Tiếng Việt | English

30/06/2020 - 07:41

Doanh nghiệp phàn nàn quy trình cấp chứng nhận xuất xứ “khổ như con ốm”

Nhiều khi doanh nghiệp mất cả tháng mới lấy được chứng nhận xuất xứ, đồng nghĩa với việc đã mất cơ hội làm ăn với đối tác.

Tại Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại dự do Việt Nam-EU (EVFTA): Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam sau cú sốc Covid-19" diễn ra sáng nay (29/6), mặc dù thừa nhận những thuận lợi, thời cơ mà EVFTA mang lại song nhiều doanh nghiệp (DN) cho biết, họ đang gặp phải khá nhiều rào cản và nếu những rào cản đó không được tháo gỡ, DN có thể bị bật khỏi sân chơi EVFTA.

Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN logistics Việt Nam cho biết, vướng mắc lớn nhất của DN hiện nay chính là C/O (Giấy chứng nhận xuất xứ). Theo vị này, các DN trong ngành hay nói nôm na: C/O theo tiếng Việt là “con ốm”.

“Chúng tôi là DN xuất khẩu, mỗi lần lấy C/O là cả một “thử thách” vì không hề dễ dàng. Nhiều khi mất cả tháng mới lấy được tờ giấy chứng nhận xuất xứ, đồng nghĩa với việc mất cơ hội làm ăn với đối tác”, ông Nguyễn Tương chia sẻ.


Quy trình sơ chế, chế biến hải sản qua 16 bước lại đang bị áp thuế cao. (Ảnh minh họa)

Vì thế theo ông Tương, nếu không giải quyết được vướng mắc về C/O thì DN khó có thể tham gia được các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như EVFTA hay CPTPP. Một trong những điểm mấu chốt nhất giải quyết tốt vấn đề C/O theo ông Tương là được triển khai cấp C/O hình thức điện tử.

Tương tự, các DN trong ngành thủy sản cũng gặp phải rào cản các quy định về sơ chế. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP) thừa nhận, có nhiều cơ hội cho DN Việt Nam khi tham gia EVFTA, song tận dụng được hay không phụ thuộc nhiều vào sức khỏe của DN. Thời gian qua, các DN thủy sản đã rất khó khăn khi gặp phải quy định về sơ chế, chế biến.

Theo ông Nam, một số ngành khác như gạo, chỉ cần qua khoảng 3 - 4 công đoạn chế biến và chỉ phải nộp mức thuế thấp là 10%, với vùng khó khăn mức thuế chỉ còn 0%, nhưng với ngành thủy sản thì khác. “Chế biến thủy sản phải đầu tư lớn hơn rất nhiều các ngành khác. Quy trình sơ chế, chế biến hải sản lại còn phải qua 16 bước, song nhà quản lý đang áp quy định về sơ chế với mức thuế 20%. Đây là mức quá cao và quá khắt khe gây khó khăn lớn cho DN thủy sản”, ông Nam nói.

Nhiều DN ngành gỗ cũng cho biết, các thị trường xuất khẩu đều phải xin C/O ở VCCI và Bộ Công thương. Thế nhưng có những C/O phải hơn 2 tháng mới lấy được. Trong khi đó, hàng hóa xuất khẩu cần thủ tục nhanh, DN chờ khi lấy được C/O cũng là lúc đối tác hủy hợp đồng.

Bà Lê Thị Nụ, Công ty CP Đầu Tư Wood Alliance (DN chuyên xuất khẩu đồ gỗ) cho biết, việc xin cấp C/O từ Bộ Công Thương khá nhanh chóng, chỉ khoảng 2-3 ngày nhưng khi làm với VCCI lại khá khó khăn, có trường hợp nộp hồ sơ cho VCCI mà phải tới 2,5 tháng DN mới được cấp C/O.

"Hàng hóa từ Việt Nam xuất khẩu đi Mỹ mất khoảng 40-48 ngày. Có lô hàng DN lỗ toàn bộ vì không lấy được C/O kịp thời. Mặc dù đã nghiên cứu khá khĩ EVFTA, nhưng DN vẫn thấy rằng, điểm khó khăn nhất đối với DN vẫn là C/O. Ngay cả hiện tại, DN đang xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gỗ dán và tủ bếp đi EU vẫn chưa thể yên tâm với C/O”, bà Nụ nêu thực tế.

Khó chứng minh nguồn gốc nguyên liệu

Hồi đáp lại những vướng mắc của các DN về C/O, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, xuất xứ là nội dung rất quan trọng. Nếu dùng từ C/O nghĩa là Giấy chứng nhận xuất xứ là muốn nói đến xuất xứ của hàng hóa, tạo sự khác biệt của hàng nội khối và hàng bên ngoài.

Muốn được hưởng ưu đãi thuế quan tại các Hiệp định thương mại tự do (FTA) nói chung, EVFTA nói riêng, phải chứng minh được hàng hóa đó có xuất xứ. Khó khăn không phải là việc cấp tờ giấy chứng nhận mà là việc chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu sử dụng từ nội khối.

Ở góc độ cơ quan Hải quan, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) khẳng định, đối với việc DN xin cấp C/O, cơ quan hải quan sẵn sàng phối hợp với đầu mối là Bộ Công Thương và VCCI để chia sẻ số liệu, kinh nghiệm, đặc biệt là đánh giá về DN, xếp hạng DN để VCCI có thể dựa vào đó rút ngắn thời gian cấp C/O cho DN.

“Thủ tục Hải quan hiện nay lên tới 99,99% là thủ tục hải quan điện tử. Tuy nhiên, trong việc cấp C/O điện tử, cơ quan hải quan mới áp dụng đối với C/O form D của ASEAN. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang muốn cùng Tổng cục Hải quan trao đổi, tính toán tới việc cấp C/O điện tử với EU”, ông Thành thông tin./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết