Tiếng Việt | English

27/11/2019 - 08:43

Đừng vì cái lợi trước mắt!

Trong quá trình mày mò, tìm tòi mô hình sản xuất, có lúc nông dân còn chạy theo “phong trào”, chú ý lợi nhuận trước mắt mà không biết các quy định của pháp luật và tác hại, hậu quả lâu dài của việc mình làm.

Gần đây, Công an TP.Tân An phối hợp các ngành liên quan, chủ trang trại nuôi cá kiểng tại phường 7, TP.Tân An tiêu hủy toàn bộ số tôm hùm nước ngọt, tôm càng đỏ.Theo tài liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là 2 loài thủy sinh có nguồn gốc ngoại lai, ăn tạp, có sức chống chịu và thích nghi cao. Khi ra ngoài môi trường, chúng sinh sôi nhanh chóng, phá hại lúa, tiêu diệt tôm bản địa, đồng thời có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật khác. Điều may mắn là ngành chức năng đã phát hiện và xử lý kịp thời ngay tại trang trại nuôi trước khi xuất bán ra bên ngoài.

Phong trào ươm cá tra bột lên cá giống xuất phát từ các tỉnh Đồng Tháp, An Giang lan sang Tân Hưng và các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh. Một số nông dân đã tự ý chuyển từ đất lúa sang đào ao ươm cá giống. Lúc đầu, do có thị trường tiêu thụ và môi trường nước tốt, chưa phát sinh dịch bệnh nên nghề này cho lợi nhuận cao. Sau đó, nhiều nông dân đã “ăn theo”, phát triển mạnh “phong trào” đào ao ươm cá tra bột. Đến nay, toàn tỉnh có trên 3.500ha mặt ao ươm cá. Do tình trạng phát triển không theo quy hoạch, dẫn đến việc xuất hiện dịch bệnh trên cá và cung vượt cầu, giá cá liên tục giảm, nông dân thua lỗ. Thời gian gần đây, không ít nông dân phải ngậm ngùi bỏ trống ao hoặc lấp ao do thua lỗ nhiều vụ liên tiếp. Chẳng những thua lỗ, nông dân còn phải bỏ ra chi phí lấp ao, lớp đất mặt ruộng không còn ảnh hưởng đến độ màu mỡ và năng suất trồng lúa sau này.

Trong khi một số nông dân ở Đồng Tháp Mười đang thua lỗ với nghề ươm cá tra giống thì tại khu vực này lại xuất hiện phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt, đất trồng lúa. Hiện người dân tự ý nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích gần 48,6ha.

Một số hộ dân còn tự ý khoan giếng lấy nước mặn, dùng muối để nâng độ mặn cho ao nuôi tôm. Điều này ảnh hưởng đến hệ sinh thái, gây mặn hóa vùng nuôi, ô nhiễm nước ngầm, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa và cây trồng khác xung quanh. Chưa kể đến việc người dân nơi đây chưa có kinh nghiệm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi cao, nguy cơ bùng phát dịch bệnh lớn và khó kiểm soát, dẫn đến rủi ro thiệt hại lớn, tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã khu vực Đồng Tháp Mười không chủ trương nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo để người dân nắm được những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt; đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình nuôi các đối tượng khác có giá trị kinh tế phù hợp với cây trồng, vật nuôi trong vùng nước ngọt, để người dân học tập và ứng dụng vào sản xuất. Mặt khác, chú ý quản lý, kiểm tra và xử lý việc khoan giếng lấy nước mặn để nuôi tôm thẻ chân trắng không theo quy định pháp luật.

Việc nuôi các động vật ngoại lai, tự ý chuyển đổi từ đất sản xuất lúa sang đào ao nuôi trồng theo “phong trào”, khoan giếng lấy nước mặn,… để có lợi nhuận trước mắt sẽ gây ảnh hưởng lâu dài đến môi trường, hệ sinh thái, quy hoạch sản xuất, hiệu quả kinh tế và vi phạm quy định của pháp luật. Nông dân đừng vì cái lợi trước mắt mà quên đi tác hại, hậu quả lâu dài. Cần tham khảo chính quyền, ngành chức năng trước khi quyết định thực hiện một mô hình mới, nuôi trồng cây, con mới trên thửa ruộng của mình./.

Tân An

Chia sẻ bài viết