Tiếng Việt | English

28/01/2017 - 15:23

Du học sinh: Nhớ tết đoàn viên

Tết trong tâm khảm người Việt Nam từ lâu không đơn thuần là một dịp lễ hội, mà mang nhiều ý nghĩa từ văn hóa đến tâm linh. Đó là thời khắc thiêng liêng nhất chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cũng là lúc hiếm hoi mà gia đình có thể đoàn tụ đông đủ sau một năm dài. Tuy nhiên, không phải ai trong cuộc sống này cũng may mắn được đón một cái tết đoàn viên. Các du học sinh xa quê với lịch học, lịch thi dày đặc và điều kiện kinh tế không cho phép, đành phải chịu cảnh ăn tết xa nhà với hy vọng “năm sau con sẽ về”.

Tết facebook

Đây là cái tết xa nhà đầu tiên của Phương Thư - du học sinh Mỹ tại TP.San Diego, bang California. Khi được hỏi về việc ăn tết của du học sinh thế nào, em chỉ cười và nói: “Ấn tượng về mùa tết xa nhà đầu tiên trong em chính là cái lạnh chưa từng nếm trải, là đêm 30 tết “cày” bên sách vở để chuẩn bị kiểm tra, sau đó thì lại lang thang trong chợ Viễn Đông để rồi nhìn đâu cũng nhớ quê!”.

Nói xong, em mừng rỡ khoe rằng, hôm qua, em vô tình lục được trong quyển nhật ký một cái bao lì xì có in nhành mai còn giữ lại từ năm ngoái và dán nó lên tường để nhớ tết quê hương.

Phương Thư tâm sự: “Tự nhiên thấy thiếu bánh chưng, bánh tét, hũ dưa kiệu mẹ vẫn làm mọi năm. Khu em ở, đồ ăn Việt không thiếu nhưng thiếu cái gì đó gọi là vị tết. Một kiểu ăn tết với khung cảnh không phải là tết thì khác nào ăn bánh chưng đông lạnh. Tết Cổ truyền với người Mỹ cũng chỉ là một ngày bình thường, lặng lẽ trôi đi, nhưng với những đứa con xa nhà như em, tết ở Mỹ là những ngày cứ có chút thời gian rảnh là lập tức ôm lấy cái điện thoại. Hết gọi cho nhà thì lại lướt facebook xem mọi người đăng ảnh du xuân, livestream tết (quay video và phát trực tiếp lên mạng) mà lòng vừa rộn ràng, vừa nhớ quê không kể sao cho hết”.

Hẳn đó cũng chính là lý do mà Thư và các du học sinh người Việt ở đây hay gọi vui tết xa nhà chính là tết facebook.

Phương Thư nói, mình may mắn hơn những bạn du học sinh khác, nhà dì của em ở một thành phố cách đó vài tiếng đi xe. Sau đợt kiểm tra này, em sẽ tranh thủ chạy về thăm gia đình dì để hưởng “ké” không khí gia đình đầm ấm cho đỡ nhớ Việt Nam.

Tết của hội du học sinh

Không có gia đình ở gần như Phương Thư, nhưng may mắn hơn Quốc Anh, tại Trường Monash (Úc) của Trương Duy theo học có một Hội Sinh viên Quốc tế Việt Nam tại Monash. Hội sinh viên này thường tổ chức nhiều sự kiện cho cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Monash, đặc biệt là những dịp lễ hội cổ truyền: Tết, Trung thu,...

Ở TP.Melbourne có khá đông người Việt nên việc mua sắm tết khá đơn giản và đầy đủ. Trương Duy hào hứng kể: “Bọn mình sẽ tụ tập tại nhà của một bạn để cùng nấu bánh chưng, bánh tét và cả thịt kho hột vịt. Các bạn gái nấu món truyền thống rất ngon và khéo nên bọn con trai dành ưu tiên việc này cho các bạn ấy; còn phần mình chỉ phải dọn dẹp và trang trí nhà cửa, chưng hoa, mâm ngũ quả và chuẩn bị vài trò chơi ngoài trời cùng nhausinh hoạt.

Ngoài ra, nếu ai được người thân gửi đồ ăn hay quà cũng sẽ “tùy tâm cống nạp” để ngày tết của hội thêm xôm tụ”. Và để góp phần truyền bá văn hóa Việt, các bạn còn mời thêm những người bạn nước khác đến cùng tham gia.

Mỗi du học sinh đều có một câu chuyện ăn tết xứ người và cảm xúc khác nhau, thế nhưng, tựu trung lại là tình cảm dạt dào vẫn dành trọn cho gia đình, tình yêu quê hương. Chúc các em có một năm mới thành công, luôn mạnh mẽ, đầy bản lĩnh, học tập thật tốt để sang năm có thể quay về quê hương tận hưởng cái tết đoàn viên với gia đình.

Tết, “thèm” nghe tiếng Việt

Khác với Phương Thư, tại khu vực của Quốc Anh - du học sinh Pháp lại rất ít người Việt và phải đi rất xa nếu muốn mua chút đồ ăn Việt Nam. Tết ở Pháp đối với bạn trẻ này gói gọn trong một từ “chán”, bởi em vẫn phải đi học, đi làm như mọi ngày.

Quốc Anh chia sẻ: “Hồi ở Việt Nam, mọi năm chỉ có dịp tết là gia đình quây quần đông đủ. Vậy mà sang Pháp, tết, phải ở một mình trong ký túc xá, xung quanh chỉ vài người gốc Việt mà cũng không rành tiếng Việt. Tết ở Việt Nam ấm áp bao nhiêu thì bên đây lạnh lẽo bấy nhiêu. Hồi còn ở Việt Nam, giờ này, mình đang chạy lăng xăng xách đồ giúp má đi chợ, dọn dẹp, phụ bà gói bánh tét rồi phụ ba sơn sửa cổng trước nhà nữa. Bây giờ ở bên này, mình chỉ còn biết “nhớ và thèm”.

Ngoài thèm bánh tét, mứt tết, thèm bữa cơm gia đình, mình còn thèm nghe ai đó nói bâng quơ vài câu tiếng Việt Nam cho đỡ nhớ ba má ở nhà. Vậy là đành chờ đến giờ, mọi người bên Việt Nam ngủ dậy để gọi điện chúc tết và nghe tiếng Việt. Dù đi đâu, làm gì, tết vẫn là lúc khiến mình muốn được về nhà nhất, được sống lại tuổi thơ bên gia đình nhất”.

Ở một đất nước đủ đầy những vật phẩm cao cấp, đắt tiền nhưng với Quốc Anh, hơi ấm gia đình, tình cảm quê hương vẫn thiêng liêng nhất. Nhớ tết, nhớ quê là vậy nhưng bài vở, công việc làm thêm lại kéo em về với hiện tại. Quốc Anh lấy đó làm động lực để nỗ lực hơn nữa, để tết năm sau có thể về sum họp cùng gia đình tại Việt Nam./.

Dân An

Chia sẻ bài viết