Tiếng Việt | English

29/07/2019 - 09:53

Dịch tả heo châu Phi lây lan nhanh

Đến nay, dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện ở 112 hộ chăn nuôi thuộc 14 huyện và thị xã trên địa bàn tỉnh Long An. Tổng số heo bệnh tiêu hủy là 2.885 con với tổng trọng lượng trên 181.492,5kg. Thời gian qua, công tác xử lý ổ dịch tại các địa phương được thực hiện quyết liệt, hầu hết ổ dịch đều được triển khai tiêu hủy (chôn, đốt) theo đúng quy định ngay trong ngày đầu tiên phát hiện. Công tác tiêu độc, khử trùng được thực hiện liên tục, thường xuyên nhằm hạn chế mầm bệnh lây lan.

Heo nhiễm bệnh được các  địa phương  xử lý chôn hoặc đốt theo đúng quy định

Tại huyện Đức Hòa, tình hình DTHCP diễn biến khá phức tạp. DTHCP xảy ra ở 19 hộ chăn nuôi heo trên địa bàn 11 xã với tổng số 586 con. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện - Nguyễn Tấn Triều, nguyên nhân xuất hiện DTHCP trên địa bàn do xe vận chuyển thức ăn vào chuồng nuôi heo, một số hộ sử dụng thức ăn dư thừa, mua heo về nuôi, mua thịt về sử dụng hàng ngày,… Hiện nay, huyện vận động các trường hợp hộ nuôi có heo bị bệnh, chết thực hiện tiêu hủy bắt buộc bằng phương pháp chôn lấp; đồng thời, tổ chức công bố dịch bệnh trên địa bàn các xã xuất hiện dịch và xác định vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Để phòng, chống tốt hơn DTHCP, huyện đề nghị các xã cần nắm rõ phạm vi lân cận 3km để khuyến cáo người dân thực hiện các giải pháp tiêu độc, khử trùng; tăng cường quản lý cơ sở giết mổ, kinh doanh thịt heo trên các chợ, vận động người dân chăn nuôi theo hướng an toàn, tiêm phòng vắc-xin các loại bệnh như tai xanh, lở mồm long móng. Huyện tổ chức lập các chốt sát trùng trên các tuyến đường ra, vào ổ dịch bằng vôi bột và phun thuốc; hướng dẫn thực hiện quy trình tiêu độc, khử trùng  chuồng trại, nhà xưởng, các hộ chăn nuôi trong vùng dịch. Bên cạnh đó, Đội Phản ứng nhanh phối hợp UBND xã kiểm tra, xác minh, lấy mẫu test nhằm triển khai kịp thời giải pháp, xử lý nhanh, nhịp nhàng, tránh lây lan.

“Từ khi phát hiện ổ dịch đầu tiên đến nay, huyện Đức Hòa đã chuẩn bị 5 máy phun xịt, 300 lít thuốc sát trùng, 50 bộ đồ bảo hộ lao động, 10 cuộn bạt phủ; đồng thời, được tỉnh hỗ trợ 11 tấn vôi bột và 400 lít thuốc sát trùng để thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh. Lũy kế từ khi lập chốt đến nay, các chốt trên địa bàn huyện đã kiểm tra trên 1.900 xe với hơn 174.000 con heo” - ông Triều nói thêm. Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung cho biết: Hiện nay, tốc độ lây lan bệnh DTHCP rất nhanh. Do đó, các ngành chức năng ở huyện, UBND các xã, thị trấn cần phối hợp đồng bộ, đeo bám địa bàn, tuyên truyền cho người dân hiểu tính nguy hiểm của DTHCP trong chăn nuôi heo để họ không giấu dịch; vận động người dân không tái đàn, giảm đàn. Bên cạnh đó, các xã không chủ quan để dịch lây lan, phát sinh ổ dịch mới.

Kiểm tra an toàn thực phẩm thịt heo tại  huyện Cần Giuộc. Ảnh: Thành Phát

Tại huyện Cần Giuộc, đến nay, dịch bệnh xảy ra tại 7 hộ chăn nuôi ở 3 xã với tổng số 232 con. Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc - Nguyễn Tuấn Thanh chỉ đạo: “UBND các xã có dịch khẩn trương kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã và đội phản ứng nhanh theo Quyết định 16/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp để giúp cơ quan chức năng và hộ chăn nuôi kiểm tra, thống kê đàn heo, phân loại heo bệnh cần tiêu hủy (heo nái, heo giống, heo thịt,… để làm cơ sở xem xét hỗ trợ và giúp người dân tiêu hủy); tiến hành rắc vôi tiêu độc, khử trùng, tổ chức lập các chốt kiểm soát động vật tạm thời trên các tuyến giao thông chính nhằm bao vây, khống chế khu vực có dịch, ngăn chặn việc vận chuyển heo, sản phẩm từ heo bị bệnh ra khỏi vùng có dịch để tiêu thụ gây lây lan mầm bệnh; tổ chức tiêu hủy heo bệnh, heo trong ổ dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn bảo đảm đúng quy định; thực hiện phun xịt hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi và báo cáo tình hình dịch bệnh về Phòng NN&PTNT. UBND các xã chưa xảy ra dịch, khẩn trương kiện toàn và duy trì hoạt động ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp xã và  đội phản ứng nhanh; tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh ở các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã, số lượng, tình trạng và giấy tờ của lô hàng; theo dõi sát sao tình hình DTHCP trên địa bàn tỉnh và các địa phương khác nhằm chủ động thực hiện các biện pháp cấp bách theo chỉ đạo của UBND huyện. Nếu xã nào để xảy ra DTHCP do chủ quan, thiếu trách nhiệm, chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện và tùy theo mức độ để xem xét hình thức kỷ luật theo quy định. Các phòng, ban, đơn vị liên quan nghiêm túc triển khai công tác phòng, chống DTHCP theo chỉ đạo của UBND huyện”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Trước tình hình dịch bệnh ngày càng gia tăng lan rộng, ngành tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống DTHCP; tăng cường công tác giám sát tại các xã, phường, thị trấn đã xảy ra dịch nhằm phát hiện sớm, xử lý nhanh các trường hợp nghi nhiễm bệnh. Đối với các xã, phường, thị trấn chưa xảy ra dịch bệnh tăng cường công tác giám sát và tuyên truyền, vận động người dân không nên tăng đàn trong thời gian này, hạn chế đến mức thấp nhất việc ra, vào khu vực chăn nuôi đối với người lạ, có biện pháp ngăn động vật khác (chuột, chó, mèo,…) vào khu vực chăn nuôi. Bố trí lực lượng 24/24 giờ đối với các chốt kiểm dịch tạm thời. Tăng cường thông tin, tuyên truyền cho người dân biết về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và biết làm gì khi phát hiện bệnh...”./.

Lê Huỳnh

Chia sẻ bài viết