Tiếng Việt | English

09/11/2016 - 15:29

Diện mạo xã nông thôn mới Khánh Hưng

Trong tương lai gần, xã kinh tế mới - nông thôn mới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An sẽ nhanh chóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hướng đến một “đô thị vùng biên” hiện đại.

Lúa về trên Cụm dân cư vượt lũ Tà Nu, Khánh Hưng

Từ một xã không điện, không nước sạch,…

Tách ra từ xã Hưng Điền A, xã Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng chính thức thành lập vào năm 1991 với diện tích tự nhiên 5.178ha - bao gồm 5 ấp và có đường biên giới với Campuchia dài 7,7km; dân cư đều từ các huyện phía Nam tỉnh Long An và từ tỉnh Hải Hưng đi xây dựng kinh tế mới, ban đầu là 2.090 nhân khẩu.

Toàn xã nằm trong “chảo phèn” Đồng Tháp Mười (ĐTM), mỗi năm 6 tháng đồng khô cỏ cháy, 6 tháng nước ngập tràn lan; quá nửa diện tích xã là đất hoang hóa. Gò Châu Mai (GCM) là “cánh đồng hoang” được chọn làm trung tâm hành chính của xã.

8 năm sau ngày thành lập, tôi đi với Đội Văn nghệ quần chúng Long An đến Khánh Hưng biểu diễn phục vụ các trường học và đồn biên phòng, nghe các thầy, cô giáo kể chuyện GCM lúc họ mới đến: Không điện, không nước sạch, không đường giao thông,... Trụ sở các cơ quan, trường học, nhà trẻ đều là nhà tre lá xập xệ. Những người dân đi kinh tế mới đều nghèo, họ dựng lều, chòi ở tạm; ai có con mọn thì gởi nhà trẻ để ra đồng làm lụng, thường quá khuya họ mới đến rước con về. Khi ấy, ngày và đêm, lửa đốt đồng cháy tới đâu, tiếng các loại trái nổ do chiến tranh để lại nổ tung lên, khói bay mịt mù tới đó.

Hòa mình vào công cuộc khai phá

Từ những năm 1980 trở đi, Long An rầm rộ “tiến quân lấp kín ĐTM”, thành lập các đoàn bộ đội xây dựng kinh tế (đều lấy tên “Đồng Tháp”). Đoàn Đồng Tháp I về đóng trên GCM với nhiệm vụ giúp dân tháo gỡ bom mìn, khai hoang phục hóa, làm thủy lợi,... Từ đơn vị này, kênh 28 nối sông Vàm Cỏ Tây với kênh ranh Cái Cỏ, dân mới có nước ngọt để tưới tiêu, xổ phèn.

Một thầy giáo kể: “Học sinh cấp 1, cấp 2 phần nhiều lớn tuổi, bữa học, bữa bỏ ra đồng làm lụng với gia đình. Số hộ bất kham thì “bỏ của chạy lấy người”, mang hết con em đi, khiến lớp học ngày thêm khoảng trống.

Đời sống khó khăn, thêm nạn cướp có vũ trang quấy nhiễu ven biên giới và nạn chuột phá hại mùa màng; đất hoang mới cải tạo, làm chưa có ăn khiến dân chưa an tâm bám đất sản xuất.

Rồi Trung ương đầu tư thêm kênh mẹ Tân Thành, Lò Gạch, để cùng kênh 28 “đẻ” các kênh con, kênh cháu, mà hình thành hệ thống thủy lợi nội đồng. Rồi Nhà nước và nhân dân cùng làm, biến các bờ kênh, bờ mương thành đường giao thông nội đồng vào tận các xóm, ấp. Đến 1996, toàn xã khai hoang phục hóa hơn 3.000ha, làm được các giống lúa mới: Huyết Rồng, Nàng Minh, Nàng Thơm,... có giá trị xuất khẩu.

Dân kinh tế mới bắt đầu có niềm tin, ra sức mở rộng diện tích đất khai hoang phục hóa, tăng lúa lên 2 vụ/năm, năng suất 4-5 tấn/ha/vụ; có ăn, có để, “đất lành chim đậu” phát sinh số di dân tự do đến mưu sinh ngày càng nhiều. Các mô hình trồng sen, dưa hấu, rau màu, nuôi trồng thủy sản, nuôi trâu, bò vỗ béo,... lần lượt ra đời làm tăng thu nhập cho dân.

Năm 1996, Trung ương chọn GCM xây dựng cụm dân cư vượt lũ (DCVL) làm thí điểm để nhân rộng cụm, tuyến DCVL cho Đồng bằng sông Cửu Long. Bộ đội kinh tế giúp dân tôn 1.224 lô nền, rồi Cụm DCVL GCM ra đời đầu tiên ở ĐTM với những dãy nhà tường liền kề, tạo nên diện mạo “đô thị vùng biên” sau này.

Trận lũ lịch sử năm 2000, toàn vùng ĐTM ngập sâu, tôi đến cụm DCVL GCM thấy vẫn khô ráo, dân cư sinh hoạt bình thường và còn cưu mang số người “chạy lũ” đến mưu sinh. Nơi đây có chợ với nhà lồng ngàn mét vuông, bố trí 35 ki-ốt, 60 hộ kinh doanh, buôn bán trong chợ và 100 hộ kinh doanh ngoài chợ, có các đại lý thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, cơ sở chế biến lương thực, vật tư nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp,... Đến nay, ngàn căn hộ tạo nên diện mạo thị tứ sầm uất bên kênh 28.

… trở thành xã điển hình nông thôn mới

Tháng 10/2016, chúng tôi đi Vĩnh Hưng, được Ban Tuyên giáo Huyện ủy chọn Khánh Hưng là xã điển hình nông thôn mới cho chúng tôi tiếp cận. Tôi nhớ đầu năm 2000, Đoàn nghiên cứu khoa học xã hội Nhật Bản do GS.TS. Sakurai Yumio (Đại học Tokyo) làm Trưởng đoàn, với đề tài “Làng xã Nam bộ” được tỉnh giới thiệu về xã Khánh Hưng. Sau đó, nữ TS. Ono Mikiko - Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ KANDA - giỏi tiếng Việt, báo cáo kết quả nghiên cứu tại Bảo tàng Long An với đề tài “Cơ cấu xã hội trong xã kinh tế mới và định hướng phát triển kinh tế ở vùng ĐTM”. Xin tóm lược vài điểm: “Khánh Hưng là điển hình một xã kinh tế mới ở vùng ĐTM. Trong vòng gần 10 năm kể từ khi thành lập, số dân tăng hơn 2 lần, diện tích đất canh tác cũng tăng lên. Khảo sát tình trạng kinh tế tại 150 hộ trong 2 ấp của xã vào tháng 3-2000, thấy có khác biệt về KT-XH giữa ấp người địa phương và ấp người di dân tới; có tăng số di dân tự do, giảm sút số di dân chính sách; có tăng tích lũy của người không có đất hoặc ít đất canh tác; có số di dân định canh mà không định cư, như vậy là cơ cấu xã hội của xã chưa ổn định; một số người di dân gần gũi vùng này đã định canh lâu năm mà chưa định cư, dẫn đến kết quả tài nguyên, vốn tràn đầy từ xã, lại không tích lũy trong xã. Nhà nước ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, coi trọng mặt phúc lợi xã hội để ổn định hóa vùng này (...). Chính quyền nên giúp dân hình thành tự nguyện hợp tác xã kiểu mới, hoặc tổ hợp tác để giảm chi phí sản xuất, lưu thông sản phẩm và bảo vệ môi trường (...). Nhà nước có chủ trương tiến hành hợp tác hóa trong nông dân. Theo chủ trương này, cách tìm hình thức hợp tác mới ở đây sẽ có hiệu quả ổn định hóa trong xã hội xã kinh tế mới”...

Qua lần đi trên đây, tôi ghi chép những gì tai nghe, mắt thấy dọc đường. Vòng quanh các ngõ ngách trong xã, ngoài số đường nhựa chính, còn lại là lộ trải sỏi đỏ hoặc cứng hóa đến tận các xóm, ấp. Đây đó, bông sen trổ thơm ngát, vườn ổi trĩu trái trong bọc giấy trắng như tuyết phủ. Rồi nào vườn chuối, vườn xoài sum suê hai bên đường. Cư dân hầu hết có nhà ngói, nhà tole (chỉ số ít di cư tự do còn ở nhà tạm).

Nhiều gia đình có mái che sát nhà che các loại máy móc nông nghiệp. Năm rồi, về đây vào mùa gặt, tôi thấy khắp ruộng đồng nhộn nhịp cơ giới thu hoạch và vận chuyển lúa. Dưới kênh Cái Cỏ (ranh giới Việt Nam - Campuchia), từng đoàn ghe bầu chở lúa xuôi dòng. Đến Cụm DCVL ấp Tà Nu, từng đoàn dài xe tải đến mua lúa vô bao đậu san sát trên đường.

Một hộ dù “xoàng” nhất cũng được như thế này

Tôi đi dọc đường bờ kênh Cái Cỏ, ruộng vườn hiện lên sắc xanh các loại cây ăn trái mới trồng. Trên đường, từng bầy trâu, bò nối nhau ra đồng ăn cỏ. Từ mấy năm nay, dân Khánh Hưng có thêm "nghề" mua trâu, bò từ Campuchia ở bên kia kênh Cái Cỏ đưa về nuôi vỗ béo, bán kiếm lời. Rơm rạ trở nên có giá, ngoài làm thức ăn cho trâu, bò còn đưa vào làm nấm bào ngư, nấm rơm để bán ra thị trường.

Và tiếp tục tự khẳng định mình

Tại trụ sở xã - tòa nhà lầu bề thế trên GCM, Bí thư Đảng ủy xã - Huỳnh Hoàng Lam cho chúng tôi biết, xã được huyện Vĩnh Hưng chọn làm điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2013 của tỉnh Long An.

Ngày 25/3/2016, xã tiến hành bình xét và tự chấm điểm, kết quả 19/19 tiêu chí đề ra cho xã nông thôn mới đều được thực hiện đạt yêu cầu. Dân số toàn xã 5.837 người (tăng gần 3 lần so lúc mới thành lập), chưa kể số di dân tự do. Thu nhập bình quân hiện nay là 31,5 triệu đồng/người/năm. Đã thành lập, đưa vào hoạt động 7 tổ liên kết sản xuất (2 tổ bơm điện, 2 tổ sản xuất giống, 1 tổ làm nấm bào ngư, 2 tổ làm lúa chất lượng cao) và 1 hợp tác xã nông nghiệp. Tất cả đều làm ăn có hiệu quả. Về giáo dục và đào tạo, đến năm 2012, xã Khánh Hưng được tỉnh công nhận đạt phổ cập giáo dục THCS (100%) và THPT (82,69%). Trường lớp đều kiên cố hóa, xanh, đẹp, khang trang. Có 3 trường đạt chuẩn quốc gia.

Chúng tôi nghỉ đêm ở GCM. Rảo qua các dãy nhà thấp tầng, cao tầng liền kề như một đô thị đang phát triển quanh nhà lồng chợ xã. Khi ánh đèn điện rực sáng, đèn màu cũng nhấp nháy ở các hàng quán ẩm thực, karaoke,... Trên kênh 28, xuồng, tắc ráng của dân đi chơi đêm đổ về bến xuồng bên lối vào chợ. Tôi tự hỏi: Nhờ đâu mà xã biên giới Khánh Hưng có điểm xuất phát rất thấp, kinh tế thuần nông khá bấp bênh lại trở thành xã nông thôn mới trù phú? Rồi đọc cuốn “Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng của Đảng bộ xã Khánh Hưng”, rõ ra: Khi cả hệ thống chính trị cùng chung sức, chung lòng chăm lo mọi mặt sản xuất và đời sống của nhân dân, thì nhân dân tạo nên kỳ tích. Và tôi tin rằng, với đà đi lên ấy, xã kinh tế mới - nông thôn mới Khánh Hưng sẽ nhanh chóng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hướng đến một “đô thị vùng biên” hiện đại trong tương lai gần./.

Q.H

Chia sẻ bài viết