Tiếng Việt | English

23/10/2021 - 22:23

Gặp gỡ nhân vật lịch sử từng tham gia 'Đoàn tàu không số' 

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961-23/10/2021), trong Hành trình “Tiếp nối truyền thống Long An trung dũng kiên cường”, Tỉnh Đoàn Long An vinh dự được đến thăm nhân vật lịch sử từng tham gia “Đoàn tàu không số” – ông Trần Văn Tăng.

Ông Trần Văn Tăng - Nhân vật lịch sử từng tham gia “Đoàn tàu không số”

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đường Hồ Chí Minh trên biển là một trong những tuyến đường vận chuyển chiến lược, chi viện cho chiến trường miền Nam.

Ngày 23/10/1961, Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam thành lập Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân ngày nay) với tên gọi “Đoàn tàu không số” để vận chuyển vũ khí, phương tiện và cán bộ, chiến sĩ bằng đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

60 năm trôi qua, ông Trần Văn Tăng, một trong những nhân chứng sống trên chuyến tàu lịch sử ấy vẫn nhớ như in mệnh lệnh “sẵn sàng hy sinh” khi nhận nhiệm vụ.

Ông Trần Văn Tăng kể lại câu chuyện lịch sử "Đoàn tàu không số" cho đoàn viên, thanh niên 

Kể lại với các đoàn viên, thanh niên khi đến thăm nhà, ông Tăng nhớ lại từng chi tiết, tháng 10/1962, chiếc tàu gỗ đầu tiên do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên tàu cùng 11 thủy thủ đã rời bến Đồ Sơn (Hải Phòng).

Ngày 16/10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau), 30 tấn vũ khí từ hậu phương miền Bắc đã được chuyển đến chiến trường miền Nam an toàn. Sau thắng lợi chuyến đi đầu tiên, 3 chuyến tiếp theo lần lượt vào Nam. Trong hai tháng, 4 chuyến tàu của Đoàn 759 đã vận chuyển được 111 tấn vũ khí cho Khu 9 an toàn.

“Hiệu quả của đoàn tàu được đánh giá rằng nếu Bộ binh vận chuyển vũ khí đến Cà Mau phải mất mấy Quân đoàn mới vào tới được. Mỗi người dù gùi trên vai 50kg cũng chưa chắc vô tới nổi, mà đoàn này 1 chiếc tàu gỗ chở 15 tấn, đi chỉ 7 người”- ông Tăng nói.

Ông Trần Văn Tăng vinh dự nhận 1 Huân chương kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều Kỷ niệm chương khác.

Những chuyến tàu vỏ gỗ đi vào Cà Mau thành công, khẳng định đây là hướng đi đúng đắn có thể vận chuyển bằng đường biển lâu dài, cần phải có những phương tiện vận chuyển tốt hơn đi trong mọi thời tiết.

Lúc đó, Quân ủy Trung ương chủ trương nhanh chóng đầu tư, trang bị cho Đoàn 759 loại tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn. Cuối năm 1962, Bộ Tổng Tư lệnh đề nghị Xưởng đóng tàu III (Hải Phòng) thuộc Bộ Giao thông vận tải đảm nhiệm việc đóng tàu vỏ sắt.

Chia sẻ những kỷ niệm lịch sử với đoàn viên, thanh niên

“1 năm đóng được 6 chiếc tàu là đi hết, vượt biển, bất kỳ sóng gió cấp 7, cấp 8 cũng phải đi, không có bão là đi, vận chuyển hàng trăm tấn hàng hóa, lương thực vào chiến trường miền Nam, chủ yếu là Cà Mau” - ông Tăng nhớ lại.

Chính yếu tố sức mạnh tinh thần tạo động lực giúp cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số luôn vững niềm tin chiến thắng, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bí mật tuyến đường.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Trần Văn Năm, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc chia sẻ về “Đoàn tàu không số”, Đường Hồ Chí Minh trên biển đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho cách mạng miền Nam.

Tuy nhiên, thắng lợi nào cũng phải đánh đổi bằng máu xương của biết bao anh hùng, liệt sĩ. Lực lượng tham gia "Đoàn tàu không số" hy sinh không nhỏ, nhưng đó là đóng góp rất lớn góp phần cho giải phóng miền Nam.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Đại tá Trần Văn Năm chia sẻ về “Đoàn tàu không số”,

Đường Hồ Chí Minh trên biển, con đường vận tải bí mật, bất ngờ, hiệu quả, có khả năng vận chuyển sâu vào các chiến trường xa, là một quyết sách đúng đắn, sáng tạo, độc đáo, thể hiện tư duy, tầm nhìn chiến lược, tài thao lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng, kế thừa và phát huy truyền thống chống giặc ngoại xâm anh hùng của ông cha ta trong thời đại mới.

Sự ra đời của Đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với những chiến công của lực lượng Hải quân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chứng minh về tầm quan trọng của biển, đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Bí thư Tỉnh đoàn Long An - Võ Trần Tuấn Thanh cho biết, những chia sẻ của các cựu lão thành cách mạng đã đóng góp rất lớn cho việc giáo dục đoàn viên, thanh niên, góp phần xây dựng quê hương văn minh giàu đẹp./.

Ông Trần Văn Tăng (sinh ngày 10/10/1934) ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành. Hiện nay đang ở xã Bình Quới, huyện Châu Thành.

Năm 1960, ông tham gia cách mạng phụ trách công tác hậu cần, giữ gìn bí mật chuẩn bị thành lập Đoàn 759 vận tải thủy.

Năm 1964, ông chuyển về công tác trợ lý quân nhu Tiểu đoàn 2, K20 Bộ tư lệnh Hải quân, cung cấp hàng hóa phục vụ cho Đoàn tàu không số ở Hòn Gai, Bãi Cháy – Vịnh Hạ Long; cấp bậc Thiếu úy.

Ngày 02/9/1968, ông chuyển về nhiệm vụ cấp dưỡng hàng hóa cho Đoàn tàu không số. Cuối 1968 – 1975 chuyển về Trưởng phòng Hành chính Công ty Bảo đảm hàng hải II thuộc Đoàn 759.

Cuối 1975 – 8/1986 chuyển về trợ lý Tiểu đoàn Huấn luyện thuộc Phòng Huấn luyện quân sự của Công ty Bảo đảm hàng hải II. Tháng 8/1986, ông về hưu.

Ông vinh dự nhận 1 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều kỷ niệm chương khác.

Hà Lan

Chia sẻ bài viết