Tiếng Việt | English

30/09/2015 - 20:31

Đừng để quỹ phụ huynh trở thành “tay sai” lạm thu

Hầu hết các trường đều không trực tiếp quản lý quỹ phụ huynh, quỹ này nằm trong danh mục các khoản thu tự nguyện, thu theo thỏa thuận giữa các phụ huynh nhưng quỹ này ngày càng bị biến tướng, khoản tự nguyện này đã trở thành áp đặt ở hầu hết các trường học.

Không để quỹ phụ huynh biến tướng

Đầu năm học mới, các bậc phụ huynh và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề lạm thu xảy ra tại một số trường. Nhiều ngôi trường đã bị phát giác về các hành vi thu chi khuất tất, không minh bạch, có lãnh đạo trường đã bị kỷ luật, cách chức.

Một trong những thực trạng tồn tại trong vấn đề lạm thu đó chính là nguồn quỹ phụ huynh. Theo Điều lệ Ban Đại diện cha mẹ học sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, kinh phí hoạt động của ban đại diện có được từ sự ủng hộ tự nguyện của ban đại diện và nguồn tài trợ hợp pháp khác cho ban đại diện, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh của trường được trích từ kinh phí hoạt động của các ban đại diện lớp theo khuyến nghị của cuộc họp toàn thể các trưởng ban đại diện đầu năm học.


Nhiều phụ huynh bức xúc với các khoản thu trong quỹ phụ huynh (Ảnh: minh hoạ)

Quy định là vậy nhưng các trường có đủ kiểu lách luật để tận thu. Điển hình là hiện nay, không còn trường nào chỉ thu một khoản là quỹ phụ huynh ở lớp mà phụ huynh phải đóng cả 2 khoản: quỹ trường, quỹ lớp.

Ban đại diện được quyền sử dụng nguồn quỹ theo thỏa thuận giữa các phụ huynh nhưng thực tế vẫn còn ràng buộc ở chỗ phải có sự tham mưu, bàn bạc với hiệu trưởng. Vì vậy mới có khoản thu hộ, chi hộ ở các trường.

Các phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, khi nào quỹ phụ huynh không tách rời hẳn với nhà trường thì khi đó, nguồn quỹ này còn bị biến tướng. Thử hỏi, nếu ban đại diện đã thỏa thuận với nhà trường, với giáo viên chủ nhiệm, tự quyết định mức đóng góp thì phụ huynh nào dám phản đối.

Theo nhà giáo Văn Như Cương - Chủ tịch hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh thì ở tại ngôi trường do ông quản lý, quỹ phụ huynh nhà trường hoàn toàn không can thiệp, không bắt ép phụ huynh phải như thế này hay như thế kia, để cho phụ huynh toàn quyền. “Trường không can thiệp vào quỹ phụ huynh vì nếu không khéo sẽ rất dễ khiến các phụ huynh học sinh nghĩ rằng ban phụ huynh là “tay sai” của trường” để thực hiện các khoản thu, thầy Văn Như Cương chia sẻ.

Theo lãnh đạo trường Lương Thế Vinh, những gì thuộc về phạm vi nhà trường, nhà trường sẽ thông báo rõ ràng để thu còn những gì thuộc về ban phụ huynh là việc của ban này.

Ở trường do thầy Văn Như Cương quản lý, quỹ phụ huynh quỹ phụ huynh chủ yếu nhằm vào công việc “hiếu, hỉ” thăm thầy cô lúc ốm đau, chúc mừng lễ tết, khen thưởng học sinh và tổ chức vui chơi các ngày lễ.

Tránh gây chênh lệch giàu nghèo trong “giới phụ huynh”

Một số hiệu trưởng tại các trường học ở Hà Nội cũng đều cho biết không can thiệp vào quỹ phụ huynh vì đó là công việc của ban phụ huynh, nhà trường cũng chỉ biết để có định hướng. Tuy nhiên, một thực tế được nhiều trường phản ánh đó là việc chênh lệch kinh tế giữa các phụ huynh. Trong cùng một lớp, có phụ huynh thu nhập cao, ngược lại có phụ huynh chỉ “bình dân”.

Bởi vậy, ở một số trường không làm tốt vấn đề dân chủ trong hội cha mẹ học sinh, chỉ một vài người có tiềm lực kinh tế mạnh coi việc đóng vài triệu là chuyện nhỏ và yêu cầu đóng tiền như nhau gây bức xúc cho phụ huynh.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hiệp Thống – Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Đây là điều chúng tôi hết sức tránh và cần đi kiểm tra để chấn chỉnh các nhà trường. Do đó, mới đây Giám đốc Sở GD&ĐT mới ký quyết định thành lập 21 đoàn kiểm tra và ngay sau ngày mùng 5/9 khai giảng, kể cả trước khi họp ban đại diện, đoàn kiểm tra của chúng tôi do các lãnh đạo Sở, các phòng ban của Sở sẽ đi kiểm tra ở khắp 30 quận, huyện như kiểm tra thi để về triển khai với các nhà trường đôn đốc, chỉ đạo các trường. Có thể chưa họp nhưng chỉ đạo bằng văn bản, bằng những ý kiến cụ thể và sau khi đã triển khai thu rồi, sang cuối tháng 9 đầu tháng 10 chúng tôi sẽ còn quay lại. Những trường hợp còn những tồn tại như đã nói ở trên, chắc chắn chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý. TP Hà Nội đã quy định rất rõ là Chủ tịch UBND quận, huyện, Giám đốc Sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo TP về những nội dung thu theo phân cấp quản lý. Ví dụ xảy ra ở một trường tiểu học ở một quận, huyện thì Chủ tịch UBND địa phương đó chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP về nội dung này.Ở trường cấp 3 thì Giám đốc Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm.”./.

Lê Tú/dantri.com.vn

Chia sẻ bài viết