Tiếng Việt | English

10/09/2015 - 09:04

Long An: Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo

Đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội

Phát triển đồng bộ nguồn nhân lực - giải quyết việc làm - giảm nghèo (Chương trình số 11-CTr/TU) là 1 trong 4 chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX. Sau hơn 4 năm tổ chức thực hiện, chương trình đã đạt những kết quả quan trọng, tạo điều kiện thúc đẩy KT-XH phát triển, nhất là công tác dạy nghề được chú trọng.

Chương trình đã có tác động tích cực đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa,... Hệ thống kết cấu hạ tầng ở khu vực nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống người dân được cải thiện; quy chế dân chủ ở cơ sở được phát huy, khơi dậy tình làng, nghĩa xóm, tạo lòng tin trong nhân dân.

Bài 1: Chung tay thực hiện chương trình

Được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH, Long An đã có những kế hoạch, cơ chế nhằm tăng cường nguồn lực, tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, thay đổi diện mạo nông thôn. Từ đó, chương trình đã tạo được sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị và sự đồng thuận từ nhân dân.

Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình          Ảnh: TPNN

Liên kết vận hành chương trình

Ngay từ khi bắt đầu, chương trình đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm và xem đây là một trong những nhiệm vụ có tính chiến lược để phát triển KT-XH. Các ban, ngành, đoàn thể đã kết hợp, lồng ghép nhiều mô hình, dự án gắn với hoạt động của mình, tạo sự phối hợp đồng bộ để “vận hành” chương trình hiệu quả.

Hơn 4 năm qua, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tập trung quyết liệt cho công tác dạy nghề, mức độ xã hội hóa ngày càng cao, huy động nguồn lực từ nhân dân và doanh nghiệp. Nhiều mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, những mô hình, dự án, các tổ hợp tác sản xuất đã góp phần giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo,...

Chị Nguyễn Thị Hoa, thành viên Tổ đan manh thưa ấp Đông Hòa, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa cho biết: “Từ khi tham gia tổ hợp tác, thu nhập của gia đình tôi đủ để trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học. Mỗi ngày, tôi đan được từ 70-100 tấm manh với giá 1.600 đồng/tấm, trung bình mỗi tháng được trên 2 triệu đồng. Khi chưa thành lập tổ, tôi đan manh gia công cho đại lý ở Tiền Giang, thu nhập không nhiều mà còn vất vả trong việc đi lấy bàng, ép bàng và bị đại lý ép giá”.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, không thể thiếu vai trò của ngành Nông nghiệp. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã gắn được trách nhiệm quản lý sản xuất nông nghiệp với việc chuyển giao khoa học-kỹ thuật, nâng cao tay nghề cho lao động. Từ đó, công tác đào tạo nghề ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn. Từ năm 2013, Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao chủ trì công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn. Đến nay, sở đã tổ chức được trên 300 lớp với gần 10.000 lượt người tham dự. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề trên 90%.

Đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, chương trình phổ cập giáo dục trung học giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020 cũng được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt. Công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp đạt chuẩn được quan tâm đầu tư theo hướng xã hội hóa. Phương pháp dạy học luôn được đổi mới, thường xuyên ứng dụng thực hành và liên hệ thực tế trong các môn học. Chất lượng dạy ngoại ngữ, tin học, giáo dục pháp luật, thể chất, kỹ năng sống được nâng cao. Song song đó, phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, trợ giúp học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được mở rộng.

Em Nguyễn Lê Thu Hương, học sinh lớp 12T1, Trường THPT Cần Đước (huyện Cần Đước) chia sẻ: “Gia đình em rất khó khăn, ba bị bệnh nên chỉ có mình mẹ làm thuê nuôi em ăn học. Được sự quan tâm của các cấp, các ngành và nhà trường, gia đình em được trao tặng căn nhà tình thương vào năm 2012 và thường xuyên được nhận học bổng, tập sách. Nhờ vậy, em cảm thấy an tâm, có thêm động lực tiếp tục con đường học vấn".


Hội viên Hội Phụ nữ được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để vươn lên thoát nghèo

Tập trung huy động nguồn lực

Thời gian qua, nguồn vốn Trung ương cho Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và đầu tư kinh phí thực hiện các chính sách là 1.557.130 triệu đồng. Ngân sách địa phương đầu tư hạ tầng thiết yếu cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, dạy nghề cho lao động nông thôn, đồng thời thực hiện các chế độ, chính sách đặc thù với số tiền 111.291 triệu đồng. Bên cạnh đó, nguồn vận động từ các nguồn quỹ (Vì người nghèo, Khuyến học, Tấm lòng vàng,...) 242.826,04 triệu đồng.

Ngoài ra, đóng vai trò quan trọng trong công tác giảm nghèo chính là nhờ sự phối hợp chặt chẽ từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Long An. Từ năm 2010-2015, doanh số cho vay đối với hộ nghèo 922.218 triệu đồng, hộ cận nghèo 406.019 triệu đồng. Lãi suất ưu đãi của hộ nghèo 0,55%/tháng và hộ cận nghèo 0,66%/tháng; thời gian vay có thể là trung hạn (1-5 năm) hoặc ngắn hạn (dưới 12 tháng).

Đến thời điểm này, hộ cận nghèo còn dư nợ 23.709 hộ và hộ nghèo 16.918 hộ. Nhờ nguồn vốn tín dụng được cung ứng kịp thời cho các hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện sản xuất, kinh doanh đã giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo và hoàn trả vốn vay đúng hạn.Thời gian qua, NHCSXH đã thu hồi nợ được 29.100 hộ nghèo. Đồng thời, tiếp tục cho vay vốn để tạo điều kiện cho các hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững.

Một trong những gương điển hình vượt khó vươn lên thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH là chị Nguyễn Thị Hiếu, ngụ khu phố Thọ Cang, phường 5, TP.Tân An. Ban đầu, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn, sống chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập của chồng làm công nhân. Năm 2013, chị vay 30 triệu đồng từ NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ phường 5. Từ số tiền này, chị đầu tư nuôi 1 con bò sữa và làm chuồng. Hiện nay, chị đã hoàn vốn cho NHCSXH. Đàn bò của chị giờ được 2 con bò sữa và 2 bò con. Thời gian tới, chị dự định mở rộng thêm chuồng trại và mua thêm 2 con bò nuôi lấy sữa.

Chính nhờ sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành cùng sự đồng lòng của người dân mà chương trình đã được thực hiện đúng hướng, đúng tiến độ. Từ đó, các hộ nghèo đã ổn định được cuộc sống, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, các công trình thiết yếu tại các xã đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đã được đầu tư phát triển, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trần Thị Ráo, ấp Lăng, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước

Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Hai vợ chồng không có ruộng đất, đi làm thuê để nuôi con ăn học, bữa có, bữa không nên cuộc sống rất bấp bênh. Đến năm 2011, tôi được vay 20 triệu đồng từ NHCSXH thông qua Hội Phụ nữ xã để mua máy xe nhang. Với 1 bó nhang, tôi lời được trên 3.000 đồng; trung bình mỗi ngày, tôi thu nhập hơn 100.000 đồng, cộng với tiền làm thuê của chồng thì tạm đủ sống. Từ năm 2013, tôi đã thoát nghèo, nuôi 2 con học cao đẳng, cuộc sống đỡ khó khăn hơn ngày trước rất nhiều.

Nguyễn Thị Thu Trang - Chuyên viên Phòng Chăn nuôi, Sở NN&PTNT

Tôi tốt nghiệp ngành Bác sĩ thú y và được đi du học thạc sĩ từ Chương trình Mekong 1000 tại Hungary từ năm 2011-2013, ngành Dinh dưỡng động vật và an toàn thức ăn chăn nuôi. Trong quá trình học, tôi được Nhà nước hỗ trợ toàn phần về học phí và vấn đề ăn, ở tại nước ngoài. Khi về làm việc tại tỉnh nhà, tôi đã cố gắng đem những kiến thức mình đã học ứng dụng vào công việc như: Những vấn đề tư vấn về dinh dưỡng, công thức thức ăn, tham mưu đánh giá thức ăn trong chăn nuôi,... Thời gian tới, tôi mong Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ cán bộ, viên chức có điều kiện học nâng cao kiến thức để phục vụ nhiều hơn nữa cho tỉnh nhà.

 

Ng.Thạch - H.Phong - P.Ngân - K.Ngọc

 

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích