Vượt qua gian khó
Trong những năm kháng chiến, xã Quê Mỹ Thạnh cùng với xã Mỹ Bình (nay thuộc xã Tân Bình), huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, là chặng cuối cùng của tuyến hành lang chiến lược của ta từ phía Nam vượt lộ 4 lên các huyện phía Bắc của tỉnh và là cửa ngõ từ Bắc lộ 4 xuống. Đồng thời, xã còn tiếp giáp hương lộ 3 về Tân Trụ, hương lộ 5 về Nhựt Tảo, đóng vai trò là cầu nối liên hoàn cho các lõm căn cứ của ta trong khu vực.
Với vị trí chiến lược quan trọng, xã Quê Mỹ Thạnh trở thành địa bàn tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch. Trên mảnh đất này, địch đã trút hàng ngàn tấn bom, đạn, tấn công vô cùng ác liệt, làm thiệt hại hầu hết nhà cửa, ruộng vườn. Vượt qua tất cả hiểm nguy, người dân nơi đây vẫn hết lòng đùm bọc, chở che, tiếp tế cho bộ đội và động viên con, em mình lên đường chiến đấu. Khi giặc bình định trắng, người dân đào hầm, nuôi giấu rồi làm liên lạc cho lực lượng cách mạng tiến đánh đồn bót, diệt ác, trừ gian. Ở một xã đất không rộng, người không đông nhưng trong 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, có 467 người con của Quê Mỹ Thạnh trực tiếp tham gia chiến đấu và 169 người đã anh dũng hy sinh.
Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, có 169 người con của xã Quê Mỹ Thạnh đã anh dũng hy sinh
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phát huy truyền thống cách mạng của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quê Mỹ Thạnh nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương. Năm 2015, xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 56 triệu đồng/năm. Hộ nghèo chỉ còn 41 hộ. Hệ thống hạ tầng nông thôn: Điện, đường, trường, trạm thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Cùng với đó, xã luôn quan tâm thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công; hỗ trợ, giúp đỡ những hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chủ tịch UBND xã Quê Mỹ Thạnh - Nguyễn Văn Phương cho biết, dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022, xã đã vận động, tiếp nhận 961 phần quà, tổ chức các đoàn đến thăm hỏi, động viên các gia đình. Ngoài ra, xã còn bàn giao 2 căn nhà tình thương, 1 căn nhà Đồng đội, giới thiệu việc làm cho 123 lao động.
Nhớ lại những ngày gian khó, ông Nguyễn Lộc Thọ (SN 1948) - cựu chiến binh, ngụ ấp 3, xã Quê Mỹ Thạnh, không khỏi vui mừng: “Ngày trước, nơi này gần như trở thành “vùng trắng”. Đường sá nhỏ, hẹp, hầu hết là đường đất. Người dân chủ yếu trồng lúa nhưng việc sản xuất không thuận lợi do chưa có đê bao. Trường, trạm thì thiếu, đời sống người dân khổ cực muôn phần. Cũng nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, những năm gần đây, diện mạo của xã không ngừng đổi mới, KT - XH ngày càng phát triển”.
Vững bước đi lên
Mỗi khi nhắc đến truyền thống đấu tranh cách mạng, người dân xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, ai nấy đều tự hào. Nơi đây giữ một vị trí rất quan trọng, nằm ở cửa ngõ biên giới Việt Nam - Campuchia, trên đường hành lang chiến lược của lực lượng cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; là căn cứ địa của lực lượng yêu nước và cách mạng qua các thời kỳ. Đảng bộ, quân và dân trong xã dưới sự lãnh đạo của Đảng đã dũng cảm chiến đấu cho đến ngày toàn thắng. Tuyên Thạnh vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 1998.
Theo lời kể của các cụ cao niên, những năm đầu sau giải phóng, xã Tuyên Thạnh chỉ có 1.500ha lúa làm 1 vụ, năng suất chỉ có 1,5 - 2 tấn/ha/năm. 90% người dân trong xã thuộc diện đói nghèo, sống chủ yếu bằng độc canh cây lúa, đánh bắt cá đồng và khai thác đất phèn để trồng tràm. Từ năm 1978 trở đi, người dân mới bắt đầu làm lúa ngắn ngày nhưng năng suất thấp do chưa có kinh nghiệm và hệ thống thủy lợi chưa được xây dựng.
Việc chăm lo cho hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn luôn được xã Tuyên Thạnh quan tâm
Ấy thế mà nay, xã anh hùng vững bước đi lên, vượt qua khó khăn, thử thách. Với sự quan tâm đầu tư của cấp trên, sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Tuyên Thạnh đã đạt chuẩn NTM và đang phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao. Toàn xã chỉ còn 17 hộ nghèo, chiếm 0,92%. Trên 99% hộ dân có điện và nước hợp vệ sinh để sử dụng. Diện tích gieo sạ lúa khoảng 5.500ha/năm, năng suất bình quân đạt 76 tạ/ha lúa tươi, tổng sản lượng đạt gần 41 ngàn tấn, lợi nhuận trung bình từ 45-47 triệu đồng/ha.
Bà Trần Thị Điệp (ấp Bình Tây, xã Tuyên Thạnh) phấn khởi nói: “Cũng nhờ chương trình xây dựng NTM, địa phương mới đổi thay nhiều như vậy. Giờ đây, tất cả trẻ em được học tập trong những ngôi trường khang trang. Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Việc đi lại không còn phụ thuộc vào ghe, xuồng. Qua vận động và phát huy truyền thống anh hùng, người dân tích cực đóng góp sức người, sức của, thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm trong xây dựng quê hương”.
Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, công tác an sinh xã hội luôn được địa phương đặc biệt quan tâm. “Hàng năm, Đảng ủy, UBND xã Tuyên Thạnh lãnh, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời việc trợ cấp cho các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội theo đúng quy định; đồng thời, vận động nhiều nguồn lực xã hội hóa để chăm lo, hỗ trợ những gia đình nghèo, gặp khó khăn, giúp họ có điều kiện vươn lên trong cuộc sống” - Chủ tịch UBND xã Tuyên Thạnh - Huỳnh Thanh Vinh thông tin.
Ngày càng khởi sắc
Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Bình Hòa Trung, huyện Mộc Hóa (giai đoạn 1945-2008) ghi rõ, nơi đây từng là địa bàn chiếc lược, cửa ngõ để làm bàn đạp cho ta tấn công địch vào thị xã Kiến Tường (huyện Mộc Hóa trước đây), cũng là địa bàn để địch đánh vào vùng căn cứ cách mạng. Và đây còn là hành lang chiến lược nối liền chiến trường miền Đông, miền Tây và Trung Nam bộ.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, quân và dân trong xã đã tham gia nhiều trận đánh lớn, nhỏ, bền bỉ bám đất, giữ làng. Dù phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh nhưng quân và dân nơi đây vẫn một lòng đi theo Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng, chiến đấu với tinh thần quả cảm, kiên cường.
Bình Hòa Trung đón nhận danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới
Khi hòa bình lập lại, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy và chính quyền xã, Bình Hòa Trung từng bước khôi phục lại tất cả. Đặc biệt là từ khi thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, xã đã có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. Hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ: Trên 95% đường giao thông nông thôn đã được cứng hóa; trường tiểu học và trường mẫu giáo đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 99,8% người dân có điện sử dụng;...
Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Trung - Võ Thị Cẩm Tú thông tin: Hệ thống đê bao của xã được đầu tư, nâng cấp thường xuyên đã góp phần quan trọng giúp người dân sản xuất lúa, rau màu thuận lợi, đạt hiệu quả cao hơn. Song song đó, người dân còn được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật tiên tiến để áp dụng vào sản xuất. Những hộ nghèo thì được hỗ trợ tư liệu sản xuất, vay vốn với lãi suất ưu đãi để trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt trên 50,7 triệu đồng/năm, tăng 19 triệu đồng so với năm 2015.
Sau nhiều nỗ lực, phấn đấu, Bình Hòa Trung vinh dự là xã đầu tiên của huyện Mộc Hóa được công nhận danh hiệu xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Vùng đất từng bị bom cày, đạn xới nay “hồi sinh” với những cánh đồng lúa, dưa hấu bạt ngàn. Nhiều tuyến đường trải nhựa, bêtông sạch sẽ, rộng rãi. Nhà cửa được xây dựng kiên cố, khang trang hơn. 4/4 ấp có nhà văn hóa, duy trì tốt sinh hoạt câu lạc bộ và tổ chức các phong trào văn nghệ, thể thao, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
47 năm trôi qua từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất và 36 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, những vùng kháng chiến năm nào đã được “thay da, đổi thịt”, khoác lên mình diện mạo mới, đầy sức sống. Đây là nền tảng để các địa phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới, xứng đáng với truyền thống anh hùng./.
An Kỳ