Tiếng Việt | English

06/08/2017 - 05:39

Đoạn cuối hoa hồng

Đôi khi, người ta chọn cho mình cách tha thứ để phủ mờ đau thương. Vì đời cần lắm thứ tha... như một chiều cuối năm, có người già lẳng lặng qua mấy lần đò đến làng, van xin đứa con dâu trở về với người chồng...

Mười lăm tuổi, Nguyệt đi giúp việc cho bà chủ vựa trái cây làng bên. Sau một trận mưa lớn, lúa má đi đời nhà ma, cả làng đớn đau hỏi nhau lấy gì mà sống? Má Nguyệt xuống sức do hít phải thuốc trừ sâu mùa trước, những cơn ho sù sụ cứ hành hạ má mỗi đêm. Má không thể theo ghe đi làm mướn kiếm tiền nuôi ba miệng ăn trong nhà, đùng một cái Nguyệt trở thành lao động chính. Nguyệt vốn cần cù, siêng năng nên bà chủ rất thương, thi thoảng lại cho về thăm nhà, gửi biếu má khi mớ trái cây, khi ít tiền…

Mùa sang, lúa trổ đòng đòng, sữa ngọt trĩu bông đong đưa trước ngọn gió lùa se sắt. Nguyệt giúp việc cho vựa trái cây cũng hơn bốn năm trời, được chút đỉnh tiền nên sửa lại mái nhà cho má. Má Nguyệt đỡ bệnh, lại trồng dưa, trồng cà. Má kêu Nguyệt về nhà lấy chồng cho yên ổn tấm thân.

Nguyệt chưng hửng, bà chủ nghe xong tiếc hùi hụi: “Con Nguyệt hiền lành, giỏi giang chăm chỉ. Ở với tui mấy năm trời, quen tay quen chân, đùng một cái chị bắt nó về gả chồng, tui buồn quá!”. Bà chủ của Nguyệt là người có vườn trái cây lớn nhất nhì trong vùng, giàu nứt đố đổ vách, vậy mà từ hồi nào tới giờ có nạt nộ lớn tiếng hay chèn ép Nguyệt bao giờ? Bà ăn chay niệm Phật, chiều chiều, lại mang tràng hạt ra sân mà lần, rồi gõ mõ, rồi đọc kinh.

Má bảo: “Chị thiệt tốt! Nhưng con Nguyệt cũng lớn rồi, lông bông mãi cũng không được…”. Nguyệt phụng phịu ôm gói theo má về nhà lo chuyện trăm năm.

Minh họa: Thiện Mỹ

Đám cưới Nguyệt đến nhanh không ai ngờ. Đầu mùa, nhà trai cau trầu qua coi mắt, lúa chưa kịp vào bồ thì thuyền hoa sang đón. Hàng xóm đến chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ, vui thì vui nhưng vẫn thoáng lo ngại cho tương lai của Nguyệt khi nhìn Pha gương mặt lạnh như đồng, lầm lầm, lì lì đi giữa bà con hai họ. Người nhà trai phải chạy đến lấy tay Nguyệt đặt vào tay Pha, vậy mà cái nắm vẫn biểu lộ rõ sự hững hờ.

Loay hoay rồi mấy mùa gió bấc lại về, kể từ mùa gió Nguyệt xúng xính mặc áo hoa, tóc cài hoa tím, lụi hụi đi bên Pha về tận bên kia dòng sông. Làm dâu được ít lâu, mẹ chồng cắt cho hai đứa miếng đất cạnh vàm sông dựng chòi ở tạm, rồi chí thú làm ăn. Mùa nắng quay trở lại, chỗ vàm sông mọc thêm cái quán mới bên cạnh mấy chòi tranh mục nát nằm liêu xiêu bên bờ. Quán mới mở nên khách vắng teo, chiều Nguyệt ra ngồi chèo queo trước nhà, xõa tóc, mắt nhìn về bên kia bờ sông hun hút, thoang thoảng mùi bông mù u theo gió đong đưa.

Xóm nhỏ nghèo xác xơ, đàn ông bận chuyện cơm áo gạo tiền, thong thả mới tạt ngang quán Nguyệt lai rai vài xị rượu đế với một ít khô nướng, đậu phộng rang, vừa được nghe giọng ca “ngọt như mía lùi” của cô chủ quán. Rồi khách đến quán Nguyệt đông hẳn lên. Sáng sớm Nguyệt phải bơi xuồng ra chợ lấy thêm đồ về bán, học thêm cách nấu rượu gạo không pha cồn, khách uống say ngủ một giấc là tỉnh bơ. Khách thấy thích nên truyền tai nhau kéo đến nhậu nhẹt, chuyện trò rôm rả đến tận khuya.

Từ ngày mở quán, Pha rượu chè be bét lại thêm tật hờn ghen vô cớ. Tội nghiệp Nguyệt, khách gọi thì Nguyệt bưng mồi, hứng chí thì ngân nga vài câu vọng cổ. Mấy lần khách lạ ghé qua, không biết Nguyệt có chồng rồi nên buông lời lả lơi. Pha ngồi trong nhà thấy cảnh đó, xồng xộc xông ra, đập vô mặt khách mấy cái. Nguyệt hoảng quá, sợ Pha gây ra án mạng nên can chồng. Khách đi, Pha trút nỗi bực dọc lên đầu Nguyệt. Hễ quán có khách là Pha ra ngồi cầm cự đến khi say bí tỉ, đụng đâu ngủ đó, Nguyệt gọi mãi không chịu vào buồng ngủ.

Nhiều lúc giận chồng, Nguyệt lẩm bẩm: “Ngủ ngoài đó trúng gió chết cho tui khỏe thân”. Giận rồi lại thôi, vợ chồng mà, ai nỡ bỏ nhau chỉ vì dăm ba ly rượu. Hết mê rượu, Pha đâm ra cờ bạc, đá gà. Tiền Nguyệt dành dụm được bao nhiêu, Pha đổ vào những sòng bạc. Hết tiền, Pha lôi Nguyệt ra mà chửi rồi dọa đốt quán và làm thật. Ngọn lửa gần vách lá khô khốc, gặp gió chiều phần phật thổi, lửa bén vào vách nhà cháy phừng phừng. Hàng xóm thương Nguyệt chạy sang, người xô, người chậu, múc nước sông dập lửa.

Mấy tháng sau, Nguyệt dẹp quán. Mẹ Pha biết chuyện vội vã bơi xuồng sang, không thấy Pha đâu, chỉ thấy Nguyệt ngồi bó gối ngoài sàn nước. Chiều muộn, mặt trời chỉ còn để lại vài tia he hé mặt sông, trong nhà tối om, muỗi đẻ trứng dưới đám sậy rồi túa ra kêu vo ve. Nghe tiếng mẹ, Nguyệt giật mình. Trong bóng chiều nhá nhem, bà thấy đôi mắt Nguyệt sưng mọng, trên má vẫn còn hằn in năm ngón tay. Bà thương Nguyệt, trách mình không dạy nổi thằng con. Nguyệt lí nhí: “Thôi mẹ, tính ảnh vậy biết sao bây giờ. Ráng đợi ít năm, may ra ảnh bỏ được rượu chè trở về lo nhà cửa, vợ con”. Đôi tay bà di di trên mái tóc xác xơ của con dâu mà nước mắt ứa ra thành từng dòng đau xót.

Pha bỏ Nguyệt bơ vơ những đêm trời trở gió. Thấy lạnh, Nguyệt kéo chăn đắp ngang ngực, lắng tai nghe hễ có tiếng chó sủa, tiếng bước chân liêu xiêu lại choàng dậy, chạy ra nhấc cánh cửa lên xem có phải là Pha hay không? Nhiều đêm, Nguyệt ngủ trong nỗi xốn xang.

Nguyệt thấy trong người khác lạ, một cái gì nhỏ xíu đang cuộn tròn trong bụng làm trỗi dậy bản năng chở che của người đàn bà. Nguyệt thoáng nghĩ, nước mắt lã chã rơi. “Trời ơi, rồi cuộc đời đứa bé sẽ ra sao? Pha, về nhà với em, với con đi mà anh…” - Nguyệt tự nói, tự an ủi mình rồi cũng tự khóc cho chính mình. Giống như hồi Nguyệt đi ở cho nhà bà chủ vựa trái cây, chiều buồn nghe tiếng bìm bịp kêu mà nhớ nhà da diết, một mình Nguyệt ra bến sông ngồi ôm mặt khóc, cạn nước mắt thì lại lặng lẽ trở về, có ai mà hay?

… Nguyệt lẩm bẩm đếm ngón tay mà tính, Pha về nhà đúng mười lần thì Nguyệt sinh con. Mẹ chồng bơi xuồng xuống làng dưới rước bà mụ vườn mát tay có tiếng về đỡ đẻ cho Nguyệt. Đêm, Nguyệt ngồi lắc võng rồi ngân nga mấy bài hát quen ru con ngủ. Ngắm khuôn mặt bầu bĩnh, đôi gò má phụng phịu của con, tự dưng Nguyệt thấy lòng bình yên đến lạ. Nhiều lần gió bấc đưa Pha về với mái nhà lất phất ven sông, Pha nằm trên vạc, rít thuốc, ngó đứa nhỏ đang nằm ngủ say trên võng, hậm hừ mấy tiếng rồi lại đi, để trong gió thoang thoảng mùi men cay khiến Nguyệt buồn buồn, tủi tủi.

Con vừa tròn tháng, Nguyệt ẵm ra bến đợi đò dọc về làng. Gió bời bời thổi, lòng Nguyệt cũng bời bời như gió. Nguyệt vờ như quên bẵng đi chiếc thuyền hoa ngày nào, quên cả những khóc cười được mất, chỉ có dấu đau vẫn hằn sâu mấy năm trời chưa một phút nguôi ngoai…

Nguyệt về với má, ngót hai, ba mùa mưa. Bé út tốt nghiệp trung cấp rồi trở thành cán bộ xã, phụ trách việc nuôi trồng. Nhờ vào mấy khóa tập huấn trên tỉnh, út đưa những kiến thức mới về làng truyền lại cho bà con. Năng suất cây trồng ngày một tăng, làng thoát cảnh đói nghèo, phất lên đúng nghĩa. Má Nguyệt không còn từng sáng lặn lội đồng xa mót lúa, từng chiều bắt ốc, hái rau ven làng gửi ghe hàng bông bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Đời má đỡ khổ, vậy mà nỗi lo ngại vẫn len lỏi trong tâm hồn người già thương con.

Nhiều lần bắt gặp Nguyệt rửa chén ngoài sàn nước, gầy guộc và xanh xao, nhìn mà rơi nước mắt, má ngậm ngùi xót thân tủi phận: “Phải hồi xưa má không ép con có chồng thì bây giờ đời con đã khác”. Nguyệt cười cười, bảo: “Thôi má đừng buồn, số con đã vậy, mình sao cưỡng được ý trời hả má? Giờ con cũng đâu còn khổ nữa, có má, có thằng cu, có con út quây quần là vui rồi”. Trời ngả bóng chiều, chim trời tít tắp, xa xa, ai đốt đống cỏ khô, khói trắng ngùn ngụt bay lên bầu trời cao vút.

Đôi khi, người ta chọn cho mình cách tha thứ để phủ mờ đau thương. Vì đời cần lắm thứ tha... như một chiều cuối năm, có người già lẳng lặng qua mấy lần đò đến làng, van xin đứa con dâu trở về với người chồng khốn khó những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Để người xưa có dịp cúi đầu, nắm lấy đôi bàn tay chai sần thay lời xin lỗi rồi an lòng rơi giữa mù khơi.

Nguyệt mỉm cười, nghĩ về định mệnh.../.

Hoàng Khánh Duy 

Chia sẻ bài viết


Shop Hoa Tươi chuyên dịch vụ hoa