu ưu tiên nhóm lực lượng tuyến đầu chống dịch, cán bộ y tế, Quân đội, Công an. Tiếp theo đó là người cao tuổi, người làm trong khu công nghiệp, những người thường xuyên tiếp xúc với đối tác nước ngoài.

Việc tiêm theo đối tượng ưu tiên hết sức cần thiết, góp phần đảm an toàn cho cộng đồng nói chung và nhóm đặc biệt nói riêng. Hiện các tỉnh, thành phố trên cả nước đang tập trung thực hiện tiêm chủng nhanh chóng, an toàn cho người dân.

Mới đây nhất, Bộ Y tế vừa đã có Công điện số 1316/CĐ-BYT gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, tỉnh Bình Dương, Long An và Đồng Nai về việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19.

Việc tiêm vaccine phòng, chống COVID-19 ở Việt Nam hoàn toàn miễn phí theo chủ trương chung của Chính phủ. Hiện nay, có nhiều cách đăng ký tiêm chủng như trên các ứng dụng trên điện thoại, tại khu dân cư, nơi người dân cư trú đều có thể đăng ký được. Với chính sách triển khai tiêm rộng rãi ở tất cả các địa phương xã phường, người dân có thể yên tâm tiêm chủng ở nơi cư trú.

Với 5 loại vaccine đang được sử dụng để tiêm phòng tại Việt Nam, có người dân muốn lựa chọn chủng loại vaccine mình muốn nên có thể bỏ lỡ cơ hội được tiêm vaccine sớm nhất.

Thực tế chứng minh, bất kể loại vaccine phòng COVID-19 nào đã được cấp phép lưu hành khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam đều có tính an toàn, tác dụng phòng COVID-19 như nhau vì các vaccine đều sinh ra miễn dịch, giúp cơ thể đề kháng với SARS-CoV-2. Do đó, vaccine nào đã có sẵn thì người dân nên tiêm càng sớm càng tốt.

Tiêm vaccine không chỉ góp phần bảo vệ an toàn cho bản thân, cộng đồng mà còn là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết