Tiếng Việt | English

04/10/2017 - 15:57

Đức Huệ: Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

So với các địa phương khác trong tỉnh Long An, Đức Huệ là huyện vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhiều mặt bởi đất đai bạc màu, nhiễm phèn, 5 xã biên giới, hạ tầng yếu, thiếu, tỷ lệ hộ nghèo cao,... Khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), qua rà soát 10 xã thực hiện chương trình thì chỉ đạt bình quân 5 tiêu chí (TC); nhưng đến nay, số TC bình quân các xã đạt trên 11 TC. Tuy nhiên, thời gian tới, xã vẫn còn lắm khó khăn trong thực hiện bởi còn những TC các xã thực hiện chưa đạt.

Hiện, huyện đang chăn nuôi bò theo hướng công nghệ cao

Cả 10 xã chưa đạt giao thông, môi trường

Trong thực hiện chương trình XDNTM giai đoạn 2011-2015, huyện tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn để triển khai thực hiện. Giai đoạn này, huyện thực hiện 552 danh mục công trình với tổng mức đầu tư 464,51 tỉ đồng (vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình gần 7 tỉ đồng; vốn doanh nghiệp, mạnh thường quân 29 tỉ đồng; vốn dân đóng góp 150 tỉ đồng; vốn lồng ghép các chương trình gần 279 tỉ đồng).

Còn giai đoạn 2016-2017, tổng nguồn vốn được bố trí đầu tư XDNTM là gần 257 tỉ đồng, thực hiện 416 danh mục công trình (vốn đầu tư trực tiếp cho chương trình 42,282 tỉ đồng, vốn doanh nghiệp đóng góp 19,343 tỉ đồng, vốn người dân đóng góp gần 12 tỉ đồng và còn lại là vốn lồng ghép).

Các công trình được tập trung đầu tư là giao thông, thủy lợi, xây dựng trụ sở UBND xã, giáo dục, y tế và các công trình trọng điểm phục vụ sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn,...Trong 10 xã thực hiện chương trình, nguồn vốn cũng được đầu tư nhiều hơn cho 2 xã điểm NTM của huyện: Mỹ Thạnh Đông và Bình Hòa Nam.

Theo Quyết định số 1243/QĐ-UBND, ngày 07/4/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Bộ TC xã NTM đến cuối năm 2020, đến nay, xã đạt TC cao nhất trên địa bàn huyện là 15 TC (Mỹ Thạnh Đông), xã thấp nhất là 9 TC (Mỹ Bình).

Theo đánh giá, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, rõ nhất là kết cấu hạ tầng có sự thay đổi rõ rệt, sản xuất nông nghiệp phát triển, hiệu quả cao hơn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên,...

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện, quá trình thực hiện vẫn còn khó khăn do có địa phương điểm xuất phát chương trình thấp, kinh phí đầu tư cho các công trình lớn nhưng nguồn vốn còn hạn chế,...

Bên cạnh những TC đạt kết quả cao: Quy hoạch, thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, lao động có việc làm, giáo dục, y tế, văn hóa, tổ chức chính trị - xã hội và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh thì 7 TC thực hiện đạt ở mức rất thấp gồm: Giao thông, môi trường và an toàn thực phẩm, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất.

Cụ thể, TC giao thông; môi trường và an toàn thực phẩm, chưa xã nào đạt. TC hộ nghèo, mới có 1 xã đạt; TC văn hóa; thu nhập, tổ chức sản xuất cũng chỉ có 2 xã đạt; TC cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn chỉ có 4 xã đạt;...

“Theo tôi, những đánh giá, thống kê này sát với thực tế. Chẳng hạn như TC giao thông, thời gian qua, huyện chú trọng đầu tư, hiện ở các xã, xe ôtô về đến trung tâm xã. Tuy nhiên, nhìn chung ở các xã vẫn còn nhiều đường đất, sỏi đỏ. Về môi trường, tôi thấy rác sinh hoạt vẫn còn vứt bừa bãi ở nhiều nơi, dọc các tuyến đường vẫn xuất hiện các đống rác tự phát.” - ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp 5, xã Mỹ Quý Tây, nêu ý kiến. Phó Chủ tịch UBND huyện - Lê Văn Nên cho biết, với các TC còn khó, trong đó, TC giao thông đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn. Đây cũng là khó khăn của huyện còn nghèo như Đức Huệ.

Giải pháp nào?

Qua thống kê, trong số 19 tiêu chí (TC) theo Bộ TC XDNTM, đến nay, trong 10 xã của huyện, Mỹ Thạnh Đông là xã đạt cao nhất với 15 TC; xã Bình Hòa Nam và Bình Thành cùng đạt 12 TC; Mỹ Quý Tây đạt 13 TC; 5 xã: Mỹ Quý Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc và Bình Hòa Hưng đều đạt 10 TC. Riêng xã Mỹ Bình mới đạt 9 TC.

Vậy, bên cạnh nâng chất các TC NTM đã đạt thì huyện có những giải pháp nào để thực hiện 7 TC khó trên trong thời gian tới? “Câu hỏi này cũng là trăn trở và được huyện nêu ra để có giải pháp cụ thể thực hiện.” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Bùi Văn Tín cho biết.

Theo đó, đối với TC giao thông, ngoài các nguồn vốn phân bổ, huyện sẽ tăng cường công tác vận động người dân góp vốn, góp công, hiến đất để đầu tư. Với TC cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, huyện sẽ tính toán xây dựng hợp lý, phù hợp với tập quán của người dân địa phương; vận động, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ kinh doanh tập trung vào chợ; trường hợp xã không thể quy hoạch chợ riêng lẻ thì có thể xây dựng chợ liên xã. Với TC nhà ở dân cư, huyện tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp, mạnh thường quân, con em của quê hương thành đạt hỗ trợ kinh phí, vật chất để xây dựng cho các hộ nghèo, hộ còn nhà tạm.

Đối với TC thu nhập và hộ nghèo, huyện cũng đề ra giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Tập trung thực hiện xây dựng cánh đồng lớn, sản xuất chuyên canh, nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, vi sinh, sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Từ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời gian qua, cây chanh phát triển nhanh ở huyện

Song song đó, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả: Trồng bắp lai chuyển gen ứng dụng cơ giới hóa, trồng lúa, thiên lý theo tiêu chuẩn VietGAP; chăn nuôi trâu, bò theo hướng công nghệ cao. Huyện cũng chú trọng phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, mở lớp dạy nghề phi nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp vào đầu tư.

“Đối với TC tổ chức sản xuất, huyện tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm sản xuất hàng hóa số lượng lớn, chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường, liên kết với doanh nghệp bao tiêu sản phẩm. Tăng cường mời gọi doanh nghiệp đầu tư, bao tiêu sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông nghiệp ở địa phương. Với TC môi trường và an toàn thực phẩm, phải nâng cao chất lượng nước của các trạm cấp nước, cải thiện, nâng cấp công suất trạm cấp nước, đáp ứng nhu cầu của người dân, xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất an toàn; tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cảnh quan môi trường, không vứt, xả rác thải bừa bãi,...” - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Bùi Văn Tín cho biết thêm.

Cũng theo ông Tín, Đức Huệ là địa bàn “khuất nẻo” còn nhiều khó khăn, việc thu hút đầu tư rất khó nên cấp trên cần có cơ chế đặc thù để hỗ trợ huyện thực hiện thành công chương trình XDNTM./.

Lê Đức

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích