Tiếng Việt | English

05/09/2018 - 19:18

Đổi thay trên vùng đất anh hùng

Trở lại xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chúng tôi không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi vượt bậc của một vùng quê nghèo giàu truyền thống cách mạng. Nơi từng chịu bao bom đạn của kẻ thù năm xưa, nay trở thành những cánh đồng lúa trù phú, giao thông được rộng mở, trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Bia ghi dấu chiến thắng 3 trận đánh Thạnh Phước mùa khô năm 1965-1966

Những năm tháng hào hùng

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Thạnh Phước là cửa ngõ của căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười. Giặc Pháp muốn hành quân càn quét vào căn cứ cách mạng, khi đi ngang qua đây đều bị du kích xã đánh chặn, vừa cầm chân, làm tiêu hao sinh lực địch, vừa đánh động, báo hiệu cho quân ta ở tuyến sau chuẩn bị chiến đấu. Những năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đây là nút giao thông huyết mạch để vận chuyển vũ khí, đạn dược, hành quân di chuyển từ căn cứ Ba Thu, từ miền Đông xuống các tỉnh phía Tây, giữ vững đường dây liên lạc chỉ đạo của các cơ quan kháng chiến Nam bộ đối với các tỉnh phía Nam. Thạnh Phước còn là nơi mở màn cho đợt Đồng khởi năm 1960, để rồi sau đó tiếp tục lập nên nhiều chiến công vẻ vang, góp phần to lớn vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, giải phóng đất nước.

Cũng tại nơi đây, trong vòng 92 ngày đêm, từ ngày 19/12/1965 đến 20/3/1966, quân và dân Kiến Tường cùng các Tiểu đoàn 263, 267, 269 của Quân khu 8 liên tục đánh 3 trận diệt gọn 1 tiểu đoàn, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn biệt kích ngụy, loại khỏi vòng chiến đấu 430 tên địch, bắn rơi 2 máy bay lên thẳng, thu 230 súng và nhiều chiến lợi phẩm. Chiến thắng Thạnh Phước một lần nữa tô thắm thêm chiến công của quân và dân ta trên vùng 6 Kiến Tường (nay là huyện Thạnh Hóa), góp phần khai thông hành lang chiến lược từ biên giới xuống chiến trường trọng điểm của Trung và Tây Nam bộ.

Các đài nước được quan tâm xây dựng, người dân không còn sử dụng nước kênh, rạch để sinh hoạt

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phước - Hồ Văn Tùng tự hào: “Truyền thống vẻ vang, hào hùng đó mãi mãi là nguồn động viên to lớn để Đảng bộ và nhân dân Thạnh Phước phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ đổi mới, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Tiếp bước cha ông

Theo lời kể của ông Bùi Văn Lợi, ngụ ấp Cả Sáu, trước đây, Thạnh Phước là vùng đất trũng thấp, chua phèn, mùa lũ nước ngập sâu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trong suốt những năm chiến tranh, nơi đây là một trong những địa phương bị bom đạn tàn phá. Vậy mà đến nay, hệ thống điện, đường, trường học, trạm y tế xã đều được đầu tư xây dựng kiên cố, khang trang. Sản xuất ngày càng thuận lợi, năng suất lúa trung bình đạt 7,5 tấn/vụ/năm. Thu nhập bình quân đầu người đạt 37,5 triệu đồng/năm (năm 2011 là 18 triệu đồng/năm). Hộ nghèo chỉ còn 47 hộ, chiếm 2,3%. Sau nhiều năm nỗ lực, vừa qua, xã Thạnh Phước được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Hồ Văn Tùng thông tin thêm: “Những năm qua, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, rất nhiều công trình hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Người dân hiến gần 40ha đất, 58 tỉ đồng và nhiều ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới. Nổi bật có thể kể đến các công trình: Đường Bình Phước 2 (ấp Cả Sáu), đường 30-4 (ấp Đá Biên, Ông Quới, Thạnh Trung) hay đường nhựa 79 (ấp Đá Biên),...”.

Việc xây dựng đường Bình Phước 2 giúp người dân ấp Cả Sáu không còn phụ thuộc vào ghe, xuồng

Việc xây dựng đường Bình Phước 2 giúp người dân ấp Cả Sáu không còn phụ thuộc vào ghe, xuồng

Không giấu được nhiềm vui trước sự đổi thay của quê hương mình, Trưởng ấp Cả Sáu - Tống Văn Thủ bộc bạch: “Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là thông qua chương trình Về nguồn năm 2012, đời sống người dân ấp Cả Sáu nói riêng và người dân Thạnh Phước nói chung như bước sang một trang mới. Giờ đây, người dân đi lại chủ yếu bằng xe máy, không còn phụ thuộc vào ghe, xuồng. Điện, nước cũng được đầu tư, không còn cảnh người dân sử dụng bình ắc-quy để thắp sáng và sinh hoạt bằng nước lấy từ các kênh, rạch. Trẻ em được đến trường học tập, sức khỏe của nhân dân được chăm sóc tốt hơn. Với chúng tôi, còn niềm vui nào hơn thế nữa!”.

Với truyền thống cách mạng và nền tảng về KT-XH mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân chung tay vun đắp trong thời gian qua, tin rằng, xã anh hùng Thạnh Phước tiếp tục phát triển, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng xã văn hóa, nông thôn mới của địa phương./.

An Kỳ

Chia sẻ bài viết