Tiếng Việt | English

11/06/2020 - 09:14

Gặp gỡ những điển hình thi đua yêu nước

Mỗi cá nhân bằng những việc làm cụ thể, thực hiện theo Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác (11/6/1948 - 11/6/2020), góp phần thúc đẩy KT-XH tỉnh nhà ngày càng phát triển.

1. Quê tỉnh Tiền Giang, chiến tranh loạn lạc, cuộc sống khó khăn nên năm 1968, ông Lê Văn Nam đến sinh sống và lập nghiệp tại ấp Nguyễn Sơn, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

Ông Lê Văn Nam trên con đường do gia đình hiến đất

Bao năm trôi qua, nhờ siêng năng làm lụng, vợ chồng ông đã khai phá được nhiều diện tích đất. Hiện tại, sau khi chia cho các con, vợ chồng ông còn lại 3ha đất ruộng. Mấy chục năm trôi qua, chứng kiến quê hương thứ hai có nhiều đổi mới, lòng ông rất vui.

Còn nhớ những năm đầu ông đến đây, Nguyễn Sơn là ấp vùng sâu của xã Nhơn Hòa Lập, thường xuyên bị ngập mỗi khi mùa mưa đến. Đường sá đi lại rất khó khăn, chủ yếu bằng xuồng. Cuộc sống cũng thiếu hụt khi kinh tế gia đình phụ thuộc vào cây lúa nhưng năng suất thấp.

Ông suy nghĩ, thi đua yêu nước trước hết là phải ra sức lao động, phát triển kinh tế gia đình để chung sức xây dựng quê hương. Người nông dân quanh năm “chân lấm, tay bùn”, “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để lao động, nuôi các con. Ngoài sự nỗ lực từ bản thân, Nhà nước cũng bắt đầu có những chính sách phát triển nông nghiệp. Đó là việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mở các lớp tập huấn, đầu tư vốn làm đê bao ngăn lũ, giới thiệu giống và những năm gần đây là vận động nông dân tham gia vùng lúa ứng dụng công nghệ cao,... Cùng với đó, xã cũng quan tâm nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh, mương, xây dựng trường học,...

Ông Nam là một trong những người đi đầu, tích cực sản xuất và hưởng ứng các phong trào do địa phương phát động. Đến nay, từ làm lúa 2 vụ, gia đình ông nâng lên 3 vụ với năng suất bình quân từ 7-8 tấn/ha. Tất cả diện tích lúa đều có đê bao khép kín, chủ động nguồn nước do có các trạm bơm điện. Không những vậy, các khâu làm ruộng đều được ông cơ giới hóa từ sạ lúa đến thu hoạch và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Cuộc sống gia đình được cải thiện, ông có điều kiện tham gia các hoạt động xã hội. ông còn tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất ruộng để làm đường giao thông nông thôn.

Ông Nam nói: “Hồi đó, con đường trước nhà tôi nhỏ, hẹp; người dân ở sâu hơn phải đi đường vòng để ra Đường tỉnh 837B. Tôi nói với địa phương để gia đình hiến đất làm đường, một số hộ thấy vậy cũng làm theo. Riêng tôi hiến nhiều diện tích đất hơn nhưng chẳng sao, mình vì cái chung. Sau khi đường được mở rộng, trải đá xanh, được mạnh thường quân vận động, tài trợ xây cầu. Bây giờ đi lại thuận lợi, người dân ai nấy đều vui mừng, tôi cũng vậy!”.

Tôi nghĩ, thi đua chứ không phải là ganh đua. Thi đua sẽ tạo động lực, niềm tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Bí thư Đoàn trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc - Trương Trần Hoàng Du

2. Bước chân vào Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc, nhiều người sẽ nhìn thấy một biểu tượng Trường Sa giữa sân trường. Đó là một cách giáo dục truyền thống của ngôi trường này, trong đó, người có công đi đầu là Bí thư Đoàn trường - Trương Trần Hoàng Du.

Tốt nghiệp chuyên ngành Hóa học, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM, năm 2010, anh Du dạy học tại Trường iSchool Long An. Năm học 2014-2015, anh chuyển công tác về Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, phụ trách bộ môn Hóa học. Anh Du vừa làm nhiệm vụ dạy học, vừa kiêm công tác quản sinh. Năm học 2015-2016, trường được chuyển về địa điểm mới tại xã Mỹ Lộc, cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ hơn, thầy và trò đều rất phấn khởi. Đây là động lực để anh phấn đấu trong sự nghiệp giáo dục cũng như công tác Đoàn với vai trò là thủ lĩnh thanh niên.

Anh Trương Trần Hoàng Du (bìa phải) hướng dẫn học sinh thực hành

Đến Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, nhắc về anh Du, các học sinh đều kính trọng khi nói về người thầy nhiệt huyết trong công việc, tận tâm chăm lo học sinh cùng cách ứng xử gần gũi, thân thiện. Trong một tiết thực hành bộ môn Hóa học, anh Du đóng vai trò “nhạc trưởng” hướng dẫn để học sinh thực hiện. Anh cho rằng, mỗi bộ môn có “tuyệt chiêu” riêng, song đều hướng đến mục đích giúp các em tiếp thu bài một cách hiệu quả. Do đó, anh không đặt nặng vấn đề lý thuyết “suông” mà chú trọng thực hành, ứng dụng vào thực tiễn. Trong giảng dạy, anh cũng mạnh dạn áp dụng những công cụ hỗ trợ, phần mềm, hình ảnh minh họa sống động,... Nhờ đó, tiết học của anh không hề nhàm chán mà luôn thu hút học sinh.

Không những vậy, anh còn tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình học sinh để có hướng giải quyết, giúp đỡ. 3 năm làm Bí thư Đoàn trường, anh Du cống hiến sức trẻ, ra sức thi đua, học tập, mang lại nhiều điều tốt đẹp cho học sinh. Tính từ năm 2016 đến nay, anh vận động trao học bổng, tặng nhà tình bạn cho học sinh với số tiền hơn 800 triệu đồng. Bên cạnh đó, với công trình thanh niên “Góc biển, đảo quê hương” là cột mốc Trường Sa, anh vận động kinh phí, lên ý tưởng thực hiện và được sự đồng ý của Ban Giám hiệu,... Qua đây, góp phần giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và bồi dưỡng, vun đắp tinh thần tự hào dân tộc cho học sinh,...

Với những đóng góp của mình, nhiều năm liền, anh Du được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhận nhiều bằng khen, giấy khen, trong đó có Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2020.

Anh Du chia sẻ: “Tôi nghĩ, thi đua chứ không phải là ganh đua. Thi đua sẽ tạo động lực, niềm tin để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

3. Chồng mất sớm, một mình chị Lê Thị Liệt, ngụ ấp An Định, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, vừa làm cha, vừa làm mẹ để nuôi nấng, dạy dỗ các con. Vất vả, khó nhọc là vậy nhưng chị không hề than thở, oán trách thân phận mà còn tích cực tham gia phong trào địa phương.

Chị Lê Thị Liệt chằm nón lá

Ở độ tuổi 40, chị trở thành góa phụ khi chồng đột ngột qua đời. Hụt hẫng, đau buồn nhưng 2 năm qua, chị cố gắng sống mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho các con. Ngày anh còn sống, chị có 10 năm làm công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam tại TP.HCM. Còn anh ở nhà làm ruộng, đưa đón các con đi học. Anh qua đời, chị mất đi một bờ vai vững chắc. Chị cũng nghỉ làm công nhân, ở nhà quán xuyến việc đồng áng, chăn nuôi bò và lo cho các con. Thời gian rảnh, chị chằm nón lá để kiếm thêm thu nhập.

Đối với nhiều người, tấc đất là tấc vàng, vậy mà chị không ngần ngại hiến 160m2 đất để xây dựng đường giao thông trước khi nhà nước có chủ trương vận động người dân hiến đất. “Khi xây hàng rào trước nhà, tôi tự chừa phần diện tích đất để khi nào làm đường thì có thể mở rộng. Thậm chí bây giờ, đường mở rồi, nâng cấp rồi mà còn dư phần đất của gia đình hiến ở phía trước” - chị Liệt vui vẻ chia sẻ.

Phần đất mà chị hiến thuộc tuyến đường AND9, điểm đầu tiếp giáp Đường tỉnh 825, là một trong những tuyến đường người dân đi lại khá đông. Việc mở rộng con đường giúp học sinh, người dân đi lại dễ dàng hơn, góp phần thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Chị vừa được tuyên dương cấp tỉnh về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2018-2020.

Mỗi người một việc làm tốt đẹp, chung sức dựng xây quê hương và đưa phong trào thi đua ngày càng lan tỏa./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết