Tiếng Việt | English

02/11/2015 - 08:59

Du lịch rừng

Rừng là nơi dự trữ và bảo tồn tính đa dạng sinh học tốt nhất; rừng cũng là nơi có nguồn dược liệu quý (bao gồm cây và con làm thuốc) phong phú nhất mà thiên nhiên ban phát cho con người. Từ thời cổ đại, Hyppocrates (460-377 tr.CN) đã chỉ ra rằng "thiên nhiên chính là người thầy thuốc tốt nhất" và ông nói gọn lại: "thiên nhiên chữa bệnh". Nói thiên nhiên thì không đâu tốt bằng rừng. Vậy thì du lịch rừng (tour trekking) thật đáng cho chúng ta trải nghiệm biết bao!

Xe ngựa đưa du khách vào tắm rừng

1. Từ buổi xa xưa, nhiều bậc vua chúa và vương tôn công tử trên thế giới chỉ ham vào rừng săn bắn. Bảo Đại ở Việt Nam là ông vua như thế. Khi nước mất nhà tan vì thực dân Pháp đô hộ, bậc chí sĩ nặng lòng yêu nước-Nguyễn Thông từ những năm 1862-1867 khi đang làm tham mưu cho Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định đã tính kế lập căn cứ chống Pháp lâu dài và mang gươm xông vào vùng rừng miệt Phan Thiết, Phan Rang, Phan Rí mà cụ cùng các sĩ phu yêu nước lấy làm "vùng Tị địa" (vì vùng này còn thuộc triều đình Huế cai quản) để đưa dân từ nơi địch chiếm đóng ở 6 tỉnh Nam kỳ về đây. Theo tư liệu của Xưa&Nay, chính cụ đã luồn rừng băng suối lên tận cao nguyên Langbiang (Đà Lạt-Lâm Đồng bây giờ) và đã làm nhiều bài thơ tại những điểm rừng hoang sơ mà cụ đặt chân đến.

Sau Nguyễn Thông đến 15 năm, năm 1893, Alexandre Yersin- một bác sĩ giàu lòng nhân ái- mới đơn thân độc mã xông vào những dải rừng già bí hiểm kia, và đã bị bọn cướp tấn công, chặt đứt nửa ngón tay cái và đâm nhiều nhát dao vào bụng, ngực. Nhờ có người thấy, võng về Phan Rang cứu chữa nhưng rồi dọc đường lại rơi vào giữa một đàn voi khiến mấy người khiêng ông bỏ võng chạy lấy người. Ông kiệt sức nằm thoi thóp chờ chết, may sao đàn voi ấy né ông, đi lối khác, sau đó có người cứu nên Yersin đã thoát chết. Suy ra, cả chí sĩ Nguyễn Thông lẫn bác sĩ Yersin phải chăng đều là người mở tour trekking đầu tiên ở nước ta? Song chủ đích của cụ Nguyễn Thông là đi mở căn cứ chống Pháp ở nơi mà cụ gọi là Sơn Quốc- trong đó có vùng Lâm Đồng, Đà Lạt bây giờ- Và cụ đã dâng sớ lên triều đình xin phép khai khẩn, để vừa sản xuất nuôi quân vừa xây đồn đắp lũy chống xâm lăng (rất tiếc triều đình nhu nhược đã bác bỏ lời khẩn cầu của cụ).

Còn Yersin thì mở tour thám hiểm và ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trên đường rừng dẫn đến cao nguyên Langbiang bao la bát ngát rồi đề nghị lên Toàn quyền Paul Doumer xây dựng nơi đây một thành phố nghỉ dưỡng. Với khí hậu mát mẻ quanh năm, đây thật là nơi lý tưởng cho người Pháp lập đồn điền, xây biệt thự… như chúng ta đã thấy. Vậy thì cụ Nguyễn Thông mới là người đầu tiên khám phá cao nguyên Langbian chứ? Nhưng vinh quang này lại thuộc về A.Yersin!

2. Tạp chí Sức khỏe&Đời sống (Bộ Y tế) cho rừng là Bệnh viện màu xanh bởi thế giới cây xanh quang hợp và tạo ra rất nhiều dưỡng khí giúp thúc đẩy chức năng hô hấp và tuần hoàn máu. Cây rừng cung cấp ion âm nhẹ được tạo ra bởi các mô có tác dụng tăng phản ứng miễn dịch của cơ thể người, tăng sức chịu đựng với tình trạng thiếu oxy và những nhiễm độc do hóa chất hoặc vi khuẩn, dị ứng. Các ion âm nhẹ còn có tác dụng kích thích các đầu mút thần kinh nằm trên niêm mạc đường hô hấp, hoạt hóa các quá trình oxy hóa- khử và cải thiện sự hô hấp tế bào, điều hòa hoạt động của hệ thần kinh trung ương và ngoại vi có tính chất an thần, giữ cho các thành phần và tính chất lý hóa của máu, huyết áp được ổn định và ảnh hưởng tốt đến chức năng nội tạng. Cũng theo tạp chí này, các nước phương Tây và Nhật Bản từ lâu đã đề ra phương pháp “vào rừng”, “tắm rừng” thu hút hàng triệu người tìm về với môi trường thiên nhiên. Nhật Bản mỗi năm có 150 triệu người dân đi tắm rừng trong 1.000 khu rừng của nước này. Điều này khiến người viết nhớ, đã nhiều lần ông Nguyễn Văn Bé- người khai mở Trung tâm Bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (xã Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa) có ý tưởng xây dựng theo dạng “Bệnh viện màu xanh” tại khu rừng hơn 800ha tràm nguyên sinh nằm giữa khu trung tâm này. Không biết đến nay ông ấy đã thực hiện ý tưởng đó chưa?

3. Người viết đã từng đi chơi ở các khu rừng Tây nguyên, lên đỉnh Langbiang hay rừng Mã Đà, rừng Dương Minh Châu… và cả khu rừng dự trữ sinh quyển Cát Bà. (Tuy chẳng là bao so với tài nguyên rừng nước ta vốn rất giàu và đa dạng nhưng cũng đón nhận từng hệ sinh thái động-thực vật rừng nhiều khi làm cho ta ngây ngất với cảm giác mới lạ). 

Tôi vừa có một tour trekking trong khu rừng nguyên sinh Bình Châu (Xuyên Mộc, Bà Rịa- Vũng Tàu). Rừng bao quanh khu du lịch Suối nước khoáng nổi tiếng ở Bình Châu. Càng đi sâu vào rừng càng nghe vô vàn tiếng thú rừng và chim kêu, chim hót rất lạ tai. Cây rừng, từ gốc cổ thụ đến gốc mới lớn đều có đính thẻ tên, họ và loài của cây. Một khu resort gần trăm biệt thự với ngói đỏ tươi ẩn dưới những vòm xanh cây rừng. Bên ngoài đang nắng nóng thế mà đi trong rừng cứ mát lạnh khiến tâm thần nhẹ lâng lâng. Thỉnh thoảng bắt gặp những gốc cây hình thù cổ quái, thân phủ đầy dây leo và hoa phong lan vô cùng đẹp mắt. Quả thật, sau vài tiếng đồng hồ ở trong rừng, dưới những vòm lá xanh, con người cảm thấy thư thái, sảng khoái làm sao, cứ muốn nhắn gởi mọi người hãy dành một ít thời gian trong năm để đi tắm rừng đặng nâng cao sức khỏe. Bạn hãy thử làm một tour trekking xem có đúng như vậy không?   

Quang Hảo 

Chia sẻ bài viết