Tiếng Việt | English

20/04/2017 - 19:46

Kỷ niệm Ngày sách Việt Nam 21/4:

Đọc sách - thói quen tốt cần hình thành và duy trì cho trẻ

Khi công nghệ thông tin phát triển, các phương tiện nghe nhìn hiện đại dần lấn át văn hóa đọc. Không chỉ riêng người lớn, trẻ em càng dễ bị “cuốn” vào các trò chơi điện tử, internet, chương trình truyền hình, ứng dụng trên các thiết bị kỹ thuật số,... Và, hiện nay, việc đọc sách dường như cũng kém hấp dẫn hơn so với nhiều năm về trước.

Đọc sách là thói quen tốt cần duy trì ngay từ khi còn nhỏ

Trẻ “quên” dần thói quen đọc sách

So với nhiều năm trước, ngày nay, nhiều trẻ dần quên đi thói quen hoặc không thấy hứng thú với việc đọc sách. Một cô bé, cậu bé tay “khư khư” một chiếc điện thoại di động, chiếc máy tính bảng hay “dán” mắt vào màn hình máy tính chơi game là hình ảnh khá phổ biến hiện nay.

Điều này cũng có một phần lý do vì cha mẹ các cháu cần “rảnh tay” để làm việc. Hoặc đây là một “chiêu” dỗ trẻ khi trẻ biếng ăn hoặc không nghe lời. Thế nên, với thế giới bao la, hấp dẫn giữa các trò chơi, phim hoạt hình hay các ứng dụng vui,... đọc sách kém thu hút là điều hiển nhiên.

Chị Trần Thị N.T. (phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An) cho biết: “Tôi có một con gái 8 tuổi. Vợ chồng làm việc bận rộn nên gửi cháu cho bà nội giữ ngay từ khi còn nhỏ. Mỗi lần cho cháu ăn hay bận việc thì bà bật tivi hoặc máy vi tính cho cháu chơi, dần dần, cháu “nghiện” các chương trình truyền hình, trò chơi điện tử hơn là đọc sách, dù trước khi đi ngủ, vợ chồng tôi thường kể chuyện cổ tích cho cháu nghe và cũng thường mua sách, truyện tranh cho cháu đọc”.

Nhà trường có vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ

Sức hút từ các thiết bị công nghệ hiện đại chỉ là nguyên nhân khách quan, trẻ không có thói quen đọc sách cũng có nguyên do từ chính các bậc phụ huynh. Cha mẹ không dành nhiều thời gian bên cạnh trẻ, ít quan tâm nên quên khuyến khích trẻ đọc sách.

Rõ ràng, với lứa tuổi thích khám phá, trẻ em dễ bị các hình ảnh sống động, các trò chơi vui nhộn cuốn hút. Những quyển sách với chi chít con chữ đơn điệu, hình ảnh trắng đen, bất động,... khó lòng cạnh tranh với sức hút từ các thiết bị kỹ thuật số.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) - Trương Thành Thông, cho biết: “Việc ít đọc sách, thậm chí là không thích đọc sách lâu dần sẽ dẫn đến nhiều hệ quả, nhiều trẻ vốn từ trở nên nghèo nàn, trí tưởng tượng bị thu hẹp, vốn sống, sự cảm nhận về cái hay, cái đẹp của ngôn từ cũng trở nên hạn chế. Đọc sách cũng góp phần giúp trẻ yêu thích các môn học xã hội, đặc biệt là Văn học. Trẻ phát triển khả năng tư duy, cảm thụ tác phẩm, nhân vật dễ dàng hơn, diễn đạt lưu loát hơn”.

Để đọc sách trở thành niềm đam mê

Chưa thể khẳng định giữa internet, mạng xã hội với sách, báo - cái nào bổ ích hơn. Tuy nhiên, chắc hẳn rằng, thông tin từ internet sẽ khó kiểm soát, chọn lọc bằng nguồn kiến thức từ trang sách. Dù xã hội phát triển đến đâu thì sách vẫn có một giá trị nhất định. Sách giúp trẻ tiếp cận nguồn tri thức vô tận, mang đến cho trẻ sự hiểu biết, phong phú vốn từ và bổ trợ rất lớn cho việc học.

Do đó, phụ huynh cần định hướng cho trẻ niềm yêu thích đọc sách ngay từ khi còn nhỏ với những thể loại phù hợp lứa tuổi. Một khi “phát hiện” được sự thú vị từ sách, trẻ sẽ dần hình thành thói quen tốt này.

Chị Nguyễn Thị Mộng Hà (phường 3, TP.Tân An) cho biết: “Con gái tôi đang là học sinh lớp 3, Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, TP.Tân An. Từ khi cháu chưa biết chữ, tôi mua truyện tranh với nhiều hình ảnh minh họa sinh động và đọc cho cháu nghe, dù cháu vẫn rất thích sử dụng điện thoại của ba mẹ. Tôi quy định rõ ràng, thời gian chơi game, xem tivi để cháu không phụ thuộc vào các thiết bị này. Cuối tuần, vợ chồng tôi thường dẫn cháu đi nhà sách hoặc mượn sách của các anh chị họ cho cháu đọc. Nhờ vậy mà cháu rất thích đọc sách; dịp sinh nhật, cháu cũng muốn ba mẹ tặng sách thiếu nhi và truyện tranh”.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng có vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ. Trong đó, từ sự động viên của thầy cô, các hình thức thu hút trẻ với phong trào đọc sách.

Cô Đỗ Thị Kim Tuyến - cán bộ Thư viện, Thiết bị, Trường Tiểu học thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chia sẻ: “Chúng tôi phải cập nhật thường xuyên sách mới để phục vụ các em. Toàn trường hiện có hơn 6.300 quyển, mỗi năm học bổ sung từ 300-400 quyển sách mới nhưng chỉ đáp ứng một phần yêu cầu của “độc giả nhí”. Do đó, nhà trường cũng tăng cường xã hội hóa và nhận được sự hỗ trợ từ Nhà Xuất bản Kim Đồng, Nhà Xuất bản Trẻ,... để có thêm nguồn sách cho học sinh. Nhằm thu hút học sinh, chúng tôi thường xuyên tổ chức các hoạt động: Ngày hội đọc sách, trưng bày sách ở sân trường, thi kể chuyện theo sách về Bác, đóng tiểu phẩm theo sách,... Chúng tôi còn cho các cháu giới thiệu sách mới vào buổi chào cờ, phát thanh măng non, dán ở bảng tin tuyên truyền,...”.

Thói quen đọc sách cần hình thành và duy trì cho trẻ

Khi các em cảm thấy “đói” sách, có nghĩa là các em dần hình thành tình yêu với sách. Bên cạnh đó, ngày nay, sách không chỉ đơn thuần là hiện vật cầm được trên tay, người đọc sách hiện đại còn có thể đọc sách bằng e-book, sách nói,... Do đó, phụ huynh có thể cho trẻ đọc dưới nhiều hình thức để duy trì thói quen bổ ích này.

Sách là kho tàng tri thức vô giá của nhân loại, là một trong những người thầy thầm lặng của trẻ nhỏ. Sách là “món ăn” tinh thần nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của mỗi con người. Do đó, đọc sách là thói quen cần rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Một khi trẻ có được niềm đam mê đọc sách, nhân cách, kiến thức của trẻ dần được vun bồi qua từng ngày để trưởng thành một cách toàn diện nhất./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích