Tổng thống Nga Vladimir Putin đang tăng cường thực thi các biện pháp bảo vệ nền kinh tế của nước này trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột Syria, Ukraine và an ninh mạng, can thiệp bầu cử… kể từ đầu năm 2018 đến nay. Theo giới phân tích, những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn của Mỹ có thể tác động đến triển vọng kinh tế về lâu dài của Nga, nhưng nó sẽ không tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền chính trị của nước này, đặc biệt là vai trò cầm quyền của Tổng thống Putin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters
Các lệnh trừng phạt liên tiếp của Mỹ
Mỹ đã áp đặt trừng phạt về kinh tế đối với Nga ít nhất 6 lần trong vài tháng qua, nhằm vào các nhà quản lý mạng, ngân hàng, giới tài phiệt và một số công ty vận tải biển của Nga.
Trong một động thái mới nhất, ngày 21/8, Bộ Tài chính Mỹ đã trừng phạt 2 công ty vận tải biển và 6 tàu của Nga với cáo buộc tham gia vận chuyển các sản phẩm xăng dầu cho tàu của Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm của Liên Hợp Quốc. Đến ngày 23/8, Bộ này thông báo, gói các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga với cáo buộc Nga liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal tại Anh sẽ có hiệu lực vào ngày 27/8.
Giới phân tích cho rằng, những biện pháp mới nêu trên cùng với dự luật mang tên "Bảo vệ an ninh Mỹ trước hành động gây hấn của Nga" (gọi tắt là DASKAA) đang được xem xét tại Quốc hội có thể là “cú đòn giáng mạnh hơn” vào nền kinh tế Nga. Đến thời điểm hiện tại, Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ đã đưa vào danh sách đen 491 cá nhân và thực thể của Nga, 146 cá nhân và thực thể của Trung Quốc và 335 của Iran.
Bộ trưởng kinh tế Nga Maxim Oreshkin hôm 22/8 đã phải thừa nhận, sức ép từ lệnh trừng phạt của Mỹ và các cuộc khủng hoảng trên thị trường mới nổi đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế Nga, làm tổn thương hệ thống tiền tệ và lưu thông dòng vốn. Ông Maxim Oreshkin cho biết, các dự báo được cập nhật vào tuần tới sẽ cho thấy mức tăng trưởng GDP (Tổng sản phẩm quốc nội) thấp hơn so với dự đoán, kèm theo đó là sự suy yếu hơn của đồng rúp.
Phát biểu với báo chí tại thành phố Sochi, ông Maxim Oreshkin nói: “Lệnh trừng phạt của Mỹ kết hợp với sự bất ổn trên thị trường tài chính ở Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Brazil khiến tăng trưởng kinh tế của Nga trong năm 2018 dự kiến ở mức 1,8% thấp hơn so với đánh giá ban đầu là 1,9%”.
Vị quan chức này nhấn mạnh, những thay đổi trong dự báo chính thức cho thấy thách thức mà chính phủ đang phải đối mặt khi nỗ lực khôi phục tăng trưởng kinh tế để đáp ứng các mục tiêu đầy hoài bão của Tổng thống Nga Putin. Trong phiên giao dịch ngày 23/8, đồng rúp của Nga đã giảm giá xuống mức thấp nhất so với đồng USD trong hơn 2 năm qua và đây là ngày thứ 5 liên tiếp đồng rúp sụt giảm giá trị.
Trong một động thái nhằm ổn định hệ thống tiền tệ, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố cơ quan này sẽ không mua ngoại tệ từ ngày 23/8 đến cuối tháng 9, nhằm giúp cân bằng những tác động từ việc giá dầu mỏ lên xuống thất thường có ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị đồng rúp.
Tuyên bố của Ngân hàng trung ương ngày 23/8 nêu rõ: “Giải pháp này được đưa ra nhằm giảm sự biến động trên thị trường tài chính và quyết định có tiếp tục mua bán ngoại tệ hay không phụ thuộc vào tình hình trên thị trường tài chính sau thời hạn trên.” Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov cho biết, Bộ này đang cân nhắc việc chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ rúp để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Kremlin đối phó như thế nào?
Giới phân tích cho rằng, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát thì có ít khả năng cho thấy các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ khiến nền kinh tế Nga sụp đổ. Alexander Abramov, chuyên gia cao cấp về Thị trường chứng khoán tại trường Cao học Kinh tế ở Moskva nhận định: “Các biện pháp trừng phạt chưa thể phá vỡ sự ổn định kinh tế vĩ mô của Nga song nó sẽ cản trở lộ trình phát triển. Xét đến việc đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng và cải cách cơ cấu kinh tế một cách hiệu qủa, các biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại cho Nga ở những lĩnh vực này”.
Các nhà kinh tế học nhận định, Nga có rất nhiều nguồn lực để ngăn các biện pháp trừng phạt gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng có nguy cơ làm suy yếu vai trò cầm quyền của Tổng thống Putin. Trong bối cảnh Mỹ liên tục gây sức ép, ông Putin đang xem xét đến một giải pháp có khả năng giúp ông vượt qua những thách thức, đó là ưu tiên ổn định thay vì tăng trưởng kinh tế. Nhà phân tích kinh tế Vladimir Milov cho biết: “Họ (tức Nga) sẽ không làm việc theo mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Họ sẽ hướng đến mục tiêu củng cố tài chính vì thế trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng mới họ sẽ thấy tự tin hơn để ứng phó”. Tuy nhiên, ông Vladimir Milov cho rằng, giải pháp này có thể ảnh hưởng tới triển vọng phát triển kinh tế dài hạn của Nga.
Phát biểu trên Đài truyền hình Nga tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố: “Chúng tôi sẽ không lãng phí tất cả các nguồn lực ngay bây giờ. Chúng tôi hiểu rất rõ tình hình, cùng những khó khăn tiềm ẩn và chúng tôi phải có “kho dự trữ” dành cho sự ổn định”. Điều này được thể hiện qua việc Nga đã bơm hàng tỷ USD cho Quỹ Phúc lợi quốc gia và quỹ dự trữ của Ngân hàng trung ương. Dự trữ vàng của Nga đến thời điểm hiện tại đã tăng lên gần 80 tỷ USD, cao gấp đôi so với thời điểm 5 năm trước đây.
Bên cạnh đó, Điện Kremlin cũng đang xem xét một biện pháp quyết liệt hơn để đảm bảo sự ổn định về tài chính, là đề xuất tăng thuế lên đến 7,5 tỷ USD/ năm đối với ngành khai thác khoáng sản và các doanh nghiệp được hưởng lợi từ sự trượt giá của đồng rúp. Ông Lilit Gevorgyan, chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu IHS Markit ở London cho biết, việc đồng rúp giảm giá trị do ảnh hưởng của lệnh trừng phạt, sẽ hỗ trợ lĩnh vực xuất khẩu của Nga, đặc biệt là các công ty năng lượng.
Trong bản đánh giá nền kinh tế Nga hồi tháng 5 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF cho biết, tăng trưởng GDP của Nga đã bị chững lại và tụt hậu so với nhiều quốc gia Đông Âu khác, tuy nhiên cơ quan này lại đánh giá cao chính phủ trong việc tạo ra “khuôn khổ chính sách kinh tế vĩ mô mạnh mẽ”, giúp đối phó với sự bất ổn trong bối cảnh tình hình địa chính trị trên thế giới đang có nhiều biến động. Tại Nga, nhiều học giả có quan điểm đối lập với chính phủ cũng phải đặt câu hỏi về sự khôn ngoan của Mỹ khi áp đặt trừng phạt đối với Nga, nhấn mạnh, điều đó sẽ làm gia tăng các ý kiến bênh vực Kremlin vì cho rằng Nga đang bị Mỹ bao vây cấm vận./.
Theo VOV.VN