Tiếng Việt | English

16/04/2017 - 10:13

Đồng Tháp dùng “Canh tân Hội quán” thúc đẩy nông dân liên kết làm ăn

Đây là mô hình đang làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, hướng đến sản xuất hàng hóa nông sản uy tín, chất lượng.

Xong việc ruộng vườn, khoảng 18 giờ chiều thứ 7 hàng tuần, nông dân trong xã An Nhơn, huyện Châu Thành lại đến với Canh Tân hội quán để bàn cách làm ăn, bàn chuyện xóm, chuyện làng.

Đây là mô hình mới được thực hiện đầu tiên tại Đồng Tháp với hy vọng thay đổi cách nghĩ, cách làm của người nông dân, hướng đến sản xuất hàng hóa nông sản uy tín, chất lượng.

Theo ông Lê Minh Hoan (Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp), Hội quán là tập hợp của những người nông dân muốn thay đổi
Ông Nguyễn Thanh Bình (ở ấp An Hòa, xã An Nhơn) cho biết, trước đây bà con nông dân vẫn làm ăn canh tác theo kiểu mạnh ai nấy làm, khi thu hoạch đã dẫn đến tình trạng “đụng hàng dội chợ”. Gần đây, nhờ có hội quán là nơi sinh hoạt, chia sẻ thông tin chung đã hạn chế tình trạng này.

“Bà con mình tụ họp tại hội quán cùng bàn chuyện đời sống, chuyện nhà cửa, đất đai, chuyện sản xuất, giống cây trồng. Canh tân hội quán này đang chứng tỏ và mang nét văn hóa rất hay và rõ nét ở vùng quê”, ông Bình cho biết.

Mô hình Canh Tân hội quán được thành lập vào khoảng tháng 5/2016, tại xứ nhãn ấp cù lao An Hòa thuộc xã An Nhơn, huyện Châu Thành. Đến nay, hội quán thứ 13 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã ra mắt tại huyện Tam Nông.

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp – người nặng lòng với đề án Tái cơ cấu nông nghiệp cũng là người khởi xướng mô hình hội quán nông dân cho biết, đây là nơi để bà con cùng tụ họp để đồng tâm hiệp lực, đổi mới cách sản xuất, làm ăn hiệu quả.

Tùy điều kiện mỗi nơi, mà cuối mỗi tuần hay cách nửa tháng, sau khi xong việc sản xuất, việc nhà trong ngày, bà con ngồi lại với nhau bên ly trà để cùng bàn chuyện canh tác, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn hiệu quả, rồi đến góp ý, tâm tình.

“Mọi câu chuyện dẫn đến thất bại của nhà nông từ trước đến giờ đều là do thiếu tính hợp tác, khi mỗi người trồng một loại cây khác nhau sẽ dẫn đến phá nhau. Nếu không có HTX sẽ không có sản xuất lớn trong khi sản xuất nhỏ chi phí cao, không cạnh tranh được. Do đó, muốn người dân hợp tác trong sản xuất, cần phải hợp tác trong cuộc sống. Hội quán ra đời trước tiên để bà con ngồi với nhau để chia sẻ và qua đó tính chuyện hợp tác, làm ăn”, ông Hoan cho biết.

Tại các hội quán, các thành viên có dịp trao đổi với nhau về chủ đề đã lựa chọn như cách làm ăn mới, cách làm hay, sản xuất tốt. Sau đó, nếu bà con có nhu cầu, có thắc mắc cần tìm hiểu, Ban chủ nhiệm hội quán sẽ ghi nhận để trao đổi, mời cán bộ chuyên môn của trạm khuyến nông, ngành nông nghiệp giải đáp cho nông dân.

Ngoài chuyện sản xuất và làm ăn, ở nhiều hội quán đã quan tâm nhiều đến công tác xây dựng lộ làng nông thôn. Ở xã An Nhơn, bà con đã vận động xây dựng được 3 cây cầu, nâng cấp 1.000 mét đường nông thôn, tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa, cho con em đi học dễ dàng.

Ông Lê Minh Hoan còn cho biết, hội quán hướng đến sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Bởi bây giờ sản xuất không thể bền vững, cuộc sống không thể đi lên nếu cứ tự hào mãi về kinh nghiệm bao đời.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng cho rằng, tín hiệu vui nhất là nông dân đã nhận ra việc làm nông sản sạch, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng mới chính là con đường khởi nghiệp làm giàu chân chính, đó cũng chính là cách tự lo cho chính mình; chia sẻ kiến thức để giúp người khác cũng chính là tự giúp mình.

Ông Lê Minh Hoan chia sẻ, hội quán là một mảnh ghép cần thiết vào bức tranh thay đổi thiết chế dân cư theo mô hình tự quản, tự nguyện. Đây là một mô hình mở, linh hoạt, hướng đến sự thay đổi của người dân; là chỗ dựa cho cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể đưa các chủ trương đến tận nhà, tận ngõ xóm, từ đó lan toả ra cộng đồng dân cư./.

Thanh Tùng/VOV-ĐBSCL 

Chia sẻ bài viết