Tiếng Việt | English

17/08/2020 - 10:21

Đức Huệ: Thay đổi từng ngày

Trong triển khai, thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) huy động các nguồn lực, gặt hái nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, thúc đẩy KT-XH trên địa bàn huyện biên giới ngày càng phát triển.

Nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang cùng doanh nghiệp khảo sát đầu tư xây dựng cầu nông thôn tại địa bàn huyện. Ảnh: Vũ Quang

Hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao

“Nông nghiệp vẫn là thế mạnh và đóng vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện” - Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong mở đầu cho đánh giá về phát triển kinh tế tại địa phương. Xác định điều đó, nhiệm kỳ qua, huyện luôn quan tâm đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp. Huyện hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây lúa chất lượng cao tập trung ở các xã: Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Quý Tây, Mỹ Bình, Bình Thành, Bình Hòa Bắc và Mỹ Bình với 1.347ha (đạt 112,3% NQ).

Vùng sản xuất chuyên canh cây chanh chủ yếu ở các xã: Bình Hòa Nam, Bình Thành, Bình Hòa Bắc, Mỹ Bình với diện tích 2.620ha (đạt 131% NQ). Ngoài ra, huyện còn có 150ha chuối ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC). “Việc sản xuất theo hướng tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Qua đó, tạo đầu ra ổn định và tăng lợi nhuận cho nông dân” - ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ xã Bình Hòa Nam, đánh giá.

Vùng sản xuất chuyên canh cây lúa chất lượng cao ở huyện đã đạt 1.347ha

Bên cạnh đó, chương trình đột phá về xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ƯDCNC ở 7 xã: Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Thạnh Đông, Mỹ Thạnh Bắc, Bình Hòa Bắc, Mỹ Bình, Mỹ Quý Tây và Mỹ Quý Đông đang mở ra hướng sản xuất hiệu quả, được người dân đồng tình ủng hộ. Thực hiện từ giữa năm 2017, đến nay, huyện xây dựng được 1 Hợp tác xã (HTX) Tây Hòa chăn nuôi bò thịt ƯDCNC tại ấp Hòa Tây, xã Bình Hòa Bắc; 4 mô hình điểm (do tỉnh thực hiện); thành lập 12 tổ hợp tác với 163 thành viên, tổng số đàn bò hơn 1.000 con, trong đó có 644 con bò cái sinh sản.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Tây Hòa - Nguyễn Văn Ninh chia sẻ: “Từ khi ƯDCNC vào chăn nuôi, HTX đã được Nhà nước hỗ trợ nhiều chính sách thiết thực, giúp các thành viên của HTX áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất một cách thuận lợi và hiệu quả.

“Trên địa bàn huyện còn có nhiều mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao như liên kết đầu tư - bao tiêu sản phẩm lúa thơm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP; trồng hoa thiên lý và khoai từ” - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ - Phạm Văn Luốc thông tin.

Đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo bứt phá

Cũng như nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng có bước phát triển khá cao, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 20,96%/năm. Trên địa bàn huyện bước đầu phát triển một số ngành nghề như may, giày, sản xuất gạch, nhà máy sản xuất thức ăn gia súc, nổi bật, địa phương hiện có 2 nhà máy điện năng lượng mặt trời đã đi vào hoạt động.

Đoàn làm việc của Tỉnh ủy nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng ở vùng biên giới Đức Huệ

Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư, xây dựng. Ngoài nguồn vốn Nhà nước, huyện còn huy động nguồn lực từ sự đóng góp, hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân. Riêng nguyên Chủ tịch nước - Trương Tấn Sang đã vận động nhiều doanh nghiệp xây dựng cầu, đường nông thôn,... trên địa bàn huyện. Tổng vốn đầu tư và huy động trong nhiệm kỳ là 1.535 tỉ 567 triệu đồng với 1.198 danh mục công trình.

Đặc biệt, nhiệm kỳ qua, địa phương được quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến Đường tỉnh 822, 816, 838B, đường Giồng Nhỏ - Mỹ Bình, đường Thủ Thừa - Bình Thành - Hòa Khánh. Ngoài ra, một số tuyến đường trên địa bàn các xã, thị trấn đã được đầu tư nhựa hóa; một số công trình đang triển khai thi công như kè thị trấn Đông Thành, Đường tỉnh 838C,...

Công trình trọng điểm láng nhựa đường cặp kênh Bà Mùi đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ cuối năm 2017. Đường số 1 nối dài đã thi công hoàn thành láng nhựa mặt đường, cống thoát nước và vỉa hè từ cầu Mỹ Thành đến cầu Chữ Y và đang thi công các hạng mục còn lại. “Hệ thống giao thông được đầu tư, kết nối với nhau đã giúp việc giao thương, vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Đường mở đến đâu thì diện mạo đổi thay, kinh tế phát triển đến đó” - ông Lê Văn Phương - người dân xã biên giới Mỹ Quý Tây, bày tỏ.

Nhiệm kỳ qua, thương mại - dịch vụ có bước phát triển, tốc độ gia tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 7,58%/năm. Thu - chi ngân sách nhà nước hàng năm đều vượt so với dự toán tỉnh giao, tăng bình quân 27,90%/năm.

Cùng với các lĩnh vực khác, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, bảo đảm an sinh xã hội. Toàn huyện có 17/31 trường đạt chuẩn quốc gia. Hộ nghèo ngày càng giảm, hiện còn 5,01%. Nhiệm kỳ qua, huyện vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp cùng nguồn vốn ngân sách đã xây dựng 111 căn nhà, sửa chữa 278 căn nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách và 410 căn nhà tình thương cho hộ nghèo; vận động 9,3 tỉ đồng hỗ trợ bò giống cho hộ nghèo.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng

Là địa bàn biên giới, thời gian qua, huyện quan tâm thực hiện tốt chủ trương huyện kết nghĩa với chính quyền, lực lượng Campuchia (phía đối diện). Phối hợp chặt chẽ trong tuần tra, kiểm soát, bảo vệ đường biên, mốc giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, duy trì và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được duy trì triển khai, thực hiện thường xuyên.

Huyện thường xuyên quan tâm xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc. “Người dân tuyến biên giới phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong giữ gìn an ninh, trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc” - Trung tá Lê Trọng Tình - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây, chia sẻ.

Cùng với đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo NQ Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được huyện đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Công tác phát triển Đảng được huyện chú trọng; nhiệm kỳ qua, đã kết nạp 409 đảng viên. Việc kiện toàn, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Đề án 02 của Tỉnh ủy được triển khai, thực hiện bảo đảm lộ trình, kế hoạch đề ra và hoạt động hiệu quả.

Những kết quả đã đạt cũng như những hạn chế trong thực hiện NQ nhiệm kỳ 2015-2020 sẽ được Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Đức Huệ nhiệm kỳ 2020-2025 (diễn ra từ ngày 17 đến 19-8-2020) phân tích, làm rõ hơn để rút ra những bài học kinh nghiệm, từ đó có định hướng, giải pháp, cách làm đúng đắn, phù hợp trong nhiệm kỳ mới. Tin rằng, Đảng bộ và nhân dân huyện biên giới tiếp tục đồng tâm, hiệp lực để gặt hái được nhiều kết quả quan trọng trong nhiệm kỳ mới./.

Để tháo gỡ nút thắt và thu hút đầu tư, nhiệm kỳ 2020-2025, Huyện ủy, UBND huyện tập trung phát huy mọi nguồn lực trong xã hội kết hợp tham mưu tỉnh sớm triển khai thi công các trục đường có tải trọng lớn và mang tính kết nối giữa huyện với các địa phương lân cận; tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, huyện tập trung phát triển các vùng sản xuất chuyên canh như vùng lúa chất lượng cao, vùng chanh đạt tiêu chuẩn, các khu chăn nuôi tập trung. Ngoài ra, huyện thực hiện các giải pháp mời gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại huyện và Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây;...”.

Bí thư Huyện ủy Đức Huệ - Trần Thanh Phong

Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, Đức Huệ có 20/25 chỉ tiêu đạt và vượt (trong đó 14 chỉ tiêu vượt). Kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng khá và phát triển tương đối toàn diện. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân đạt 6,62%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 65,76%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 30,82%; khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 3,42%.

Lam Hồng

Chia sẻ bài viết