Tiếng Việt | English

04/05/2022 - 12:05

Đưa nước sạch đến với người dân vùng hạ

Nước sạch (NS) là một trong những nhu cầu cần thiết đối với người dân nông thôn và là một trong những chỉ tiêu điều kiện để đánh giá mức độ hoàn thành 19 tiêu chí (TC) tại các xã xây dựng nông thôn mới (XDNTM). Để hoàn thành TC này là cả một quá trình, nhất là đối với các xã ở vùng hạ của tỉnh.

Một trong những công trình cấp nước được đầu tư tại miền hạ

Niềm vui đến với người dân

Hiện nay, Long An bước vào giai đoạn cao điểm mùa xâm nhập mặn 2022, hơn 100.000 hộ dân ở các huyện vùng hạ gồm Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ của tỉnh không còn cảnh thiếu nước hợp vệ sinh, NS và phải mua với giá từ 50.000 đến khoảng 100.000 đồng/m3 như những năm trước nữa.

Trước đây, cứ vào mùa khô, người dân các xã vùng hạ của huyện Cần Giuộc thiếu NS để sử dụng, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sinh hoạt, sản xuất. Người dân phải mua NS với giá từ 40.000 - 60.000 đồng/m3, có khi lên đến 100.000 đồng/m3, tùy theo đường vận chuyển. Với sự quan tâm, lãnh, chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành, nhiều dự án cung cấp NS, nước hợp vệ sinh được triển khai đã góp phần giải quyết vấn đề thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô tại các xã vùng hạ.

Bà Đỗ Thị Nhạn (ấp 3, xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc) chia sẻ: “Đã mấy chục năm qua, người dân ở đây cứ đến mùa khô là lại ngán ngẩm với tình cảnh đi đổi nước với giá cao để sử dụng. Cũng từng có nhiều công trình NS được đầu tư nhưng vì nhiều nguyên nhân nên tình trạng trên vẫn đâu vào đó. Chúng tôi có xây nhiều hồ trữ nước mưa để dành sử dụng nhưng vẫn không đủ sinh hoạt. Gần đây, Nhà nước đã kéo NS cho người dân sử dụng với giá cả hợp lý, mọi người ai cũng phấn khởi”.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc cho biết, hiện toàn huyện có 6 công ty cấp nước, 128 trạm cấp nước nông thôn cung cấp nước cho khoảng 34.200 hộ dân sử dụng. Các công trình cấp nước hoàn thành, trong đó có Nhà máy Nước Nhị Thành (thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng nước DNP-Long An, huyện Thủ Thừa) đưa vào vận hành tuyến ống dẫn NS từ Nhà máy Nước Nhị Thành về đấu nối vào hệ thống mạng lưới cấp nước trên địa bàn huyện đã nhanh chóng nâng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh lên 98,6%; 77% hộ dân sử dụng NS đạt chuẩn của Bộ Y tế.

Người dân miền hạ Cần Giuộc vui mừng khi có nước sạch sử dụng

Nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng NS trên địa bàn, thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cấp nước an toàn giai đoạn 2021 - 2025 và các dự án cấp nước của doanh nghiệp được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, huyện huy động các nguồn lực tại chỗ để tập trung nâng cấp, mở rộng tuyến ống các trạm cấp nước hiện có để chất lượng nước đạt quy chuẩn và nâng cao chất lượng dịch vụ; đẩy mạnh công tác đấu nối nguồn nước đạt quy chuẩn, từng bước xóa bỏ dần các trạm cấp nước có quy mô nhỏ, chất lượng nước kém; ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào cấp nước nông thôn để từng bước hoàn chỉnh hạ tầng cấp nước nông thôn, tiến tới thực hiện chủ trương cấp nước an toàn, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, huyện tạo điều kiện cho Công ty Đầu tư Hạ tầng Nước DNP-Long An triển khai 2 tuyến ống truyền tải cấp nước còn lại trên địa bàn huyện: Đấu nối tuyến ngã tư Rạch Đào dọc theo Đường tỉnh 826 vào hệ thống mạng lưới cấp nước trên Đường tỉnh 835 và triển khai tuyến ống truyền tải dọc theo Quốc lộ 50 từ ngã tư Chợ Trạm về đến thị trấn Cần Giuộc; tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách huyện, xã, vốn doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hệ thống lọc, khử trùng nước để bảo đảm chất lượng nước đạt quy chuẩn kỹ thuật địa phương cho các công trình cấp nước nông thôn hiện có tại các xã, thị trấn.

Từ sự nỗ lực

Trong trí nhớ của bà Lê Thị Cúc (ấp Bình Lợi, xã Đức Tân, huyện Tân Trụ) - người nhiều năm sinh sống tại đây, Đức Tân trong thời kỳ chiến tranh là vùng căn cứ cách mạng nên địa phương 2 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Sau khi hòa bình lập lại, nơi đây được mệnh danh là vùng đất “chết”, bởi đất nông nghiệp bị nhiễm phèn nặng, cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Đường sá đi lại khó khăn, đặc biệt là chưa có nước hợp vệ sinh, NS để sử dụng,... Sau này, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là trong thời gian phát động chương trình xây dựng xã NTM, chính quyền cải tạo, nạo vét hệ thống kênh, mương thủy lợi; tập huấn các kiến thức về sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ vốn vay; khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng hợp lý để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình; đồng thời, được đầu tư hệ thống cấp nước, từng bước đáp ứng sự mong mỏi của người dân.

Thông tin từ UBND xã Đức Tân, nổi bật nhất trong XDNTM tại địa phương là nâng chất lượng cuộc sống người dân, cải thiện được tỷ lệ nước hợp vệ sinh, NS cho người dân sử dụng.

Công trình nước sạch tại xã Đức Tân do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư

Trong lộ trình XDNTM, 1 trong 2 TC khó nhất đối với xã là cơ sở vật chất văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm (chỉ tiêu NS). Bằng nhiều biện pháp và được sự quan tâm của tỉnh, huyện, xã Đức Tân được đầu tư về TC này, trong đó có trạm cấp nước tại cầu Triêm Đức do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư, hiện cung cấp NS cho các hộ dân của ấp Bình Hòa, Bình Lợi và một phần xã Nhựt Ninh.

Hiện tại, người dân ở huyện Tân Trụ rất phấn khởi vì tất cả hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 76,8% hộ dân sử dụng NS đạt theo Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế.

Còn tại huyện Cần Đước, số hộ dân sử dụng NS đạt trên 65%. Hiện nay, huyện phối hợp Công ty Đầu tư Hạ tầng Nước DNP-Long An triển khai tuyến ống dẫn NS về đấu nối vào các công ty cấp nước tư nhân và các trạm cấp nước tập trung để phục vụ người dân. Thông tin từ UBND huyện Cần Đước, địa phương đang tích cực làm việc với Công ty Đầu tư hạ tầng Nước DNP-Long An để sớm dẫn NS về phục vụ người dân trên toàn địa bàn huyện. Khi nguồn nước của Nhà máy Nước Nhị Thành dẫn về đến địa phương, tất cả hộ kinh doanh bắt buộc phải đấu nối với nguồn nước này để bảo đảm chất lượng NS phục vụ nhân dân./.

Long An hiện có khoảng 1.400 trạm cấp nước nông thôn, đáp ứng nhu cầu cho 256.283 hộ dân. Để nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,4%; sử dụng nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế lên 58% trong năm 2022, UBND tỉnh đang đẩy mạnh công tác xã hội hóa, vận động tổ chức, doanh nghiệp, tích cực tham gia đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn. Từ đó, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư phát triển các dự án nước sạch có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc cấp nước nông thôn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách cho huyện, xã, vốn doanh nghiệp đầu tư nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn để giúp khoảng 70% hộ dân nông thôn hưởng thụ nước sạch đạt Quy chuẩn 2 của Bộ Y tế vào cuối năm 2025.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích