Tiếng Việt | English

27/07/2021 - 12:20

Đức Huệ: Hiệu quả từ các mô hình Dân vận khéo

Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” được hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở của huyện Đức Huệ, tỉnh Long An quan tâm triển khai, thực hiện với nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH của địa phương.

Nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Vụ là cán bộ dân vận tiêu biểu của xã Mỹ Bình

Nhiều năm nay, anh Nguyễn Văn Vụ là cán bộ dân vận tiêu biểu của xã Mỹ Bình

Phát huy dân vận từ cơ sở

Ở ấp 3, xã Mỹ Bình, khi nhắc đến anh Nguyễn Văn Vụ - Tổ trưởng tổ Dân vận ấp, không ai không biết đến. Nhiều năm nay, anh được lãnh đạo địa phương tin tưởng, người dân tín nhiệm bởi sự nhiệt tình, trách nhiệm và khéo léo trong công tác dân vận. Để làm được điều đó, anh tích cực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Anh luôn tiên phong thực hiện các phong trào nên nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Theo Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Bình - Phạm Thúy Kiều, không chỉ đi đầu trong các phong trào do địa phương phát động, với khả năng dân vận khéo léo, sự nhiệt huyết với địa phương, anh Vụ tham mưu cấp ủy, vận động hiến đất để mở rộng, bêtông hóa đường giao thông trong ấp, giúp người dân đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, anh còn chủ động hiến đất xây dựng đài cung cấp nước, xây dựng nhà văn hóa ấp với diện tích 70m2 phục vụ nhu cầu sinh hoạt chính trị, văn hóa của người dân.

Được biết, những năm đầu lập nghiệp, gia đình anh Vụ cũng gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm thay đổi cuộc sống, anh bắt tay vào khai khẩn đất và tăng gia sản xuất. Đến nay, gia đình anh có trên 4,5ha chanh và 10ha lúa. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh vận động người dân trong ấp thay đổi phương thức sản xuất, tham gia cánh đồng lớn, đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Hiện tại, cánh đồng lớn của ấp do anh phụ trách có diện tích trên 70ha luôn cho năng suất cao.

Năm 2020, anh Vụ cùng ban ấp vận động, giúp đỡ người dân thực hiện mô hình thoát nghèo bền vững vượt chỉ tiêu nghị quyết Đảng ủy xã giao. Phó Bí thư Đảng ủy xã - Phạm Thúy Kiều thông tin: “Ấp 3 là ấp đầu tiên và cũng là ấp duy nhất của xã xóa trắng hộ nghèo. Bằng cách tập trung phát triển kinh tế, anh Vụ vận động người dân chí thú làm ăn, phấn đấu thoát nghèo, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự chăm lo của Nhà nước. Kết quả, cuối năm 2020, trên địa bàn ấp giảm được 10/10 hộ nghèo và 2/18 hộ cận nghèo”.

Với những nỗ lực, cố gắng của mình cùng cách thức vận động linh hoạt, khéo léo, nhiều năm liền, anh Vụ luôn là cán bộ dân vận gương mẫu, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà cấp trên giao. Anh Vụ chia sẻ: “Muốn dân tin thì cán bộ phải gương mẫu thực hiện. Có như vậy, khi vận động mới dễ thuyết phục người dân làm theo. Đối với những hộ khó, tôi và ban ấp kiên trì phân tích, giải thích nhiều lần để người dân hiểu. Nhờ đó, việc thu các loại quỹ, phí, vận động hiến đất, góp tiền luôn hoàn thành trước tiến độ, vượt chỉ tiêu đề ra”.

Nhà văn hóa ấp 3, xã Mỹ Bình được xây dựng trên phần đất của gia đình anh Nguyễn Văn Vụ (Ảnh tư liệu)

Nhà văn hóa ấp 3, xã Mỹ Bình được xây dựng trên phần đất của gia đình anh Nguyễn Văn Vụ (Ảnh tư liệu)

Giúp người dân nâng cao đời sống

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, những năm qua, Ban Dân vận Huyện ủy và các địa phương trong huyện có nhiều đổi mới trong công tác dân vận theo hướng chủ động, thiết thực và luôn hướng về cơ sở. Nổi bật là các mô hình chăm lo đời sống người dân luôn được chú trọng thực hiện tốt, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới của các địa phương.

Triển khai, thực hiện và duy trì gần 10 năm nay, mô hình Hũ gạo tình thương của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bình Hòa Hưng đã giúp đỡ nhiều hội viên có hoàn cảnh khó khăn được ổn định cuộc sống. Chủ tịch Hội LHPN xã - Nguyễn Thị Vân Anh cho hay: “Mô hình được thực hiện từ năm 2011 và chọn Chi hội ấp 4 làm điểm. Đến nay, mô hình nhân rộng ở Chi hội ấp 2 với 15 thành viên tham gia. Mỗi năm, các chi hội vận động được hàng trăm ký gạo, giúp đỡ nhiều hộ PN nghèo, nhất là trong đợt dịch Covid-19”.

Chị Hồ Thị Thu Thảo - Chi hội phó Chi hội PN ấp 2, xã Bình Hòa Hưng, đồng thời cũng là mạnh thường quân tích cực ủng hộ mô hình Hũ gạo tình thương của xã trong những năm qua, bộc bạch: “Đời sống người dân ở đây còn khó khăn lắm! Số hội viên PN nghèo, cận nghèo khá đông. 

Vì vậy, tôi cũng như các chị em trong chi hội giúp được gì đều cố gắng hết mình. Hàng tháng, chi hội vận động mạnh thường quân hỗ trợ 15 suất gạo, mỗi suất khoảng 10kg; vận động hỗ trợ tiền cho người mắc bệnh hiểm nghèo, giúp chị em vượt qua khó khăn”.

Song song với việc hỗ trợ tiền, quà cho những hộ nghèo, cận nghèo, nhằm giúp người dân có điều kiện vươn lên, nâng cao đời sống, Hội Nông dân xã còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, vận động người dân chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Thông tin từ Hội Nông dân xã Bình Hòa Hưng, thời gian gần đây, người dân trong xã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng một số loại rau màu mang lại hiệu quả tương đối cao, thu nhập tăng gấp nhiều lần so với lúa, trong đó, nhiều hộ thoát nghèo bền vững, một số hộ vươn lên làm giàu.

Trồng rau má mang lại cho gia đình anh Hồ Văn Tiếp (ấp 4, xã Bình Hòa Hưng) thu nhập cao gấp 3 lần so với lúa

Trồng rau má mang lại cho gia đình anh Hồ Văn Tiếp (ấp 4, xã Bình Hòa Hưng) thu nhập cao gấp 3 lần so với lúa

Anh Hồ Văn Tiếp, ngụ ấp 4, xã Bình Hòa Hưng, một trong những người tiên phong trồng rau má tại địa phương cho biết, việc trồng rau má không khó nhưng chi phí đầu tư ban đầu cao hơn so với lúa nên nhiều hộ chưa có khả năng thực hiện. “Qua sự vận động của địa phương, hơn 2 năm trước, tôi mạnh dạn cải tạo 1ha lúa sang trồng rau má. Thấy hiệu quả kinh tế khả quan, nhiều hộ xung quanh đến tìm hiểu để làm theo. Hiện tại, ấp thành lập tổ hợp tác trồng rau má với 5 thành viên, thường xuyên trao đổi, giúp đỡ nhau về kỹ thuật nên việc sản xuất ngày càng thuận lợi” - anh Tiếp nói.

Với hiệu quả thiết thực đem lại, các mô hình Dân vận khéo huy động được sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng, phát triển địa phương, góp phần quan trọng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh./.

Kỳ Nam

Chia sẻ bài viết