Tiếng Việt | English

31/08/2016 - 08:46

Đừng để lãng phí

Nơi sinh hoạt cộng đồng rất cần thiết trong đời sống xã hội. Nó không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, học tập,... của người dân mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết, tăng tính cố kết cộng đồng.

Cùng tham gia sinh hoạt ở nhà văn hóa ấp hay trung tâm văn hóa-thể thao-học tập cộng đồng, chúng ta có điều kiện giao lưu, học tập cũng như nắm bắt nhiều thông tin bổ ích trong cuộc sống. Từ những kiến thức mới được cập nhật qua các buổi chuyển giao khoa học-kỹ thuật, người dân áp dụng vào sản xuất, cải thiện kinh tế gia đình. Qua các buổi sinh hoạt văn hóa, giao lưu thể thao,... tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt. Những hoạt động ở nơi sinh hoạt cộng đồng hướng chúng ta cùng xây dựng đời sống văn hóa, văn minh.

Thế nhưng, hiện nay không phải nhà văn hóa hay trung tâm văn hóa-thể thao-học tập cộng đồng nào cũng phát huy hết công năng. Đây là một thực trạng đã và đang được đặt ra, cần có giải pháp hiệu quả. Nếu chúng được xây nên mà không được sử dụng hiệu quả phục vụ nhu cầu của người dân thì chúng ta thật sự đang lãng phí rất lớn.

Trên địa bàn tỉnh, hiện 980/1.036 ấp có nhà văn hóa, 134/192 trung tâm văn hóa-thể thao-học tập cộng đồng cấp xã. Những con số ấy phản ánh sự quan tâm của tỉnh, sự nỗ lực lớn của các địa phương cũng như người dân trong việc đầu tư xây dựng nơi sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra vấn đề về công tác quản lý và hiệu quả sử dụng. Bởi nhiều nhà văn hóa ấp, trung tâm văn hóa-thể thao-học tập cộng đồng hiện nay chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Chúng ta chỉ mới có cơ sở vật chất còn chất lượng hoạt động hạn chế rất nhiều. Điều đầu tiên muốn nói đến là chất lượng của đội ngũ cán bộ ở các trung tâm. Những người thật sự có năng lực tổ chức các hoạt động, phong trào trong lĩnh vực này rất hiếm. Do đó, các phong trào được tổ chức chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia. Bên cạnh đó, ban giám đốc trung tâm thì kiêm nhiệm, kinh phí hạn chế,... cũng ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động.

Để không lãng phí trong việc sử dụng nhà văn hóa ấp, trung tâm văn hóa-thể thao-học tập cộng đồng, cần sự quan tâm nhiều hơn của ngành chức năng trong việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn cho đội ngũ cán bộ phụ trách. Những hoạt động, phong trào phải thiết thực, hấp dẫn, gắn với đời sống người dân và được tổ chức thường xuyên để thu hút mọi người tham gia. Các tổ chức, đoàn thể ở địa phương cần có sự phối hợp tốt trong tổ chức các hoạt động. Khi tính hiệu quả của các hoạt động được thấy rõ, việc xã hội hóa sẽ dễ dàng thực hiện.

Trong guồng quay hối hả của cuộc sống, ai cũng cần có nơi để bồi đắp đời sống tinh thần. Nhà văn hóa ấp, trung tâm văn hóa-thể thao-học tập cộng đồng cần phát huy hết công năng, được sử dụng hiệu quả, vừa tránh lãng phí, vừa đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân./.

Khánh Tâm

Chia sẻ bài viết